Kinh tế

GNN Express lạm dụng 5 tỷ tiền thu hộ (COD) vừa phá sản: Cơ hội đòi tiền của các shop rất mong manh

Nhiều chủ nợ của GNN Express có thể sẽ "trắng tay" khi doanh nghiệp này đã mất khả năng thanh toán khoản nợ lên tới hơn 5 tỷ đồng lạm dụng của khách hàng. 

Quản lý kém, "đế chế" chuyển phát nhanh sụp đổ

Mới đây, Công ty cổ phần Chuyển phát nhanh G.N.N (GNN Express) phát đi thông báo, sẽ chính thức dừng hoạt động từ 1.9 vì "không còn đủ khả năng tài chính". Theo thông báo trên fanpage của doanh nghiệp này, do hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn, công ty đã không cân đối được thu, chi dẫn đến sử dụng và lạm dụng tiền thu hộ (COD) của khách hàng vào các hoạt động khác của công ty.

GNN Express lạm dụng 5 tỷ tiền thu hộ (COD) vừa phá sản: Cơ hội đòi tiền của các shop rất mong manh
Thông báo phá sản của công ty

Ông Hoàng Ngọc - Tổng giám đốc công ty thừa nhận, năng lực quản lý yếu kém của mình là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Ông Ngọc cho biết, đã ra tự thú trước cơ quan pháp luật về hành vi Lạm dụng tín nhiệm gây chiếm đoạt do các quyết định chỉ đạo sử dụng COD của khách hàng cho các hoạt động công ty với tổng số tiền là 5,5 tỷ đồng.

Ngoài việc lạm dụng 5,5 tỷ đồng tiền COD, công ty này còn nợ ngân hàng khoản vay mua 6 ôtô, vay tín chấp 1,7 tỷ đồng, nợ người thân, bạn bè 3,5 tỷ đồng, nợ đối tác gửi hàng hàng không 1 tỷ đồng, nợ lương của người lao động 700 triệu đồng và nợ bảo hiểm xã hội 200 triệu đồng.

Công ty cổ phần chuyển phát nhanh G.N.N (tiền thân là Công ty Cổ phần Dịch vụ Gió Nam) thành lập năm 2006. Quản lý thương hiệu GNN EXPRESS, G.N.N cung cấp các dịch vụ giao hàng thu tiền, vận tải hàng hóa, cho thuê kho bãi và vận chuyển quốc tế.

Trước khi ngừng hoạt động, GNN Express là một trong những đơn vị chuyển phát nhanh có hệ thống trải rộng, đã triển khai nhận hàng tại Hà Nội, Hải Phòng, Vinh, Huế, Đà Nẵng, Đà Lạt, TP.HCM, Biên Hòa và Cần Thơ cùng mạng lưới chuyển phát đến 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Chủ nợ khó lấy lại tiền

Theo LS Nguyễn Thế Truyền, đoàn luật sư TP Hà Nội, theo Luật phá sản 2014, một doanh nghiệp ở Việt Nam muốn phá sản thì phải được tuyên bố bởi quyết định phá sản của tòa án. Tòa án sẽ xem xét khả năng doanh nghiệp có thể tái cơ cấu hay không thì mới đưa ra tuyên bố.

Đối với các khách hàng, đối tác cho doanh nghiệp này bị chiếm dụng số tiền lên tới vài tỷ đồng, vượt quá xa so với vốn điều lệ thì khả năng thu hồi được số tiền lớn như vậy là rất thấp, do doanh nghiệp đã lâm vào tình trạng không có khả năng thanh toán.

Thêm vào đó, theo nguyên tắc xử lý tài sản được quy định tại điều 54 Luật phá sản 2014 thì thứ tự ưu tiên xử lý như sau: Thanh toán chi phí phá sản, khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể đã ký kết. Trường hợp, sau khi thanh toán các khoản chi phí nêu trên mà còn tiền thì mới thanh toán cho các chủ nợ theo tỷ lệ nhất định. Như vậy cơ hội để đòi lại nợ của các chủ nợ là rất mong manh.

Ngoài ra, việc lạm dụng số tiền lớn của khách hàng lên tới 5,5 tỷ đồng, những người liên quan rất có thể sẽ bị xử lý hình sự. Nếu có đủ căn cứ pháp lý, thì có thể bị xử lý tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điều 140 Bộ luật Hình sự năm 1999. Theo đó, hình phạt cho tội danh này có thể là phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.

Theo P.D (Lao Động)