Kinh tế

Dự án 4.000 tỷ đắp chiếu 15 năm của Vinashin: Bỏ thì mất vốn, vương càng mất vốn

Nhà máy đóng tàu Dung Quất của Vinashin được đầu tư suốt 15 năm nay nhưng chưa thể hoàn thành. Điều này khiến hơn 4.000 tỷ rót vào dự án nguy cơ lãng phí. Công ty này nằm trong danh sách đen 1 trong 12 dự án/doanh nghiệp yếu kém của ngành Công Thương.

15 năm vẫn dở dang

Dự án nhà máy Công nghiệp tàu thủy Dung Quất được Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) phê duyệt đầu tư từ năm 2005, với tổng vốn đầu tư khoảng 6.198 tỷ đồng, giao cho Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất làm chủ đầu tư (DQS).

Dự án đầu tư thành hai giai đoạn, nhưng đến nay cả hai giai đoạn đều chưa hoàn thành, trong khi hơn 4.000 tỷ đã rót vào dự án.

Giai đoạn 1 khởi công năm 2003, đến tháng 10/2015 đã rót vào hơn 3.300 tỷ đồng. Tuy nhiên, còn nhiều hạng mục dở dang, không đưa vào hoạt động như cầu tàu nhập nguyên vật liệu, khu nhà điều hành... Từ năm 2012, dự án đã tạm dừng.

Dự án 4.000 tỷ đắp chiếu 15 năm của Vinashin: Bỏ thì mất vốn, vương càng mất vốn
Nhà máy đóng tàu Dung Quất từng được Vinashin đặt nhiều kỳ vọng. Ảnh: DQS

Giai đoạn 2 khởi công năm 2007, đến tháng 10/2015 đã giải ngân hơn 979 tỷ đồng, song nhiều hạng mục cũng dở dang không hoạt động. Dự án cũng phải dừng từ 2012.

Vinashin từng đặt tham vọng biến Nhà máy đóng tàu Dung Quất thành nơi đóng mới tàu có tải trọng tới 300.000 DWT, công suất đóng mới tàu đạt 1,1 triệu DWT/năm. Thế nên, các hạng mục đều được đầu tư ở quy mô vô cùng hoành tráng.

Nhưng đến nay, hình hài nhà máy là một xưởng sửa chữa tàu cũ, nhiều hạng mục thi công dở dang phải dừng vì càng làm càng lỗ. Còn bản thân Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất cũng phải chuyển sang cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tiếp quản khi Vinashin sa lầy.

Đến nay, công ty này nằm trong danh sách đen 1 trong 12 dự án/doanh nghiệp yếu kém của ngành Công Thương.

Suốt quá trình đầu tư dự án, Thanh tra Bộ Xây dựng, Thanh tra Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ Công Thương đã vào cuộc và cảnh báo nhiều nguy cơ thất thoát, lãng phí nghìn tỷ tại dự án này.

Bỏ thì mất vốn, vương vấn lại càng mất vốn

Như trên đã đề cập, Vinashin đặt mục tiêu đầy tham vọng cho nhà máy đóng tàu này nên các hạng mục được đầu tư đều rất “khủng”. Nhưng khi kế hoạch phá sản, thì những hạng mục ấy lại trở thành "cục nợ" khó gỡ của nhà máy này.

Chẳng hạn, hạng mục ụ tàu số 2 là một trong những hạng mục lớn nhất của nhà máy. Mục tiêu của Vinashin là để có thể đóng mới tàu 300.000 DWT, nâng công suất của nhà máy lên 1.100.000 DWT. Tổng giá trị gói thầu là hơn 600 tỷ đồng. Chủ đầu tư đã thanh toán cho các nhà thầu hơn 200 tỷ đồng. Nhưng đến nay dở dang, tạm dừng thi công.

Các kết luận thanh tra đã chỉ ra nguy cơ thất thoát của ụ tàu này là rất cao. Bởi, nó được xây dựng với mong muốn đáp ứng công suất đóng tàu 1,1 triệu DWT/năm, nhưng như báo cáo của Chính phủ đã nhiều lần đề cập, nhà máy giờ chỉ hoạt động cầm chừng, đóng tàu nhỏ, sửa chữa là chính.

Hạng mục khác là cầu tàu nhập nguyên vật liệu có giá trị hợp đồng 124 tỷ đồng. Hiện hạng mục này vẫn tạm dừng thi công, chưa đưa vào sử dụng từ 2010 đến nay.

Dự án 4.000 tỷ đắp chiếu 15 năm của Vinashin: Bỏ thì mất vốn, vương càng mất vốn - 1
Sau thời sôi động, con tàu Dung Quất đã chìm dần cùng Vinashin. Ảnh: DQS

Gói thầu Cổng trục 700T với giá trị 360 tỷ đồng. Chủ đầu tư đã tạm ứng hơn 160 tỷ đồng nhưng dự án cũng tạm dừng thi công. Giống như ụ tàu số 2, cũng vì quy mô quá hoành tráng nên cổng trục này có làm tiếp cũng không có tác dụng gì.

Lối ra nào cho dự án?

Báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội gần đây cho thấy, tương lai của dự án/công ty này còn khá mịt mù cho dù công ty được bàn giao từ Vinashin về PVN từ tháng 6/2010.

Theo báo cáo của Chính phủ, vướng mắc lớn nhất của công ty là phải chịu gánh nặng tài chính lớn do thua lỗ từ thời kỳ chủ sở hữu là Vinashin; chi phí tài sản cố định quá lớn trong khi không có khách hàng để khai thác hết công suất các hạng mục đã đầu tư; cơ sở vật chất của công ty còn thiếu và chưa đồng bộ, nhiều hạng mục công trình đầu tư còn dở dang và chưa hoàn thành công tác quyết toán.

Trong giai đoạn 2010-2016, sau khi được PVN tái cơ cấu, bổ sung nguồn vốn, công ty hoạt động chủ yếu dựa vào các hợp đồng đóng mới, sửa chữa với các đơn vị thuộc PVN. Tuy nhiên, nguồn hợp đồng từ các đơn vị thuộc PVN ngày càng giảm, trong khi công ty không đủ điều kiện để tham gia các hoạt động đấu thầu do các khoản nợ và lỗ lũy kế từ giai đoạn trước quá lớn.

“Hiện tại, công ty vẫn tiếp tục có các đơn hàng thi công đóng mới, sữa chữa cho một số các tàu hàng dịch vụ của các đơn vị trong ngành, tuy nhiên giá trị các đơn hàng này không lớn”, báo cáo của Chính phủ cho hay.

Dự án này đang nằm trong tầm ngắm của cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an khi tiền vốn đầu tư không phát huy hiệu quả.

Theo Lương Bằng (VietNamNet)