Kinh tế >> Bảo vệ người tiêu dùng

Dưa hấu dán tem Trung Quốc: Đúng mã vạch '893' của Việt Nam

Liên quan đến việc dưa hấu dán tem Trung Quốc, ngày 16.4, phóng viên đã làm việc với ông Đoàn Ngọc Sơn - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Nam xung quanh việc dưa hấu ở huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam phải dán tem truy xuất nguồn gốc có dòng chữ Trung Quốc mới được xuất bán.

Dưa hấu dán tem Trung Quốc: Đúng mã vạch '893' của Việt Nam
Tem có dòng chữ Trung Quốc dùng để dán lên trái dưa hấu ở Quảng Nam để xuất khẩu.

Ông Đoàn Ngọc Sơn cho biết, sau khi nắm thông tin, ngay trong sáng nay ông đã họp và thành lập đoàn kiểm tra liên ngành phối hợp với UBND huyện Phú Ninh để nắm tình hình.

Mới đây, theo quy định của phía Trung Quốc nếu các mặt hàng nông sản, trong đó có dưa hấu muốn xuất khẩu phải được truy xuất nguồn gốc xuất xứ bằng cách dán tem.

Dưa hấu dán tem Trung Quốc: Đúng mã vạch '893' của Việt Nam - 1
Phóng viên làm việc với ông Đoàn Ngọc Sơn - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Quảng Nam

“Qua kiểm tra và tra mã vạch trên tem, mã vạch này vẫn là ký hiệu số 893 của Việt Nam quy định. Dù là tem của nước khác, nhưng nguồn gốc vẫn là dưa hấu được sản xuất tại Việt Nam. Việc dán tem trên trái dưa hấu cũng vì mục đích xuất khẩu được dễ hơn theo quy định mới của phía Trung Quốc. Vì nếu có tem thì được xuất khẩu theo đường chính ngạch, có lợi cho nông sản, còn nếu không có tem thì phải đi theo đường tiểu ngạch rất khó khăn” - ông Sơn nói.

Dưa hấu dán tem Trung Quốc: Đúng mã vạch '893' của Việt Nam - 2

Dưa hấu dán tem Trung Quốc: Đúng mã vạch '893' của Việt Nam - 3
Dưa hấu Quảng Nam được dán tem Trung Quốc để dễ xuất khẩu. 

Cũng theo ông Đoàn Ngọc Sơn: Dù tem là đúng mã vạch 893 của Việt Nam nhưng trong tem sai ở chỗ “nội dung trong tem ghi không đầy đủ, không rõ ràng”.

“Việc dán tem này cũng chỉ là tình thế tạm thời, còn lâu dài chúng tôi đã trao đổi với phía Sở NNPTNT và Sở Công Thương cần phải có biện pháp hữu hiệu hướng dẫn bà con làm tốt hơn nhằm tạo riêng thương hiệu cho dưa hấu của Quảng Nam, chứ không “cậy” theo tem của nước ngoài" - ông Sơn nói.

Tem này nhằm mục đích xuất khẩu dưa, nếu thương lái lợi dụng việc dán tem để bán ra thị trường trong nước sẽ bị xử lý nghiêm. Đặc biệt, dù dưa hấu được dán tem hay không dán tem thì giá cả cũng phải công bằng, nếu thương lái nào lợi dụng việc dán tem để ép giá nông dân sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật” - ông Sơn cương quyết.

Dưa hấu dán tem Trung Quốc: Đúng mã vạch '893' của Việt Nam - 4
Công văn 339 của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT) cho biết, từ 1.5, dưa hấu phải dán tem theo yêu cầu của Trung Quốc

Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Nam cho biết: “Tôi đã tra mã vạch trên trái dưa hấu và được biết như sau: Ký hiệu trên mã vạch là CIC thuộc Công ty TNHH Dịch vụ kỹ thuật tìm nguồn gốc - Tập đoàn Trung Kiểm. Tên sản phẩm là dưa hấu. Thông tin sản phẩm gồm: Biển số xe, mã nguồn gốc tương xứng, số lượng quy định, mã đăng ký vườn trái cây, đặc biệt nơi sản xuất là Việt Nam. Riêng tên nhà nhập khẩu của Công ty TNHH Thương mại Hoàng Long, thị xã Bằng Tường”.

Ông Lê Muộn nói thêm: Ngày 5.4.2019, Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản có Công văn số 339 thông báo thời gian áp dụng quản lý truy xuất nguồn gốc trái cây nhập khẩu của Trung Quốc có quy định rõ là từ 1/1/2019, các loại nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc đều phải đăng ký thông tin nhà vườn, nhà xưởng, bao bì gửi cho Hải quan Trung Quốc, trong đó có mặt hàng dưa hấu.

Trái cây Việt Nam xuất sang Trung Quốc có thể sử dụng cách dán tem có mã truy xuất nguồn gốc trên trái dưa hấu hoặc đóng dưa bằng bao bì thùng giấy có thông tin truy xuất nguồn gốc.

Dưa hấu dán tem Trung Quốc: Đúng mã vạch '893' của Việt Nam - 5
Nội dung tra được từ mã vạch truy xuất nguồn gốc trên trái dưa hấu vẫn là sản xuất tại Việt Nam

“Việc dán tem trên trái dưa hấu là đúng quy định, vì chúng ta chưa đăng ký cho sản phẩm dưa hấu và chưa ban hành tem, nên giải pháp tạm thời là “cậy” vào tem của phía Trung Quốc nhằm xuất khẩu dưa theo hợp đồng đôi bên của hai doanh nghiệp.

Về lâu dài, chúng ta phải xây dựng thương hiệu đăng ký sản phẩm, đặc biệt phải đưa vào nề nếp chứ không làm đại trà như thế này. Tất cả các nông sản phải làm như vậy mới đương đầu được với thị trường thế giới” - ông Muộn nói.

Theo Trương Hồng (Dân Việt)