Kinh tế

Giá khí đốt tăng mạnh, những ngành nào sẽ bị ảnh hưởng?

Giá khí đốt tự nhiên toàn cầu lên cao kỷ lục khiến một số doanh nghiệp thâm dụng năng lượng phải giảm sản xuất. Điều này khiến tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu trong một số lĩnh vực càng thêm trầm trọng.

Một số doanh nghiệp, như nhà sản xuất thép, phân bón và thủy tinh, phải tạm ngừng hoặc giảm công suất sản xuất ở châu Âu và châu Á do giá năng lượng tăng vọt. Trong đó, hai trong số nhà máy sản xuất phân bón lớn nhất thế giới cho biết họ sẽ giảm sản lượng ở châu Âu. Chính phủ Anh sau đó tuyên bố đồng ý hỗ trợ một trong hai doanh nghiệp tái sản xuất CO2, vốn được sử dụng trong sản xuất thực phẩm, để ngăn chặn tình trạng khan hiếm nguồn cung.

Trong vài tháng gần đây, giá khí đốt tăng mạnh trên khắp thế giới do một số yếu tố như nhu cầu tăng, đặc biệt là ở châu Á, khi các nền kinh tế dần phục hồi sau đại dịch Covid-19, tồn kho khí đốt xuống thấp; nguồn cung khí đốt từ Nga ít hơn bình thường.

Giá khí đốt tại châu Âu tăng hơn 250% tính đến thời điểm hiện tại của năm 2021, trong khi giá tại châu Á tăng 175% kể từ cuối tháng 1. Tại Mỹ, giá tăng lên cao nhất trong nhiều năm và gấp hai lần so với đầu năm nay. Giá điện cũng vì thế tăng mạnh do nhiều nhà máy phát điện sử dụng khí tự nhiên để đốt.

Hiệp hội người tiêu dùng năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp tại Mỹ gần đây đã kêu gọi Bộ Năng lượng Mỹ dừng hoạt động xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng nhằm giảm chi phí về năng lượng cho ngành công nghiệp.

Các nguồn cung khí đốt bổ sung cũng có thể giúp “hạ nhiệt” đà tăng. Na Uy vừa cho phép tăng xuất khẩu khí đốt trong khi nguồn cung từ Nga được dự báo tăng lên vào cuối năm nay khi đường ống dẫn khí Nord Stream 2 đi vào hoạt động. Dự án đường ống dẫn khí này đang chờ cơ quan quản lý năng lượng của Đức phê duyệt trước khi đi vào hoạt động. Dự án cũng bị Mỹ chỉ trích nhiều vì họ cho rằng sẽ làm gia tăng sự phụ thuộc của châu Âu vào nguồn cung từ Nga.

Giá khí đốt tăng mạnh, những ngành nào sẽ bị ảnh hưởng?
Giá khí đốt tự nhiên toàn cầu lên cao kỷ lục khiến một số doanh nghiệp thâm dụng năng lượng phải giảm sản xuất. Ảnh: Reuters.

Gián đoạn sản xuất

Tại châu Âu, áp lực về nguồn cung khí đốt cực kỳ lớn bởi lượng khí dự trữ ở đây đang ở mức thấp hơn nhiều so với bình thường. Yara International ASA của Na Uy, một trong những hãng sản xuất phân bón lớn nhất thế giới, ngày 17/9 tuyên bố sẽ giảm khoảng 40% sản lượng amoniac ở châu Âu do giá khí đốt tăng mạnh. Trước đó, CF Industries Holdings tại Mỹ cũng cho biết vì giá khí đốt cao nên họ phải tạm dừng hoạt động tại hai nhà máy ở Anh.

CEO của Yara, Svein Tore Holsether, nói với Reuters vào đầu tuần này rằng công ty của họ đang huy động nguồn cung amoniac từ tất cả cơ sở sản xuất ở khắp nơi, gồm Mỹ và Australia, để mang tới châu Âu. “Thay vì dùng khí đốt của châu Âu, chúng tôi về cơ bản đang sử dung khí đốt từ các nơi khác trên thế giới để sản xuất amoniac và đưa chúng vào châu Âu”, ông nói.

Một số ngành công nghiệp đang kêu gọi sự can thiệp từ chính phủ. Hiện có một vài quốc gia đã có hành động nhằm bảo vệ người tiêu dùng trước đà tăng giá của khí đốt. Ví dụ, Tây Ban Nha tuần trước thông qua gói các biện pháp bao gồm áp trần giá.

Trong những ngành công nghiệp yêu cầu chính phủ giúp đỡ có ngành thực phẩm. Ngành thực phẩm đang bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu CO2 do một số nhà máy phân bón ngừng sản xuất. CO2 được sử dụng trong việc đóng gói chân không các sản phẩm thực phẩm nhằm kéo dài thời hạn sử dụng, gây choáng cho động vật rước khi giết mổ và để tạo bọt khí trong nước giải khát và bia.

