Kinh tế >> Điện, xăng đua nhau tăng giá

Giá xăng, điện không còn 'bí mật': Hợp lý, hợp luật

Không phải cái gì cũng đưa vào danh mục mật và đóng dấu mật...

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng ý góp ý của Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) về Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Danh mục bí mật Nhà nước ngành Công thương là rất chính xác.

Giá xăng, điện không còn 'bí mật': Hợp lý, hợp luật
Bỏ gia xăng, giá điện khỏi danh mục bí mật. Ảnh; Congly

Vị chuyên gia nhấn mạnh, không phải cái gì cũng đưa vào danh mục mật và đóng dấu mật.

Theo ông Long, lấy lý do giữ bí mật phương án giá xăng, giá điện nhằm tránh tình trạng đầu cơ là chưa thuyết phục.

Điện là lĩnh vực đặc thù, vừa sản xuất vừa tiêu dùng luôn, nếu có biết trước giá điện các doanh nghiệp sản xuất cũng không thể tích trữ. Ngược lại, giá điện là những thông số đầu vào rất quan trọng, loại bỏ giá xăng, giá điện khi chưa công bố thuộc Danh mục bí mật nhà nước ngành Công Thương sẽ giúp các doanh nghiệp hoạch định kế hoạch sản xuất kinh doanh. Do đó, rất nhiều doanh nghiệp có nhu cầu biết sớm các quyết định điều chỉnh giá xăng, giá điện từ phía Nhà nước để chủ động điều chỉnh phương án tài chính.

Ví dụ, nếu biết được Bộ Công thương có kế hoạch điều chỉnh tăng giá điện trong năm nay thì doanh nghiệp cũng sẽ chủ động hơn trong điều chỉnh phương án sản xuất như tăng các thiết bị tiết kiệm điện, giảm các máy móc, kỹ thuật lạc hậu, tiêu tốn nhiều điện năng...

Với giá xăng cũng vậy, vị chuyên gia phủ nhận lo lắng trước mỗi thời điểm tăng giá thì các cây xăng lấy lý do kỹ thuật để dừng bán xăng, gây ảnh hưởng đến nhu cầu xăng dầu của người dân và doanh nghiệp. Bởi lẽ, hiện nay đã có nhiều cơ chế, quy định pháp luật có thể kiểm soát, kiểm tra và xử lý được hiện tượng này.

Về lý do xăng dầu, điện là lĩnh vực nhạy cảm, giữ bí mật vì an ninh, ông Long cũng phủ nhận và cho rằng giữ bí mật quá trình tính toán điều chỉnh giá xăng, giá điện không liên quan tới chuyện gây thất thoát, hay gây thiệt hại cho kinh tế của nhà nước. Vì thế, không phải giữ bí mật.

"Cái gì cũng bí mật, tuyệt mật là cách làm, cách tư duy cũ, lỗi thời, lạc hậu, gây ra những cản trở, hạn chế hiệu quả trong sản xuất của doanh nghiệp cũng như gây khó cho người tiêu dùng. Cách làm này không còn phù hợp với bối cảnh hiện tại, đang gây hại chứ không đem lại lợi ích gì, vì thế cần phải bỏ", PGS Nguyễn Trí Long nói.

Bỏ là hợp luật

Nhìn từ góc độ khác, chuyên gia năng lượng Ngô Đức Lâm nói thêm, kiến nghị nên cân nhắc, loại bỏ việc giá xăng, giá điện khi chưa công bố thuộc Danh mục bí mật nhà nước ngành Công Thương không hề mới. Trước đó nhiều tranh luận về vấn đề này đã được đặt ra nhưng đến nay VCCI mới có ý kiến.

Theo vị chuyên gia, tại thời điểm đó nhiều ý kiến cho rằng đề xuất đưa giá điện, xăng vào danh mục những loại hàng phải giữ bí mật đã gây tranh cãi gay gắt.

Nhiều ý kiến dẫn giải các quy định pháp luật và khẳng định không có cơ sở đưa giá điện, xăng vào diện bí mật nhà nước.

Cụ thể, có ý dẫn quy định tại Điều 1, Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước quy định thì bí mật Nhà nước là những tin về vụ, việc, tài liệu, vật, địa điểm, thời gian, lời nói có nội dung quan trọng thuộc lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, khoa học, công nghệ, các lĩnh vực khác mà Nhà nước không công bố hoặc chưa công bố và nếu bị tiết lộ thì gây nguy hại cho Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Kiến nghị bỏ giá xăng, điện khỏi danh mục bí mật

Trên cơ sở đó, Nhà nước căn cứ vào tính chất quan trọng của nội dung tin, mức độ nguy hại nếu bị tiết lộ, các tin thuộc phạm vi bí mật nhà nước được chia làm ba mức độ Tuyệt mật, Tối mật và Mật. Trong phạm vi Tuyệt mật và Mật không đề cập đến vấn đề kinh tế.

Tại Điều 6 của pháp lệnh quy định về phạm vi Tối mật, có nêu về lĩnh vực kinh tế, nhưng đó là các cuộc đàm phán và tiếp xúc cấp cao giữa nước ta với nước ngoài hoặc các tổ chức quốc tế về chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, khoa học, công nghệ và các lĩnh vực khác chưa công bố hay công trình khoa học, phát minh, sáng chế, giải pháp hữu ích, bí quyết nghề nghiệp đặc biệt quan trọng đối với quốc phòng, an ninh, kinh tế, khoa học, công nghệ mà Nhà nước chưa công bố.

Như vậy, lĩnh vực giá xăng dầu, điều chỉnh giá xăng dầu và giá điện chưa công bố không thuộc phạm vi của bảo vệ bí mật Nhà nước. Do đó, không có cơ sở để bộ Công thương đưa nội dung này vào danh mục bí mật nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý.

Theo Lam Nguyễn (Báo Đất Việt)