Kinh tế

Giá thịt lợn đang 'vô cảm' trước khó khăn chung bởi dịch bệnh?

Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, giá thịt lợn hơi trên địa bàn Hà Nội đang ở ngưỡng 75.000 đồng/kg, cao gấp 3 lần giá vịt hơi. Mặc dù các đơn vị chuyên ngành đã yêu cầu giảm giá lợn hơi nhưng mọi nỗ lực đều chưa được như mong đợi.

Ghi nhận của PV Báo Gia đình & Xã hội, tại một số chợ dân sinh, như chợ Đại Từ (Hoàng Mai), chợ Chính Kinh (Thanh Xuân), chợ Phùng Khoang (Nam Từ Liêm)…, thịt lợn thành phẩm có giá dao động từ 120.000 đồng – 165.000 đồng/kg.

Đơn cử như thịt ba dọi có giá dao động từ 150.000 – 160.000 đồng; sườn sụn có giá 160.000 – 165.000 đồng/kg; sườn non có giá 150.000 – 155.000 đồng/kg…

Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Hương cho biết, giá thịt lợn mà người nội trợ phải mua tại các cửa hàng bán lẻ có hệ thống như Vinmart hoặc Meat Deli thì đắt hơn.

Giá thịt lợn đang 'vô cảm' trước khó khăn chung bởi dịch bệnh?
Tại một số chợ dân sinh, thịt lợn thành phẩm có giá dao động từ 120.000 đồng – 165.000 đồng/kg. Ảnh: Bảo Loan

Chị Hương cho biết: "Tôi mua móng giò heo để nấu cháo nhưng phải chi trả tới gần 78.000 đồng cho một hộp móng giò có trọng lượng 330 gram. Chưa hết, nếu bình thường tôi mua thịt xay ở chợ truyền thống, chỉ cần 30.000 đồng cũng có được khoảng 200 gram thịt xay thì khi vào Meat Deli, tôi phải trả hơn 60.000 đồng cho khoảng 300 gram".

"Chưa hết, những số tiền đó vẫn chưa gì khi tôi mua 400 gram thịt nạc ở vùng họng mà phải chi trả đến hơn 166.000 đồng. Tính ra, thịt nạc ở khu vực họng rất đắt, hơn 400.000 đồng/kg", chị Hương cho hay.

Chị Hương bày tỏ: "Tôi đi chợ mà không mang ít nhất 150.000 đồng thì bữa cơm của tôi không có thịt lợn. Trong khi đó, nếu mua thịt gà hoặc thịt vịt, ngan thì hoàn toàn rủng rỉnh".

Theo ghi nhận của PV, tại cửa hàng thịt sạch Meat Deli, T-mart và hệ thống cửa hàng Vinmart…, thịt thăn có giá 139.900 đồng/kg, thịt lợn xay là 169.900 đồng/kg, nạc vai có giá là 244.000 đồng/kg, nạc họng heo là 416.000 đồng/kg, bắp giò lợn không xương có giá bán lẻ là 243.000 đồng/kg…

Ngày 09/4, trao đổi nhanh với PV, ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết: "Nguồn thì hơi khan vì số lượng lợn ở Hà Nội thì giảm rất nhiều, từ 1,6 triệu con giảm xuống còn khoảng 1,1 triệu con (so với năm ngoái).

Trên địa bàn Hà Nội hiện nay đang có 12 đơn vị chăn nuôi cung ứng thực phẩm tươi, cụ thể là thịt lợn cho toàn địa bàn Hà Nội. Những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thì cho sản lượng không đáng kể. Giá thịt lợn hơi tại Hà Nội mà 12 cơ sở chăn nuôi cung ứng ra thịt trường hiện nay là khoảng 75.000 đồng/kg".

Giá thịt lợn đang 'vô cảm' trước khó khăn chung bởi dịch bệnh? - 1
Người tiêu dùng phải chi trả 166.000 đồng cho 400 gram thịt nạc heo tại cửa hàng thịt sạch Meat Deli.

