Kinh tế

Giá heo hơi hôm nay: Giảm sâu hơn 1 năm, đại gia cũng nếm 'vị đắng'

Những ngày qua, việc đưa lợn hơi tiêu thụ theo đường tiểu ngạch khó khăn và khiến giá lợn trên cả nước chững lại, một số nơi còn có xu hướng giảm nhẹ. Trong khi đó, Tết Nguyên đán đang đến gần, khiến nông dân, thương lái và doanh nghiệp như “ngồi trên đống lửa”.

Theo khảo sát của phóng viên, tại miền Bắc giá lợn hơi đang ổn định ở mức 33.000 - 35.000 đồng/kg. Một số tỉnh biên giới giáp Trung Quốc, giá có cao hơn, từ 34.500 - 36.000 đồng/kg đối với lợn siêu trọng lượng từ 120-130kg/con.

Giá heo hơi hôm nay: Giảm sâu hơn 1 năm, đại gia cũng nếm 'vị đắng'
Giá lợn giảm sâu trong thời gian dài khiến nông dân bị thua lỗ nặng nề.  Ảnh: T.L 

Theo Công ty CP Phân tích và Dự báo Thị trường Việt Nam (AgroMonitor), mặc dù giá lợn hơi tại thị trường nội địa đang cải thiện so với đầu tháng 12.2017, nhưng vẫn chưa thể giúp nông dân cắt lỗ. Những ngày qua tình hình tiêu thụ lợn ở các kênh biên mậu vẫn khá trầm lắng.

Do giá lợn giảm mạnh và kéo dài nên ngay cả những doanh nghiệp lớn trong ngành chăn nuôi cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Mới đây, Công ty CP Tập đoàn Dabaco Việt Nam cho biết, năm 2017 công ty đạt doanh thu thuần 5.855 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 200 tỷ đồng, lần lượt giảm 6% và 56% so với cùng kỳ năm trước. Trong cơ cấu doanh thu của Dabaco, thức ăn chăn nuôi chiếm tỷ trọng 49%, sau đó là nuôi gia công, chế biến thực phẩm 17%.

Các đại gia chăn nuôi lớn khó khăn 1, thì các chủ trang trại, người nuôi nhỏ lẻ khó khăn gấp 5-7 lần, đặc biệt là càng nuôi lớn càng lỗ nhiều. Theo tìm hiểu của phóng viên, những người vẫn duy trì nuôi lợn đến thời điểm này, phần lớn đều đã phải vay vốn từ các ngân hàng, hoặc vay lãi ngoài.

Bà con cho biết, với tình cảnh giá lợn hơi thấp kéo dài, người nuôi giỏi kiểu nào... cũng bị lỗ. Anh Dương Phương Nam - chủ trang trại ở thị trấn Yên Phong (tỉnh Bắc Ninh) cho biết: Với những người làm lợn giống, hầu hết vẫn chưa thoát khỏi cảnh lỗ triền miên. Hiện giá lợn giống tại địa phương đạt khoảng 500.000 - 650.000 đồng/con (loại 10kg), trong khi phải đạt 700.000 đồng/con mới có lãi.

“Gia đình tôi đã phải cắt giảm hết lao động và cắt giảm khoảng 1 nửa đàn nái. Hiện vợ chồng tôi suốt ngày tất bật chăm 300 con lợn nái, ngoài ra còn nuôi lợn thịt. Ấy vậy mà vẫn phải vay ngân hàng hơn 1 tỷ đồng để duy trì việc chăn nuôi" - anh Nam cho biết.

Ông Võ Hữu Thời - chủ trang trại ở xã Lộc An (huyện Long Thành, Đồng Nai) cho biết: “Tôi nuôi lợn hơn 30 năm nay, chưa khi nào gặp cảnh thê thảm như vậy. Những tháng trước, trung bình mỗi tháng tôi lỗ khoảng 250 triệu đồng. Để có thể duy trì đàn và thanh toán vốn vay, tôi phải bán 1ha đất nhưng tiền bán đất cũng chỉ đủ cầm cự được thời gian ngắn”.

Theo Huệ Minh (Dân Việt)