Kinh tế

Đối mặt án phạt thuế khủng tại Indonesia: Google đang đóng thuế tại Việt Nam ra sao?

Ngày càng có nhiều quốc gia sẵn sàng bước vào cuộc chơi truy thu thuế từ các tập đoàn công nghệ đa quốc gia như Google, Facebook. Trên thực tế, việc làm sao thu được thuế của những "ông lớn” này là câu chuyện không riêng gì của Indonesia hay Pháp mà là câu chuyện của toàn cầu, trong đó tất nhiên có Việt Nam

Ngày càng có nhiều quốc gia sẵn sàng bước vào cuộc chơi truy thu thuế từ các tập đoàn công nghệ đa quốc gia như Google, Facebook. Trên thực tế, việc làm sao thu được thuế của những "ông lớn” này là câu chuyện không riêng gì của Indonesia hay Pháp mà là câu chuyện của toàn cầu, trong đó tất nhiên có Việt Nam
 
Ngày càng có nhiều quốc gia sẵn sàng bước vào cuộc chơi truy thu thuế từ các tập đoàn công nghệ đa quốc gia như Google, Facebook.
Truyền thông trong và ngoài nước tuần qua đồng loạt đưa tin về việc Chính phủ Indonesia đưa ra quyết định truy thu thuế trong 5 năm qua với Google, và chỉ tính riêng năm 2015, số tiền truy thu thuế đã lên tới hơn 400 triệu USD. Indonesia là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên tuyên bố sẽ truy thu thuế của Google.

Các nhà điều tra thuế Indonesia đã tới văn phòng Google tại nước này và nói rằng tiền thuế họ nhận được chưa bằng 0,1% tổng tiền thuế mà chi nhánh này nợ trong năm ngoái. Tháng 6 vừa rồi, Google Indonesia đã từ chối kiểm toán và ngay lập tức cơ quan thuế nước này vào cuộc.

Đầu năm vừa rồi, trụ sở chính của Google tại Paris bị cũng chính quyền sở tại lục soát yêu cầu phải trả 1,76 tỷ USD tiền thuế truy thu. Trước đó, trong năm 2013, Anh cũng đưa ra cáo buộc Google trốn thuế tại quốc gia này.

Ngày càng có nhiều quốc gia sẵn sàng bước vào cuộc chơi truy thu thuế từ các tập đoàn công nghệ đa quốc gia như Google, Facebook. Trên thực tế, việc làm sao thu được thuế của những "ông lớn” này là câu chuyện không riêng gì của Indonesia hay Pháp mà là câu chuyện của toàn cầu, trong đó tất nhiên có Việt Nam.

Trong nhiều năm trở lại đây, câu hỏi về việc có hay không việc Google, Facebook có “tránh thuế”, “trốn thuế” ở Việt Nam hay làm thế nào để thu được thuế tại các công ty này đã được đặt ra nhiều lần.

Tại Việt Nam, hoạt động quảng cáo trên Google, Facebook được thực hiện bằng hai phương thức. Thứ nhất, thông qua các đại lý, tuy nhiên, chỉ có một vài doanh nghiệp có đăng ký và thực hiện nghĩa vụ thuế nhà thầu, còn lại vô số các doanh nghiệp có nhận quảng cáo trên Google và Facebook nhưng không nộp thuế.

Phương thức còn lại, được thực hiện dưới dạng mua bán trực tuyến, thanh toán trực tuyến qua thẻ, tài khoản tín dụng. Trường hợp này, hiện chưa có quy định nào điều chỉnh và khó xác định được thu nhập. Nếu không có sự phối hợp, chỉ có cơ quan thuế đi kiểm tra sẽ không biết được đâu là hoạt động kinh doanh thật. Thậm chí, kể cả việc thanh toán chi phí quảng cáo cho các mạng xã hội.

