Kinh tế

Hai lý do có thể khiến tiền gửi tiết kiệm 'bốc hơi'

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nhận định, có 2 lý do chính làm thiệt hại đối với tiền gửi của khách hàng là hệ thống bảo mật ngân hàng và vấn đề con người. Theo vị chuyên gia này, vấn đề công nghệ có thể khó khăn trong việc xử lý nhưng yếu tố con người có thể điều chỉnh được.

Hai lý do có thể khiến tiền gửi tiết kiệm 'bốc hơi'
Ngân hàng đang cố gắng đẩy nhanh xử lý nợ xấu và hướng tín dụng vào sản xuất.

Diễn đàn toàn cảnh ngân hàng năm 2018 do Ngân hàng Nhà nước và Thời báo Kinh tế Sài Gòn tổ chức tại Hà Nội ngày 8/5. Tại đây, nhiều ý kiến cho rằng, lãi suất giảm và giữ ổn định, tỷ giá neo ở mức hợp lý , dự trữ ngoại tệ tăng mạnh… là điểm sáng của hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, ngân hàng sẽ phải đối mặt nhiều rủi ro trong thanh toán điện tử và vấn đề kiểm soát an ninh mạng, chuyển đổi thẻ từ thẻ chip...

Nợ xấu giảm nhưng còn vướng

Tại diễn đàn ngày 8/5, ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ NHNN cho biết, mặt bằng lãi suất giảm mạnh từ năm 2012 và giữ ổn định trong năm 2017, lãi suất cho vay lĩnh vực ưu tiên tiếp tục giảm. Theo ông Hà, thị trường tiền tệ, ngoại hối ổn định, lạm phát được kiểm soát góp phần tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp. Moody’s đã nâng mức xếp hạng tín nhiệm của hệ thống ngân hàng Việt Nam từ “ổn định” lên “tích cực”…

Tại diễn đàn, ông Phạm Huyền Anh, Phó Chánh thanh tra Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, NHNN cho hay, thực hiện có hiệu quả Đề án cơ cấu lại và Nghị quyết 42, đến nay, công tác cơ cấu lại và xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng đã đạt được một kết quả cơ bản.

Cụ thể,  NHNN đã: Thẩm định, phê duyệt phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2017-2020 của 3/4 ngân hàng thương mại nhà nước; Các công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính tích cực xây dựng các phương án cơ cấu lại theo nhiều giải pháp để nâng cao mức độ an toàn, hiệu quả kinh doanh và năng lực cạnh tranh.

“Nợ xấu tiếp tục được kiểm soát và duy trì ở mức dưới 3%. Với các biện pháp chỉ đạo quyết liệt của NHNN và sự nỗ lực, chủ động của các TCTD trong kiềm chế và xử lý nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn hệ thống các TCTD tại thời điểm cuối năm 2017 đã giảm hơn so với mức 2,46% cuối năm 2016”, ông Huyền Anh cho biết.

An toàn tiền gửi vẫn là thách thức lớn

Liên quan đến việc mất an toàn tiền gửi của khách hàng thời gian qua, tại diễn đàn, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu đặt câu hỏi: Tôi vẫn xác định gửi tiền ngân hàng vẫn an toàn nhất. Câu hỏi đặt ra là hệ thống bảo mật an toàn hiện nay đang xấu hơn hay tốt lên? Có 2 lý do chính làm thiệt hại cho khách hàng. Về nguyên nhân kỹ thuật, theo ông Hiếu có thể do các “tường lửa” chưa đảm bảo, hạ tầng CNTT (phần cứng, phần mềm) chưa được cập nhật… Còn nguyên nhân từ con người thì có thể do khách hàng không tuân thủ các yêu cầu bảo mật của ngân hàng, hoặc do cán bộ ngân hàng cấu kết với tội phạm để chiếm đoạt tài sản của khách hàng. Theo tôi, nguyên nhân về con người khiến khách hàng thiệt hại đang chiếm phần lớn. Nhưng nguyên nhân từ con người dễ điều chỉnh hơn nguyên nhân từ công nghệ, vì nguyên nhân công nghệ đòi hỏi đầu tư rất lớn.

Ông Lê Mạnh Hùng - Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin thì cho hay, thanh toán trực tuyến là nhu cầu tất yếu của xã hội hiện đại nhưng cũng đang đối mặt với thách thức to lớn từ các gian lận và tội phạm công nghệ cao có tính tổ chức, xuyên 
biên giới.

Trong năm 2017, theo thống kê của công ty an ninh mạng Panda Security, tài chính là mục tiêu lớn nhất thúc đẩy tin tặc hành động (chiếm 73% số lượng các cuộc tấn công mạng); chính trị, tình báo là mục tiêu lớn thứ hai (với 21% các cuộc tấn công). Mỗi ngày trung bình có khoảng 285.000 mẫu mã độc mới xuất hiện. Đầu tháng 5/2017, mã độc tống tiền WannaCry khiến thế giới “chao đảo” khi lan rộng tới hơn 150 quốc gia, trong đó có Việt Nam, ảnh hưởng tới 10.000 tổ chức, 200.000 
cá nhân.

 “Tại Việt Nam, nhận thức và hành vi của người dùng trong việc đảm bảo an toàn thông tin khi truy cập mạng thì người dùng Việt Nam vẫn còn rất yếu; 60% người dùng trên thế giới khi được hỏi thì đều có nhận thức việc mất an toàn là do bản thân, nhưng tại Việt Nam chỉ có gần 11% người dùng nhận biết được điều này”, ông Hùng nói. Theo ông Hùng, năm 2018, NHNN sẽ rà soát sửa đổi bổ sung thông tư quy định về đảm bảo an toàn, bảo mật hệ thống CNTT trong hoạt động ngân hàng.

“Thanh toán trực tuyến là nhu cầu tất yếu của xã hội hiện đại nhưng cũng đang đối mặt với thách thức to lớn từ những gian lận và tội phạm công nghệ cao có tính tổ chức, xuyên biên giới”.    Ông Nguyễn Mạnh Hùng, NHNN

Theo Khánh Huyền (Tiền Phong)