Kinh tế

Giá xăng đáng lẽ phải giảm mạnh hơn nhưng bộ đã tính kiểu khác

Cho dù hơn một tháng nữa, vào 1/1/2019, thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu mới tăng kịch khung, nhưng người dân đã phải chịu thiệt đôi chút trong kỳ điều hành giá xăng dầu gần nhất.

Tại kỳ điều hành giá xăng dầu gần nhất, vào ngày 21/11, giá xăng E5RON92 giảm 973 đồng/lít; xăng RON95-III giảm 1.093 đồng/lít; dầu diesel giảm 907 đồng/lít...

Đây là mức giảm khá mạnh, nhưng đáng ra giá xăng dầu có thể giảm mạnh hơn nữa nếu không phải vì liên bộ Công Thương - Tài chính “phòng xa” cho thời điểm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu tăng kịch trần.

Cụ thể, tại kỳ điều hành này, giá xăng dầu thế giới đã giảm rất mạnh, có thời điểm về “đáy”của 1 năm về trước. Cho nên, liên bộ đã ngừng chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu, đồng thời tăng cường số tiền trích lập cho Quỹ. Ngoại trừ xăng E5RON92, dầu hỏa, dầu mazut giữ nguyên mức trích lập như hiện hành (300 đồng/lít-kg) thì xăng RON 95 có mức trích lập lên tới 950 đồng/lít. Còn dầu diesel mức lập quỹ lên đến 500 đồng/lít.

Giá xăng đáng lẽ phải giảm mạnh hơn nhưng bộ đã tính kiểu khác
Nếu không phải "để dành" dự phòng cho tác động tăng thuế, thì giá xăng RON 95 có thể giảm nhiều hơn.

Có nghĩa, thay vì người dùng được giảm giá thêm 200-600 đồng/lít xăng dầu thì mức giảm cũng chỉ như đã nói ở trên.

Giải thích cho điều này, Bộ Công Thương đề cập đến một loạt lý do. Đó là Quỹ Bình ổn giá xăng dầu sau một thời gian dài được chi sử dụng liên tục nhằm hạn chế tác động tăng của giá thành phẩm xăng dầu thế giới tới giá bán xăng dầu trong nước, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát thì đến nay số dư Quỹ Bình ổn giá xăng dầu của một số doanh nghiệp sụt giảm đáng kể, thậm chí còn âm.

Ngoài ra, theo Bộ Công Thương, việc đảm bảo nguồn Quỹ Bình ổn giá xăng dầu nhằm phục vụ công tác bình ổn giá xăng dầu trong nước sắp tới trong giai đoạn trước, trong, sau Tết là cần thiết.

Một tác động quan trọng đến giá cả được Bộ Công Thương nhắc đến là việc tăng thuế bảo vệ môi trường kịch trần với xăng dầu từ ngày 1/1/2019.

Cụ thể, ngày 20/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận và biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu từ đầu năm 2019.

Theo đó, thuế môi trường với xăng tăng thêm 1.000 đồng/lít, lên kịch khung 4.000 đồng.

Các mặt hàng dầu cũng đồng loạt tăng thuế môi trường. Dầu hoả sẽ chịu thuế môi trường 1.000 đồng một lít từ đầu năm sau, tăng 700 đồng so với hiện nay. Dầu diesel tăng từ 1.500 đồng/lít lên kịch trần 2.000 đồng/lít.

Dự kiến, ngân sách có thể thu thêm được 15,1 nghìn tỷ/năm từ việc tăng thuế lên kịch khung này.

Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), việc nâng kịch trần thuế bảo vệ môi trường lên xăng dầu vào đầu năm sau sẽ tạo ra rủi ro lạm phát. Theo VEPR, chỉ riêng sự thay đổi này có thể làm tỷ lệ lạm phát trong vòng 1 năm tới tăng thêm 1,6 điểm phần trăm

PGS.TS Phạm Thế Anh, Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô thuộc trường Đại học Kinh tế quốc dân, cho rằng, việc Bộ Tài chính đánh giá việc tăng thuế bảo vệ môi trường chỉ làm tỷ lệ lạm phát năm 2019 tăng khoảng 0,09 điểm phần trăm là quá thấp, thiếu chính xác.

Theo PGS.TS Phạm Thế Anh, việc đánh thuế vào xăng dầu còn kéo theo các tác động khác, ảnh đến nguyên vật liệu sản xuất, làm tăng chi phí sản xuất, ảnh hưởng tới giá hàng hóa và chi phí của doanh nghiệp.

Ông Phạm Thế Anh cũng cho biết mục đích chính của việc tăng thuế bảo vệ môi trường là nhằm hỗ trợ ngân sách, tuy nhiên xét trong bối cảnh hiện tại thì đây là biện pháp tăng thu ngân sách không phù hợp. Vì xăng dầu là yếu tố đầu vào của hầu hết các hoạt động kinh tế, do đó việc tăng thuế xăng dầu sẽ tác động mạnh lên tiêu dùng của hộ gia đình và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là trong bối cảnh lạm phát trên toàn cầu đang có dấu hiệu tăng nhanh.

Theo Hà Duy  (VietNamNet)