Kinh tế

Giá xăng đắt kỷ lục, làm gì để tránh bị 'móc túi' khi đổ xăng?

Với mẹo đổ xăng và đi xe dưới đây bạn sẽ giảm được kha khá tiền xăng mỗi tháng, cực kỳ kinh tế và tiết kiệm.

Mẹo hay để tránh bị "móc túi" khi đổ xăng

1. Chọn cây xăng uy tín

Khi cần phải đổ xăng, hãy chọn những cây xăng quen, có uy tín và thương hiệu để mua. Ở những địa chỉ này thường có chất lượng nhiên liệu đảm bảo, hệ thống đo kiểm đạt chuẩn (hoặc không bị sai lệch quá nhiều), có quy trình bơm xăng và niêm yết số tiền rõ ràng bằng màn hình LED hoặc LCD trên cột xăng để người mua dễ dàng nắm được.

Còn khi buộc phải đổ xăng ở những cung đường lạ, theo kinh nghiệm của những tài xế lâu năm, hãy chọn những trạm xăng có đông xe tải và taxi vào đổ. Những lái xe taxi hoặc xe tải thường xuyên đi lại, do đó họ có nhiều kinh nghiệm trong vấn đề lựa chọn trạm xăng dầu.

2. Nên đi đổ xăng vào buổi sáng

Xăng giãn nở hay co lại tùy vào nhiệt độ. Buổi sáng tiết trời mát hơn, trong suốt một đêm xăng co lại, giảm thể tích, vì thế, đổ xăng vào thời điểm sáng sớm là bạn có lợi nhất. Ngược lại, lúc nóng nhất trong ngày, khi ta trả tiền 10 lít xăng nhưng có thể ta chỉ nhận được từ 9,1 – 9,3 lít, phần còn lại chỉ là hơi xăng.

Bạn cũng không nên đổ xăng lúc xe bồn đang bơm xăng vào bồn chứa của cây xăng. Lúc xe bồn đổ xăng vào bồn chứa ào ào, gia tăng áp suất trong bồn chứa xăng của trạm xăng làm xăng giãn nở ra. Khi đó, ta lại phải mua một tỷ lệ khí xăng, hơi xăng.

Giá xăng đắt kỷ lục, làm gì để tránh bị 'móc túi' khi đổ xăng?

3. Không đổ xăng bằng số tiền như 50k, 100k

Đây là thói quen của đa số những người đi đổ xăng. Khi vào cây xăng, mọi người thường báo với nhân viên số tiền 30.000, 50.000 đồng. Việc này có thể giúp nhân viên dễ trả tiền và tiết kiệm thời gian chờ đợi hoàn tiền lẻ.

Tuy nhiên nó không hề có lợi cho người tiêu dùng. Hành động này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho một số nhân viên cây xăng gian lận do hiện tượng nhảy số tiền mà đôi khi khách hàng không để ý. 

Để tránh tình trạng này, bạn nên mua xăng theo dung tích, ví dụ: 1 lít, 2 lít… Các chương trình ăn cắp thường lập trình theo số tiền, vì vậy, nếu chuyển qua cách mua theo thể tích, bạn sẽ có “cơ may” thoát được móc túi.

Khi bình xăng đã gần cạn, kim chỉ vạch đã về mức màu đỏ, bạn chỉ cần đề nghị bơm số lít chẵn, thấp hơn dung tích bình xăng là có thể yên tâm xăng không bị tràn ra xe.

4. Không nên đổ xăng "đầy bình"

Cũng như việc đổ xăng theo số tiền, nhiều người khi vào cây xăng sẽ luôn hô "đầy bình". Hãy dừng việc này lại ngay vì nó có thể tạo điều kiện cho nhân viên cây xăng gian lận, lừa tiền của bạn.

Nguyên nhân là do các cây xăng sử dụng cò bơm tư động với cơ chế hút xăng ngược trở lại. Khi xăng tới mức đấy và chạm tới mép vòi bơm nó sẽ ngăn thao tác bơm để tránh tràn ra ngoài. Như vậy là bạn đã mất đi một lượng xăng mà không hề biết.

