Kinh tế

Giá điện nóng, sao chỉ 3 đại biểu muốn chất vấn Bộ trưởng Công Thương?

Nhiều vấn đề của ngành công thương gây bức xúc thời gian qua như tăng giá xăng, giá điện nhưng chỉ 3 trong số 471 đại biểu muốn chất vấn Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh.

Thông tin trên được Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chia sẻ chiều 27/5 liên quan đến danh sách 4 nhóm vấn đề cùng 4 bộ trưởng sẽ đăng đàn trả lời chất vấn vào tuần tới.

4 “tư lệnh ngành” sẽ ngồi "ghế nóng" gồm Bộ trưởng Công an Tô Lâm, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà, và Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện.

Giá điện nóng, sao chỉ 3 đại biểu muốn chất vấn Bộ trưởng Công Thương?
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc. Ảnh: Ngọc Thắng.

Trả lời câu hỏi của Zing.vn về việc tại sao nhóm nội dung liên quan ngành công thương và đề xuất chất vấn Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh không được đưa ra trong khi rất nhiều vấn đề của ngành này đang được đặc biệt quan tâm, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết Văn phòng Quốc hội chỉ thu được 3 ý kiến đề nghị chất vấn Bộ trưởng Công Thương.

“471 phiếu mà chỉ có 3 phiếu đề xuất chất vấn Bộ trưởng Công Thương thôi, như vậy ít quá”, ông Phúc nói.

Phóng viên Zing.vn  tiếp tục đặt câu hỏi lý do không lựa chọn nhóm vấn đề của Bộ Công Thương để xin ý kiến đại biểu thay cho nhóm vấn đề khác, khi ngành công thương và cá nhân Bộ trưởng Trần Tuấn Anh có rất nhiều vấn đề dư luận quan tâm.

Tổng thư ký Quốc hội giải thích “đây là quy trình”. Ông nói trong 9 nhóm vấn đề thì có Bộ Công Thương và nhiều bộ khác nữa. Tuy nhiên, trong quá trình chọn thì theo số phiếu từ cao đến thấp.

Ông Phúc nhắc lại việc chỉ có 3 đại biểu đề xuất chất vấn Bộ Công Thương.

Nói thêm về cơ sở, tiêu chí lựa chọn nội dung chất vấn, Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cho biết ngoài phiếu đề nghị của đại biểu còn dựa vào những bức xúc nổi lên trong đời sống kinh tế, xã hội của đất nước, được cử tri quan tâm.

Cũng theo quy định, Quốc hội không chất vấn những vấn đề đã có trong nghị quyết chất vấn và nghị quyết giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian 12 tháng tính đến thời điểm chất vấn.

Trên cơ sở đó, Văn phòng Quốc hội, Tổng thư ký đã gửi phiếu xin ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội rất sớm, trước một tháng để đề nghị các văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu gửi nội dung liên quan tới vấn đề chất vấn.

Ông Phúc thông tin tới 23/5, Văn phòng Quốc hội nhận được 190 vấn đề từ đề xuất của 48 đoàn và 28 vấn đề từ 16 phiếu chất vấn của đại biểu Quốc hội, 96 vấn đề Ban Dân nguyện tổng hợp từ kiến nghị cử tri gửi tới kỳ họp 7. Qua phân tích, Văn phòng Quốc hội chia ra làm 9 nhóm xin ý kiến, sau đó chốt lại 4 nhóm vấn đề.

"Việc này hết sức khách quan, dân chủ, tôn trọng ý kiến đại biểu Quốc hội đã lựa chọn”, ông Phúc khẳng định.

Theo Hoài Vũ  - Hiếu Công (Tri Thức Trực Tuyến)