Kinh tế

Giá xăng liên tiếp tăng cao, doanh nghiệp cầm cự trước áp lực

Tăng giá xăng đang gây áp lực lớn đến các doanh nghiệp sản xuất và vận tải. Một số doanh nghiệp vận tải cho biết vẫn đang cố gắng cầm cự và theo dõi thêm tình hình.

Ngày 17/4, lần thứ 2 liên tiếp giá xăng được điều chỉnh tăng thêm trên 1.000 đồng/lít. Hiện tại, giá bán lẻ xăng E5 RON 92 là 19.703 đồng/lít, còn xăng RON 95 không quá 21.235 đồng/lít. Giá bán lẻ cao nhất với dầu diesel, dầu hỏa và dầu mazut lần lượt hơn là 17.384 đồng/lít, 16.262 đồng/lít và 15.617 đồng/kg.

Như vậy, giá xăng đã tăng mạnh và gần chạm đến mức đỉnh của năm 2018 là 20.900 đồng/lít (xăng E5 RON 92) và 22.340 đồng/lít đối với xăng RON 95.

Lo cảnh "tát nước theo mưa"

Việc giá xăng dầu liên tục tăng cao khiến người tiêu dùng lo ngại các mặt hàng sẽ “tát nước theo mưa” mà tăng giá theo. Nhiều doanh nghiệp cũng lo ngại giá xăng làm ảnh hưởng đến giá thành sản xuất kinh doanh trong thời gian tới.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam (VATA), cho biết các doanh nghiệp vẫn đang theo dõi rất sát giá xăng dầu để quyết định có sự điều chỉnh trong thời gian tới hay không.

Ông Quyền nhấn mạnh giá xăng dầu là nguyên liệu đầu vào quan trọng hàng đầu cấu nên giá thành của các doanh nghiệp vận tải. Nếu xăng tăng giá, áp lực chi phí với các doanh nghiệp là không nhỏ.

Giá xăng liên tiếp tăng cao, doanh nghiệp cầm cự trước áp lực
Giá xăng được điều chỉnh 2 lần liên tiếp trong tháng 4. Ảnh: Hoàng Đông.

Sau 2 lần tăng giá xăng liên tiếp, ông Quyền cho biết các doanh nghiệp vận tải vẫn đang theo dõi rất sát sự biến động.

“Thông thường, doanh nghiệp sẽ tính toán một mức giá cho cả giai đoạn 3-6 tháng. Mức tăng giá hiện tại mới chỉ là ngắn hạn và doanh nghiệp vẫn cầm cự được. Tuy nhiên nếu tiếp tục tăng giá thì phải tính toán lại giá thành, và có thể phải tăng thêm”, ông Quyền nói.

Ngoài ra, với một số doanh nghiệp vận tải hàng hóa, đã ký hợp đồng vận chuyển 6-12 tháng, nếu giá xăng tiếp tục tăng thì có thể phải đàm phán lại hợp đồng.

Tuy nhiên, chủ tịch VATA cũng cho biết không chỉ vì giá xăng tăng mà doanh nghiệp vận tải dễ dàng tăng giá. Theo đó, điều chỉnh giá dịch vụ vận tải vẫn phụ thuộc vào cung cầu trên thị trường. Những thời điểm nhu cầu vận chuyển tăng cao như lễ Tết, nếu xăng tăng thì áp lực tăng giá cao hơn nhiều. Tuy nhiên, nếu thời điểm nhu cầu thấp thì việc tăng giá sẽ được cân nhắc kỹ càng hơn.

Đồng tình với điều này, lãnh đạo một số doanh nghiệp taxi tại Hà Nội cho biết áp lực cạnh tranh trên thị trường, đặc biệt là với các hãng gọi xe công nghệ, khiến doanh nghiệp taxi chấp nhận giữ giá mà không điều chỉnh. Việc điều chỉnh giá cũng rất phức tạp với doanh nghiệp taxi khi phải mất chi phí đặt lại cước đồng hồ.

Ở góc độ bán lẻ, ông Nguyễn Anh Đức, Phó giám đốc hệ thống siêu thị Saigon Co.op, cho biết vẫn chưa thấy dấu hiệu của việc tăng giá các mặt hàng từ các nhà sản xuất khi giá xăng lên cao. Theo ông Đức, siêu thị đã ký hợp đồng cung ứng hàng hóa với các nhà sản xuất trong dài hạn, do đó không thể điều chỉnh giá lên cao ngay được.

“Nếu giá xăng tiếp tục tăng nữa, có thể các nhà sản xuất sẽ chào giá tăng thêm. Lúc đó, siêu thị chúng tôi sẽ chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp bằng cách giảm mức chiết khấu xuống để bình ổn giá”, ông Đức nói.

Từ góc độ sản xuất, ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội xi măng Việt Nam, thì than khó cho các doanh nghiệp khi chịu áp lực của cả tăng giá điện và xăng. Với riêng xi măng vốn đã chịu nhiều áp lực từ tăng giá điện thêm 8,3%, thì giá xăng tăng lại ảnh hưởng đến việc vận chuyển và cung ứng hàng hóa.

Giá xăng liên tiếp tăng cao, doanh nghiệp cầm cự trước áp lực - 1

'Chưa ảnh hưởng tới lạm phát'

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho biết mức tăng giá xăng dầu trong 2 kỳ điều hành tháng 4 đều nằm trong kịch bản điều hành giá và kiểm soát lạm phát của năm nay. Do đó, để kiềm chế lạm phát dưới 4% trong năm nay, đã tính đến yếu tố biến động giá xăng dầu tăng cao như hiện tại.

“Trong kịch bản điều hành giá đã tính đến kịch bản xăng tăng 5-10%, thậm chí là tính đến các mặt hàng khác có thể tăng như thịt lợn sau dịch. Tôi thấy hiện tại chưa ảnh hưởng tới CPI năm nay”, ông Lâm nói.

Tuy nhiên, ông Lâm nhấn mạnh nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng cao trong thời gian tới, có thể Chính phủ sẽ phải tính toán thêm về kịch bản điều hành giá và kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, biện pháp dùng quỹ bình ổn có thể tiếp tục được xem xét sử dụng để tránh giá xăng quá biến động.

Nói về các mặt hàng khác có thể đua nhau tăng giá theo, ông Lâm cho rằng những năm gần đây, tình trạng lạm phát kỳ vọng ở Việt Nam gần như không diễn ra. Theo đó, không còn tình trạng “tát nước theo mưa”, đua nhau tăng giá rất khó xảy ra sau 2 lần tăng giá xăng vừa qua.

Theo Hiếu Công (Tri Thức Trực Tuyến)