5. Không mua xăng khi có hai người cùng thao tác, đề nghị chuyển về "0"

Tại một số trạm xăng, với lý do giúp bán nhanh nên họ sẽ bố trí 2 người cùng thao tác, trong đó một người cầm vòi bơm và một người đứng điều khiển bảng đồng hồ. Tuy vậy, đây lại là kiểu bán xăng rất dễ gian lận bởi người "giật cò" dễ dàng có thao tác khoá xăng lại, chúng ta cũng khó có thể quan sát cả hai cùng một lúc nên gian lận rất dễ xảy ra.

Ngoài ra, dù đã bị lên án nhưng một số trạm xăng có kiểu bán xăng "nối". Tức là khi đến bơm xăng, đồng hồ không chuyển về "0", đây cũng là hành vi bị cấm theo quy định kinh doanh xăng dầu bởi luôn có sai số trong phép tính trừ giá tiền giữa 2 lần bơm. Do đó, cần có ý kiến ngay khi một trạm xăng nào đó bố trí người theo những cách như vậy để tránh rủi ro.

6. Chú ý quan sát, đừng làm việc riêng khi đổ xăng

Nên để ý và quan sát kỹ quá trình thao tác của nhân viên cũng như bảng hiển thị số tiền trên cột bơm xăng thay vì bận làm việc riêng. Khi quan sát, bạn có thể phát hiện được những biểu hiện bất minh của nhân viên trạm xăng, đồng thời biết được đồng hồ xăng đã hiển thị đủ hay chưa, có bị nhảy số hay không.

Một số cây xăng có “mánh” cố tình kéo dài dây bơm xăng ra xa hoặc khuất để khách hàng khó quan sát đồng hồ, khi đó bạn có thể di chuyển xe gần vào và chọn cho mình vị trí đứng quan sát phù hợp. Khi nhân viên cây xăng nhìn thấy khách hàng có vẻ chú ý, họ sẽ ít dám giở những chiêu trò gian lận hơn.

Giá xăng đắt kỷ lục, làm gì để tránh bị 'móc túi' khi đổ xăng? - 1

3 cách đi xe máy giúp tiết kiệm tiền xăng nhất

Tắt máy trong khi dừng đèn đỏ: Một trong những bí quyết tiết kiệm nhiên liệu đó chính là chủ động tắt động cơ trong khi chờ đèn xanh, đỏ. Đặc biệt, quãng đường nào có đèn xanh, đỏ hơn 30 giây trở lên là có thể tắt máy. Theo các chuyên gia nghiên cứu cho thấy, khi xe dừng mà vẫn nổ máy gần 1 phút, nguồn nhiên kiệu xe sẽ bị tiêu hao tương đương với khoảng 1km vận hành.

Bảo dưỡng xe máy định kỳ: Xe máy khi được bảo dưỡng đầy đủ, đúng định kỳ là yếu tố quan trọng trong việc tiết kiệm nhiên liệu. Khi được bảo dưỡng đều đặn, các thiết bị và máy móc của xe sẽ không gặp sự cố hỏng hóc, hoặc tiêu hao nhiên liệu bất thường.

Vì vậy, hãy cố gắng đưa xe đi kiểm tra tổng thể từ 6 tháng – 1 năm/ lần nhằm đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông.

Nên giữ đều tay ga khi đi xe: Nếu đi xe tiết kiệm xăng, người sử dụng cần phải đảm bảo di chuyển đúng số với những chiếc xe số và giữ đều tay ga. Khi giữ đều tay ga, động cơ sẽ hoạt động ổn định và giúp việc di chuyển được trơn tru, vì thế xăng cũng tốn ít hơn.

Người sử dụng xe cũng cần hạn chế tối đa việc thay đổi tốc độ đột ngột hoặc dừng lại giữa chừng nhiều lần. Bởi khi đi tăng tốc, xe sẽ cần một lượng lớn nhiên liệu để các động cơ máy bên trong hoạt động nhanh hơn và việc dừng đột ngột sẽ khiến xe có thể bị chết máy.

PN (Nguoiduatin.vn)




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/docbaovn/gia-xang-dat-ky-luc-lam-gi-de-tranh-bi-moc-tui-khi-do-xang-tintuc829251