Kinh tế >> COVID-19 (nCoV)

Gần 50.000 lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp

Tác động của đại dịch COVID-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô sản xuất, và số người đến nộp hồ sơ để hưởng bảo hiểm thất nghiệp tăng chóng mặt trong thời gian qua.

Cụ thể, theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), số người thất nghiệp đến nộp hồ sơ để hưởng BHTN tháng 2 năm nay là 47.164 người, tăng 59,2% so với tháng trước (29.839 người) và tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái (số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) tháng 2/2019 là 27.755 người).

Lao động thất nghiệp vẫn tập trung lớn ở doanh nghiệp tư nhân là 1.665 doanh nghiệp với 2.063 người (chiếm 78,05%); doanh nghiệp FDI là 219 doanh nghiệp với 429 người (chiếm 16,23%).

Gần 50.000 lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp

Nguyên nhân là do năm 2020, thời gian nghỉ tết Nguyên Đán rơi vào tháng 1, trong khi năm 2019 thời gian nghỉ tết rơi vào tháng 2/2019.

Nghiêm trọng hơn là sự ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, dẫn đến nhiều doanh nghiệp (DN) tạm dừng hoạt động, cắt giảm nhân sự nên số lượng người lao động thất nghiệp tăng cao.

Tính riêng tại TP HCM, trong tháng 2 đã có 9.872 người lao động (NLĐ) thất nghiệp nộp hồ sơ hưởng BHTN, tăng 4.408 người (80,67%) so với tháng 1/2020 (5.464 người) và tăng 3.607 người (57,57%) so với tháng 2/2019 (6.265 người).

Trong đó, lao động thất nghiệp chủ yếu tại các DN FDI: 1.676 người (chiếm 17%) và DN tư nhân: 7.673 NLĐ (chiếm 77,7%). Trong tổng số lao động thất nghiệp, lao động thất nghiệp ở ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo là 5.264 người, chiếm 53,3%; Hoạt động dịch vụ khác: 2.603 người, chiếm 26,3%.

Xây dựng 3 kịch bản dự báo về thị trường lao động

Căn cứ dự báo mức tăng trưởng GDP của Việt Nam và diễn biến dịch Covid-19, Bộ LĐ-TB-XH đưa ra các kịch bản dự báo đến thị trường lao động.

Kịch bản 1, dịch được khống chế trong tháng 3 và nền kinh tế quay lại trạng thái bình ổn. GDP quý 1sẽ tăng trưởng chậm hơn so với mục tiêu đề ra từ 0,3 - 0,5%, thì số lao động bị giảm giờ làm hoặc mất việc làm là từ 132.000 - 220.000 lao động.

Kịch bản 2 (dễ xảy ra), diễn biến dịch có xu thế đi ngang như hiện nay, GDP quý 1 sẽ tăng trưởng chậm hơn so với mục tiêu đề ra khoảng 1 - 2% thì số lao động bị giảm giờ làm hoặc mất việc làm là từ 440.000 - 880.000 lao động.

Kịch bản 3 (cần đề phòng): dịch bùng phát, GDP quý 1 sẽ tăng trưởng chậm hơn so với mục tiêu đề ra từ 2 - 3%, số lao động bị giảm giờ làm hoặc mất việc làm là từ 880.000 - 1,32 triệu lao động. Ước tính, các ngành công nghiệp chế biến - chế tạo, vận tải và kho bãi, du lịch sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Với các kịch bản này, ngay trong tháng 3, áp lực về người lao động mất việc làm sẽ tăng ít nhất 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Duy Anh (Nguoiduatin.vn)