Trao đổi với Dân trí về vấn đề này, ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ chính sách thuế (Bộ Tài chính) khẳng định: “Chính sách để thu thuế của Google, Facebook là có rồi chứ chưa phải chưa có đâu. Theo quy định, doanh thu quảng cáo ở Việt Nam thì phía Việt Nam phải trả tiền theo phương thức khấu trừ thuế. Hay nói cách khác, thuế giá trị gia tăng và thu nhập liên tục của nhà thầu nộp vào ngân sách nhà nước, khi trả tiền cho nước ngoài thì đối tác tại Việt Nam phải khấu trừ rồi”.

Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, nếu để phát hiện có tình trạng trốn thuế thì doanh nghiệp sẽ bị phạt từ 1 - 3 lần số thuế trốn, tuỳ theo hành vi vi phạm và có tái phạm nhiều lần hay không.

Một chuyên gia trong ngành thuế cũng cho biết, Google phải nộp thuế ở Việt Nam và người nộp thuế thay là phía đối tác theo các quy định về thuế nhà thầu. Vấn đề ở đây là những người trả tiền cho Google phải biết khấu trừ tiền thuế của Google khi trả tiền cho Google.

“Đối tác của Google là những đại lý tại Việt Nam phải thực hiện nghĩa vụ của đối tác Việt Nam chứ không thể tiếp tay cho bên ngoài. Tuy nhiên, thực tế nhiều đối tác là người quảng cáo lại không thực hiện điều đó”, ông này nói.

Theo thống kê, trong lĩnh vực quảng cáo trực tuyến, tổng doanh thu quảng cáo trực tuyến của thị trường Việt Nam năm 2014 ước rơi vào khoảng 216 triệu USD và năm 2015 ước tính 329 triệu USD. Trong đó, riêng doanh thu của Google và Facebook tăng chóng mặt, lên đến lần lượt 65 triệu và 80 triệu USD cho năm 2014. Năm 2015 là 100 triệu cho Google và 140 triệu USD cho Facebook. Nếu có thể đánh thuế đầy đủ từ giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp hay thuế nhà thầu, ước các công ty này nộp về ngân sách hàng nghìn tỉ đồng mỗi năm.

Tuy nhiên, cho đến nay, ngoài một ít "thuế nhà thầu", gần như ngành thuế không thu được đồng nào từ hai “ông lớn” này. Phía Chính phủ cũng chưa cho thấy hành động quyết liệt như Indonesia hay hàng loạt nước châu Âu trước đó.

Tại hội nghị thuế gần đây, ông Trần Ngọc Tâm, Cục trưởng Cục Thuế TPHCM, thừa nhận theo quy định, các đại lý của Google, Facebook tại Việt Nam phải có nghĩa vụ khấu trừ thuế khi thanh toán với đối tác nước ngoài. Tuy nhiên, việc thu thuế những công ty này rất phức tạp, vì có yếu tố trong và ngoài nước. Cơ quan thuế cũng chưa quản lý được hoạt động của những đơn vị có hoạt động xuyên biên giới tại Việt Nam, do các công ty này không có chi nhánh tại Việt Nam, chỉ có đại diện tại Việt Nam. Nơi nhận tiền thanh toán là tài khoản nước ngoài, cơ quan thuế cũng chưa hình dung được muốn đánh thuế, thu thuế thì phải đánh vào đâu.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam cũng từng cho rằng, hiện nay do thiếu quy định cụ thể về thương mại điện tử nên quá trình thu thuế trên thực tế đối với các doanh nghiệp trên gặp quá nhiều khó khăn. Do đó, cần phải ban hành thông tư hướng dẫn chi tiết thực hiện chính sách và quản lý thuế áp dụng đặc thù đối với kinh doanh thương mại điện tử, trò chơi điện tử, quảng cáo hàng hóa dịch vụ trực tuyến. Trong đó, xác định trách nhiệm, nghĩa vụ thuế, cách kê khai tính thuế, khấu trừ thuế tại nguồn, nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước đối với từng đối tượng cụ thể: doanh nghiệp nước ngoài có cơ sở thường trú tại Việt Nam và không có cơ sở thường trú tại Việt Nam

Theo Phương Dung (Dân Trí)