Kinh tế

Gần 72.000 tỷ đồng từ cổ phần hóa, thoái vốn đang ở đâu?

Bộ trưởng Tài chính cho biết số tiền này vẫn nằm ở quỹ do Bộ quản lý, chưa về ngân sách Nhà nước. Việc đưa về ngân sách phải theo kế hoạch, Chính phủ “không được phép nộp hơn”.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) trong giai đoạn từ 2016 đến nay đạt khoảng 206.720 tỷ đồng. Trong đó năm thu được 30.000 tỷ đồng; năm 2017 thu được 144.577 tỷ đồng; 11 tháng đầu năm 2018 thu được 32.143 tỷ đồng.

Bộ này cũng cho biết theo Nghị quyết số 26/2016 của Quốc hội, trong giai đoạn 2016-2020, nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn phải đảm bảo đáp ứng tối thiểu 250.000 tỷ đồng theo yêu cầu nguồn vốn cho kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn này.

Hàng năm, số thu từ cổ phần hóa và thoái vốn DNNN đều phải nộp vào ngân sách. Theo đó năm 2016 phải nộp là 30.000 tỷ đồng; năm 2017 nộp 60.000 tỷ đồng; năm 2018 là 65.000 tỷ đồng. Kế hoạch dự kiến năm 2019 nộp vào ngân sách là 50.000 tỷ đồng; năm 2020 là 45.000 tỷ đồng.

Gần 72.000 tỷ đồng từ cổ phần hóa, thoái vốn đang ở đâu?

Từ năm 2016 đến ngày 18/11/2018, đã chuyển 135.000 tỷ đồng từ Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp vào ngân sách Nhà nước. Như vậy, với số tiền đã thu được là 206.720 tỷ đồng, số tiền vẫn chưa chuyển vào ngân sách là 71.720 tỷ đồng.

Mặc khác, tính đến cuối giai đoạn, số tiền thu từ cổ phần hóa và thoái vốn DNNN còn phải nộp vào ngân sách đến năm 2020 là 115.000 tỷ đồng. Trong đó năm 2018 đã thực hiện chuyển vào 45.000 tỷ đồng, và còn thiếu 20.000 tỷ đồng (kế hoạch là 65.000 tỷ đồng).

Trao đổi với Zing.vn, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đã giải thích lý do về số tiền gần 72.000 tỷ đồng đã thoái vốn, cổ phần hóa nhưng chưa chuyển vào ngân sách Nhà nước. Ông cho biết theo cơ chế hiện hành, các khoản cổ phần hóa, thoái vốn từ DNNN sẽ thu về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp.

Gần 72.000 tỷ đồng từ cổ phần hóa, thoái vốn đang ở đâu? - 1
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng. Ảnh: Quỳnh Trang.

Việc chuyển từ quỹ vào ngân sách thì căn cứ theo kế hoạch ngân sách 5 năm mà Quốc hội giao. Nghĩa là trong cả giai đoạn 2016-2020, Quốc hội giao là thu về ngân sách 250.000 tỷ đồng, mỗi năm sẽ phải nộp về ngân sách một số tiền xác định.

“Bộ Tài chính chỉ đưa đúng bằng dự toán mà Quốc hội giao, không thể đưa hết về ngân sách trong một năm được. Chính phủ cũng không được phép nộp hơn. Số dư vẫn nằm ở quỹ”, ông nhấn mạnh.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng nhấn mạnh Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp được Chính phủ giao cho Bộ Tài chính quản lý, theo dõi. Việc xuất quỹ đều phải theo lệnh của Thủ tướng.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, năm 2016, cả nước cổ phần hóa được 66 doanh nghiệp với tổng giá trị doanh nghiệp là 40.206 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn Nhà nước là 27.328 tỷ đồng.

Năm 2017 cổ phần hóa 69 doanh nghiệp, tổng giá trị của 69 doanh nghiệp là 365.953 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn Nhà nước là 160.156 tỷ đồng.

Trong 11 tháng đầu năm 2018, có 12 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa.

Trong giai đoạn từ 2016 đến tháng 11/2018, cả nước đã thoái vốn được 17.826 tỷ đồng, thu về 155.735 tỷ đồng.

Theo Hiếu Công (Tri Thức Trực Tuyến)