Ở Anh, các nhà máy chế biến thịt từng cảnh báo rằng họ sẽ hết CO2 trong vòng 5 ngày, buộc họ phải tạm dừng sản xuất. Các hãng nước giải khát cũng cho hay nguồn cung đang dần cạn kiệt.

Ngày 21/9, chính phủ Anh tuyên bố đã đạt thỏa thuận kéo dài 3 tần với CF Industries để công ty này có thể tái khởi động việc sản xuất khí CO2 ở Anh. Theo Bộ trưởng Môi trường Anh, khoản trợ cấp có thể lên tới hàng chục triệu bảng Anh. Vị này cũng đưa ra cảnh báo với ngành thực phẩm rằng giá CO2 sẽ tăng mạnh.

Trong khi đó, CF Industries khẳng định sẽ ngay lập tức tái khởi động sản xuất amoniac tại nhà máy Billingham sau thỏa thuận với chính phủ Anh.

Ứng phó với 'cơn bão' giá khí đốt

Ngoài thực phẩm, các ngành công nghiệp thâm dụng năng lượng khác như thép và xi măng cũng đang gặp khó khăn.

Giá khí đốt tăng mạnh trong vài tuần qua buộc một số nhà máy thép phải ngừng hoạt động cả ngày lẫn đêm khi giá năng lượng tăng “phi mã”, theo ông Gareth Stace, giám đốc của UK Steel.

British Steel, hãng sản xuất thép lớn thứ 2 ở Anh, cho hay họ vẫn duy trì sản lượng ở mức bình thường, nhưng với đà tăng giá “khủng khiếp” của khí đốt, họ không thể có lợi nhuận khi sản xuất thép vào một số thời điểm nhất định trong ngày.

Còn một số nhà sản xuất khác khẳng định họ vẫn có khả năng đối phó cho tới thời điểm hiện tại.

Thyssenkrupp AG của Đức, hãng sản xuất thép lớn thứ hai ở châu Âu, cho biết họ có cơ chế bảo vệ khỏi đà tăng giá của năng lượng, đặc biệt là khí đốt. Điều đó có nghĩa là tập đoàn này không phải giảm sản lượng. Tuy nhiên, Thyssenkrupp vẫn gián tiếp bị ảnh hưởng vì khí công nghiệp mà họ sử dụng có liên quan đến giá điện.

Cũng tại Đức, HeidelbergCement AG, nhà sản xuất xi măng lớn thứ hai thế giới, cho hay giá năng lượng tăng đang đẩy chi phí sản xuất lên theo nhưng họ không thể ngừng hoạt động.

Ở Trung Quốc, một số nhà máy sản xuất thép, gốm và thủy tinh đều đã giảm công suất để tránh thua lỗ, theo Li Ruipeng, nhà cung cấp khí tự nhiên hóa lỏng ở tình Hà Bắc, Trung Quốc. Tháng 9, chính quyền tỉnh Vân Nam cũng hạn chế hoạt động của một số ngành công nghiệp nặng, gồm phân bón, xi măng, hóa chất và nhôm, do thiếu năng lượng.

Để chống chọi với “cơn bão” này, nhiều ngành công nghiệp thâm dụng năng lượng cũng như công ty điện ở châu Á và Trung Đông tạm thời chuyển từ khí đốt sang sử dụng dầu nhiên liệu, dầu thô, naphtha hoặc than, các chuyên gia phân tích và người giao dịch cho hay. Xu hướng này được dự báo sẽ kéo dài cho tới hết năm nay và sang đầu năm sau, theo Cơ quan Năng lương Quốc tế.

Tại châu Âu, nhu cầu tiêu thụ than như một nguồn phát điện thay thế cũng tăng đáng kể. Tuy nhiên, sự lựa chọn để chuyển đổi sang các nguồn năng lượng thay thế tại châu Âu rất hạn chế vì các chính phủ có chính sách khuyến khích sử dụng khí đốt thay vì các nhiên liệu gây ô nhiễm môi trường như than.

Ngành sản xuất thủy tinh trước đây hoạt động bằng dầu nhiên liệu nhưng hầu hết nhà máy ở Anh giờ đã chuyển sang khí đốt, Paul Pearcy, điều phối viên tại Hiệp hội British Glass, cho hay. Chỉ một số ít nhà máy còn sử dụng bể chứa dầu nhiên liệu, thứ cho phép họ chuyển đổi nguồn năng lượng nếu giá khí đốt tăng mạnh.

Theo Thanh Long (Người Đồng Hành)




https://ndh.vn/nang-luong/gia-khi-dot-tang-manh-nhung-nganh-nao-se-bi-anh-huong-1300276.html