Ông Mỹ cho biết: "Mặc dù đã có các yêu cầu về hạ mức giá lợn hơi xuống ngưỡng dưới 70.000 đồng/kg để phục vụ người dân trong mùa dịch nhưng chưa nhận được một kết quả như mong đợi. Với mức giá bán lợn hơi 75.000 đồng/kg hoặc kể cả là thấp hơn giá đó thì các doanh nghiệp vẫn lãi rất nhiều".

Theo ông Mỹ: "Giá thành lợn chỉ khoảng 40.000 – 42.000 đồng là quá hợp lý. Nếu từ 75.000 đồng/kg lợn hơi xuất tại chuồng và qua các khâu trung gian, đến lò mổ rồi phân phối đến thị trường, giá sau cùng đến tay người tiêu dùng từ 140.000 – 160.000 đồng/kg là quá đắt".

Doanh nghiệp chăn nuôi đang vô cảm trước dịch bệnh?

Trả lời PV Báo Gia đình & Xã hội, chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú cho biết, từ thời điểm trước Tết Nguyên đán đến nay, giá thịt lợn liên tục tăng cao chót vót và giảm giá lại rất nhỏ giọt.

Khi có ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước thì các doanh nghiệp giảm giá thời gian ngắn nhưng sau đó lại tăng giá. Có một nghịch lý trên thị trường là từ trang trại chăn nuôi của các tập đoàn lớn, cho đến khâu bán lẻ, giá lợn hơi tăng từ 45 - 60%, với mức lãi 2.000.000 – 3.000.000đ/con.

Với mức giá này, một đơn vị có thể thu lãi hàng nghìn tỷ 1 tháng. Đây là một mức lợi nhuận vô lý, không thể chấp nhận được.

Nguyên nhân thì đã rõ. Thứ nhất, một số trang trại chăn nuôi lớn có số lượng áp đảo về số đầu lợn đã có hiện tượng ghìm giá lợn hơi, hoặc liên kết ngang để cùng thống nhất một mức giá.

Họ còn có những hành động biểu hiện của sự tiếp tay cho thương lái và các công ty liên kết của họ, việc làm này đã tạo thêm những chi phí trung gian góp phần đẩy giá lên ở thị trường bán lẻ.

"Tôi cần phải nhắc lại rằng trong thời kì giá lợn bị sa sút, xuống 22.000 – 25.000đ/kg hơi thì ngành chăn nuôi lại kêu gọi người tiêu dùng giải cứu. Ngày nay, giá lợn hơi đã tăng gấp rưỡi, gấp đôi một cách vô lý thì họ có giải cứu người tiêu dùng hay không?", ông Phú nhấn mạnh.

Theo ông Phú, mua bán trên thị trường là một sự thỏa thuận giữa 2 bên nhưng những hành động vô cảm trong lúc khó khăn chung của mọi người để hưởng lợi nhuận quá mức vô lý, nhất là trong khi Chính phủ đã kêu gọi phải liên kết, phải chia sẻ, kể cả chia sẻ lợi nhuận, thì những hành vi như trên cần phải bị lên án và phải có những giải pháp mạnh để giải quyết dứt điểm.

Đặc biệt là trong bối cảnh, dịch COVID-19 chưa có hồi kết. Khi mà toàn Đảng, toàn dân và toàn quân chung tay ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh thì các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh ở thị trường nội địa phải chung sức, chung lòng, phải chia sẻ trước những khó khăn chung của xã hội, xứng đáng với truyền thống yêu nước và đại đoàn kết dân tộc mà cha ông ta đã để lại cho chúng ta và muôn đời sau.

Những sự chia sẻ đúng mức trong lúc khó khăn chính là tạo dựng thương hiệu, tạo dựng niềm tin trong các doanh nghiệp trong thời kì đại dịch COVID-19.

Theo Bảo Loan (Giadinh.net.vn)




http://giadinh.net.vn/thi-truong/gia-thit-lon-dang-vo-cam-truoc-kho-khan-chung-boi-dich-benh-20200409234821679.htm