Kinh tế

Doanh nghiệp cấp than kiện EVN đòi hơn 208 tỷ đồng

DIC-Intraco kiện EVN ra tòa yêu cầu trả công nợ hơn 208 tỷ đồng nhưng Tập đoàn Điện lực cho rằng 'yêu cầu này phi lý'.

Trong văn bản giải trình gửi Ủy ban Chứng khoán liên quan việc công ty kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến về Báo cáo kiểm toán độc lập năm 2019, ông Nguyễn Đức Hải, CEO Công ty Đầu tư & Thương mại DIC (DIC-Intraco) cho biết, đơn vị này đang kiện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lên Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Vụ kiện liên quan đến khoản công nợ gần 172 tỷ đồng.

Theo đơn khởi kiện, DIC yêu cầu EVN hoàn trả tổng số tiền hơn 208 tỷ đồng (trong đó gồm số công nợ 172 tỷ đồng). Bước tiếp theo, công ty này sẽ hoàn thiện hồ sơ kiện đòi thêm gần 127 tỷ đồng nữa.

Tại báo cáo thường niên năm 2018 của DIC cũng cho thấy, tháng 4/2018 công ty đã hoàn thành hợp đồng trị giá hơn 1.100 tỷ đồng với EVN để cung cấp than chạy thử nghiệm cho Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4. Tuy nhiên, quá trình quyết toán gói thầu gặp vướng mắc liên quan về thuế, điều khoản hợp đồng dẫn tới việc thanh toán bị trì hoãn, ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh của DIC, khiến thiếu hụt vốn lưu động.

Việc công ty kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến về báo cáo kiểm toán riêng, hợp nhất 2019 là lý do khiến DIC bị hủy niêm yết hơn 26 triệu cổ phiếu từ ngày 10/8.

Chia sẻ với VnExpress, đại diện EVN cho biết, đây là vụ kiện giữa liên doanh DIC-INTRACO-SGE-VLHN liên quan tới cung cấp than nhập khẩu phục vụ chạy thử nghiệm Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4, với tổng số tiền hơn 208 tỷ đồng. Tập đoàn này cho biết đã có văn bản gửi TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phản đối các yêu cầu của liên danh này.

"Đây là yêu cầu phi lý, không phù hợp với các quy định trong hợp đồng đã ký giữa EVN và liên danh nhà thầu cũng như các quy định pháp luật hiện hành", đại diện EVN nói.

Doanh nghiệp cấp than kiện EVN đòi hơn 208 tỷ đồng
Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 (huyện Tuy Phong, Bình Thuận) được EVN đưa vào vận hành từ tháng 9/2019. Ảnh: EVN

EVN cho biết, chất lượng than mà doanh nghiệp này cung cấp không đúng tiêu chuẩn theo hợp đồng đã ký giữa hai bên. Ngoài ra, các đề nghị về phí lưu tàu, thưởng giải phóng tàu sớm hay hỗ trợ cước vận chuyển phát sinh do chênh lệch về mớn nước tại cảng dỡ... mà DIC - INTRACO đưa ra không hợp lý.

Theo EVN, điều khoản hợp đồng giữa tập đoàn này và DIC - INTRACO có nội dung phạt bên bán 8% trong trường hợp than cung cấp không đạt tiêu chuẩn chất lượng. Thực tế, tổng hợp chứng thư giám định tại cảng dỡ Vĩnh Tân, có 26 chuyến vi phạm tiêu chuẩn chất lượng. Quá trình thanh toán, phía EVN đã cân đối, thông báo cho nhà thầu và giữ lại số tiền gần 70,3 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ phạt 8% theo hợp đồng do than không đủ chất lượng.

"Việc phạt chất lượng than không đúng tiêu chuẩn đã được nhà thầu và EVN thỏa thuận, thống nhất vào thời điểm ký hợp đồng. Tỷ lệ phạt 8% cũng đã được các bên ấn định áp dụng đối với trường hợp than có bất kỳ (một hoặc nhiều đặc tính) không thỏa mãn các thông số kỹ thuật yêu cầu", đại diện EVN cho biết.

Do đó, tập đoàn này cho rằng, nhà thầu liên danh DIC-INTRACO-SGE-VLHN có nghĩa vụ chi trả cho EVN khoản phạt 8% giá trị chuyến hàng theo giá trị hóa đơn trước thuế, phí trong nước của 26 chuyến hàng than không đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Cũng theo EVN, phía nhà thầu liên danh sau đó có đề nghị chỉ áp dụng phạt với 13 trong số 26 chuyến than không đạt chất lượng, nhưng EVN không chấp thuận bởi "không đúng quy định hợp đồng đã được các bên thỏa thuận".

Mặt khác, các chuyến than không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng dù sai lệch lớn hay nhỏ đều ảnh hưởng nhất định đến tính kinh tế trong vận hành Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4. "Việc đảm bảo lợi ích của Nhà nước với một doanh nghiệp Nhà nước như EVN là yêu cầu bắt buộc. Chúng tôi nhận thấy không có cơ sở để chấp thuận tỷ lệ phạt thấp hơn 8% cho các chuyến hàng than không đúng chất lượng như đề nghị của nhà thầu liên danh", EVN phản hồi.

Hiện, tập đoàn này đang giữ lại chưa thanh toán cho nhà thầu số tiền 48,3 tỷ đồng để bù trừ với khoản phạt chất lượng than không đạt tiêu chuẩn (70,3 tỷ) mà liên danh nhà thầu có nghĩa vụ chi trả cho EVN theo hợp đồng. Nếu bù trừ thì nhà thầu vẫn còn trả thêm cho EVN khoản tiền chênh lệch so với khoản tiền mà tập đoàn đang giữ lại để đảm bảo nghĩa vụ thực hiện phạt vi phạm hợp đồng.

Cũng theo đơn kiện, nhà thầu liên danh đề nghị EVN trả phí lưu tàu 35,5 tỷ đồng. Theo EVN, số tiền này đang được các bên tính toán, thương thảo để thống nhất nên chưa có cơ sở thanh toán cho nhà thầu.

"Việc thanh toán phí dôi nhật (nếu có) sẽ được EVN thực hiện sau khi cân đối, bù trừ với số tiền hàng EVN đang giữ lại và khoản phạt chất lượng than không đáp ứng tiêu chuẩn", Tập đoàn Điện lực Việt Nam thông tin.

Còn đề nghị hỗ trợ chi phí vận chuyển của nhà thầu để bù đắp các chênh lệch cước, cước khống... hơn 118,3 tỷ đồng, theo EVN là không có căn cứ theo hợp đồng đã ký và quy định pháp luật nên tập đoàn này không chấp thuận đề nghị trên.

Tháng 9/2019, EVN khánh thành dự án Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 sau hơn 5 năm khởi công, xây dựng. Nhà máy này gồm 2 tổ máy có tổng công suất 1.200 MW, vốn đầu tư khoảng 36.000 tỷ đồng. Đây là nhà máy nhiệt điện than sử dụng công nghệ ngưng hơi truyền thống, với thông số hơi siêu tới hạn, đốt than nhập.

Nhà máy được đấu nối với hệ thống điện quốc gia thông qua lưới 500kV, sản lượng điện sản xuất trung bình khoảng 7,2 tỷ kWh một năm, phục vụ chủ yếu cho phụ tải khu vực phía Nam.

Theo Anh Minh (VnExpress.net)




https://vnexpress.net/doanh-nghiep-cap-than-kien-evn-doi-hon-208-ty-dong-4144694.html