Kinh tế

Ê chề đồng hồ xa xỉ

Bí mật giúp đồng hồ Rolex có giá hàng trăm triệu đồng

Có quá nhiều làn gió ngược khiến triển vọng của ngành đồng hồ xa xỉ không mấy lạc quan.

Trong khi 6 tháng đầu năm 2018 chứng kiến xuất khẩu đồng hồ Thụy Sĩ tăng mạnh tới 10,6% so với năm trước, tốc độ này đã chậm lại đáng kể trong nửa sau năm 2018. Đến tháng 1.2019, giá trị xuất khẩu đã tăng chỉ 0,2% so với cùng kỳ. Điều này đã dấy lên mối quan ngại rằng đà tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc, sự kiện Brexit (Anh rời khỏi EU), những bất ổn chính trị tại châu Âu như các cuộc biểu tình phản đối ở Pháp và căng thẳng chính trị ở Ý và Tây Ban Nha có thể kìm hãm sức mua tiêu dùng đối với các loại hàng hóa xa xỉ.

Ngành đồng hồ cũng đối mặt với những thách thức dài hạn hơn về vấn đề thương hiệu. Trong khi các nhà sản xuất đồng hồ Thụy Sĩ áp dụng phương thức đa kênh để gắn chặt mối quan hệ trực tiếp hơn với các khách hàng, thì các cuộc triển lãm hàng trang sức và đồng hồ nổi tiếng như Baselworld (diễn ra ở Basel, Thụy Sĩ vào cuối tháng 3 vừa qua) cũng phải suy nghĩ lại cách phục vụ khách hàng.

Baselworld, có 102 năm tuổi đời và thu hút hàng trăm ngàn lượt khách tham quan, đã buộc phải đổi mới bản thân sau nhiều năm chứng kiến khách tham gia sụt giảm. Bằng chứng là thương hiệu lớn nhất của Baselworld là Swatch Group đã tuyên bố vào mùa hè vừa qua rằng Công ty không tham gia Baselworld 2019.

Không khí lo ngại không chỉ bao trùm Baselworld mà còn cả triển vọng kinh doanh trong tương lai của các thương hiệu đồng hồ xa xỉ. Hiện tại, một câu hỏi lớn hơn đặt ra cho các thương hiệu đồng hồ là liệu thời thế tại các thị trường tiêu dùng lớn nhất của họ có đang thay đổi hay không.

Trung Quốc đại lục, thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của đồng hồ đằng sau Hồng Kông và Mỹ, đã nhập khẩu 1,7 tỉ USD giá trị đồng hồ vào năm 2018, tăng 11,7% so với năm trước đó. Tuy nhiên, quốc gia này đã chứng kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm nhất trong 3 thập niên vào năm 2018, chỉ đạt 6,6%.

Ê chề đồng hồ xa xỉ

Tình cảnh này một phần là do cuộc chiến thương mại đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc, vốn đã làm suy giảm niềm tin tiêu dùng và doanh nghiệp. Đồng nhân dân tệ yếu và các sáng kiến của Chính phủ Trung Quốc trong việc thúc đẩy tiêu dùng thông qua cắt giảm thuế cũng có nghĩa là ngày càng nhiều người đi du lịch Trung Quốc sẽ mua hàng hóa ở thị trường nội địa.

Điều đó có thể làm giảm doanh số bán lẻ ở các điểm đến du lịch trên khắp thế giới. Câu chuyện hiện nay là “thận trọng hơn với việc đặt hàng... Có một chút e dè từ phía các nhà bán lẻ đồng hồ”, Thomas Chauvet, chuyên gia phân tích ngành hàng xa xỉ tại Citi, nhận định.

Các tập đoàn hàng xa xỉ lớn cũng bắt đầu cảm thấy gió lạnh đang thổi qua công việc kinh doanh của họ. Swatch Group, chủ sở hữu thương hiệu Omega, Tissot và nhãn hàng Swatch, cho rằng tốc độ tăng trưởng thấp hơn dự kiến trong năm 2018 là do nhu cầu sụt giảm tại châu Á, cũng như những cuộc biểu tình phản đối tại Pháp.

Tổng Giám đốc Nick Hayek của Swatch Group trả lời báo chí mới đây rằng ngành du lịch tại Pháp vẫn còn ảm đạm sang cả năm 2019 và rằng doanh số của Tập đoàn vẫn còn “sắc đỏ” so với thời điểm này của năm ngoái.

Ê chề đồng hồ xa xỉ - 1

So với các đối thủ, mức độ cạnh tranh của Swatch có phần khốc liệt hơn khi phải đối mặt với cả sự cạnh tranh từ các loại đồng hồ thông minh và đồng hồ giá rẻ hơn được sản xuất tại Trung Quốc. Chauvet cho biết, các sản phẩm giá trung và thấp của Swatch chiếm tới khoảng 25% doanh thu. Giá cổ phiếu của Swatch đã giảm khoảng 25% so với cách đây 1 năm.

Cũng tương tự, Richemont, sở hữu nhãn hàng Vacheron Constantin và Cartier, đã bị buộc phải đóng các cửa hàng tại Paris nhiều ngày cuối tuần trong quý IV/2018 do các cuộc biểu tình phản đối, từ đó làm giảm mạnh doanh số bán ở châu Âu. Giá cổ phiếu cũa hãng đồng hồ này cũng giảm khoảng 14% trong năm vừa qua.

Mặc dù tập đoàn hàng xa xỉ Pháp LVMH cũng đã phải đóng cửa một số cửa hàng Pháp và lại có sự hiện diện khá rộng khắp ở Trung Quốc, nhưng tình hình vẫn khả quan hơn nhiều, một phần do các mặt hàng xa xỉ khác của Tập đoàn vẫn bán tốt. LVMH, chủ sở hữu các nhãn hàng Louis Vuitton, Bulgari và Tag Heuer, cho biết lãi ròng đã tăng 18% lên mức 6,35 tỉ euro. “Các thị trường nhìn thấy chiếc cốc đã vơi một nửa, nhưng chúng tôi thì lại thấy có nửa cốc đầy”, Bernard Arnault, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm CEO của LVMH, nhận định.

Đà khởi sắc của ngành đồng hồ tại Mỹ và Nhật - 2 thị trường xuất khẩu đồng hồ Thụy Sĩ đã chứng kiến tốc độ tăng trưởng trong tháng 1.2019 lần lượt là 9,1% và 28,8% so với cùng kỳ - là lý do để LVMH lạc quan. Tăng trưởng ở 2 thị trường này đã bù đắp vào triển vọng ảm đạm hơn ở châu Âu, nơi doanh số bán đã giảm xuống ở Pháp, Ý và Tây Ban Nha khi bất ổn chính trị khiến niềm tin tiêu dùng sa sút và ảnh hưởng mạnh đến ngành du lịch.

Đà giảm của đồng bảng Anh sau cuộc bỏ phiếu trưng cầu ý kiến để Anh rời khỏi EU (Brexit) ban đầu là tin tốt lành cho các nhà bán lẻ đồng hồ trong nước khi khách du lịch ồ ạt sang Anh để tận dụng đồng bảng Anh rẻ hơn.

Nhưng một sự kiện Brexit trở nên quá ồn ào có thể khiến cho xu hướng này đảo chiều, Karine Szegedi, đứng đầu mảng xa xỉ ở Deloitte Private, khuyến cáo. Có thể nói có quá nhiều làn gió ngược đang diễn ra, cho thấy triển vọng sắp tới của ngành đồng hồ xa xỉ có lẽ sẽ không mấy lạc quan.

Theo Phạm Vi An (Nhịp Cầu Đầu Tư)