Kinh tế

Doanh nghiệp bất động sản ngộp thở như 'người sắp chết đuối'

Tình trạng thiếu dòng tiền khiến các doanh nghiệp đầu tư, phát triển bất động sản đồng loạt lâm vào trạng thái “ngộp thở” trong thời gian dài như “người sắp chết đuối”. Số lượng môi giới giảm 60-70% so với thời điểm cuối năm 2022, tình hình này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

“Nghèo nàn, kém hấp dẫn, thiếu hụt”

Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) vừa công bố báo cáo đánh giá thực trạng “sức khỏe” thị trường bất động sản Việt Nam, những con số cho thấy ngành bất động sản và các doanh nghiệp môi giới đang rất khó khăn, chưa có dấu hiệu tích cực.

Theo đó, từ đầu năm 2022 đến hết quý I năm nay, thị trường luôn trong trạng thái “khát” nguồn cung, nhất là nguồn cung nhà ở giá bình dân, phù hợp với khả năng tài chính của phần đông người dân. Trong cơ cấu nguồn cung khoảng 48.500 sản phẩm năm 2022 chủ yếu là sản phẩm cao cấp, giá trị lớn. Quý I năm nay, nguồn cung đạt khoảng 25.000 sản phẩm, chủ yếu là hàng tồn kho từ các dự án mở bán trước đó.

Thị trường thiếu vắng thông tin mở bán từ những dự án mới hoàn toàn. “Nghèo nàn, kém hấp dẫn, thiếu hụt” là những từ chính xác để mô tả về thực trạng nguồn cung trong thời gian qua”, báo cáo nêu.

Doanh nghiệp bất động sản ngộp thở như 'người sắp chết đuối'
Từ đầu năm 2022 đến hết quý I năm nay, thị trường luôn trong trạng thái “khát” nguồn cung.

Thời gian qua, thị trường bất động sản luôn trong trạng thái thiếu vắng khách. Nguyên chính là sản phẩm nghèo nàn không đủ sức hấp dẫn với khách hàng, niềm tin của khách hàng ngày càng sụt giảm, khó khăn trong việc vay vốn mua bất động sản…

Thị trường bất động sản có dấu hiệu “suy yếu” kể từ đầu năm 2022 và tiếp tục duy trì đến tận hiện tại. Tỷ lệ hấp thụ chung của toàn thị trường năm 2022 đạt khoảng 39%, tương đương 19.000 giao dịch. Tỷ lệ hấp thụ chung của toàn thị trường trong quý I năm nay chỉ đạt khoảng 11%, tương đương hơn 2.700 giao dịch, giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm 2022.

VARS nhìn nhận, thị trường truyền thống của các sàn giao dịch và môi giới bất động sản chủ yếu dựa vào các dự án khu đô thị và du lịch nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, các dự án trên thị trường tại hầu hết các địa phương đều trong tình trạng đắp chiếu, chờ phê duyệt như tại Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Nha Trang, Quảng Ninh…

Ngoài ra, tình trạng thiếu dòng tiền đang là một khó khăn rất lớn của thị trường bất động sản thời gian qua. Trong đó, việc siết chặt tín dụng, đặc biệt áp dụng với bất động sản. Lãi suất cao khiến các doanh nghiệp không chịu được áp lực. Các doanh nghiệp đầu tư, phát triển bất động sản đồng loạt lâm vào trạng thái “ngộp thở” trong thời gian dài như “người sắp chết đuối”. Mặc dù, các doanh nghiệp đã cố gắng loại bỏ dần các yếu tố làm giảm sức nặng, nhưng vẫn không đủ sức để có thể ngoi lên.

Môi giới "rơi rụng" 60 - 70%

VARS dẫn số liệu trong 5 tháng đầu năm nay có 554 doanh nghiệp bất động sản giải thể, tăng 30,4% so với cùng kỳ năm trước. Số lượng doanh nghiệp bất động sản thành lập mới giảm 61,4% so với cùng kỳ năm trước, chỉ có 1.744 doanh nghiệp.

Ngoài ra, quý I năm nay, doanh thu của các doanh nghiệp bất động sản giảm 6,46% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế giảm 38,6% so với cùng kỳ năm 2022. Lượng hàng tồn kho lớn, chủ yếu đến từ các dự án xây dựng dở dang, buộc phải tạm dừng do doanh nghiệp không còn đủ nguồn lực để tiếp tục triển khai dự án.

VARS cho rằng, hiện tượng sụt giảm số lượng môi giới bất động sản trở thành làn sóng càn quét trên quy mô rộng khắp các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Cụ thể, số lượng môi giới hiện mưu sinh trên thị trường chỉ còn khoảng 30 - 40% so với thời điểm cuối năm 2022. Tuy nhiên, việc giảm nhân sự này vẫn chưa có dấu hiệu ngưng.

Doanh nghiệp bất động sản ngộp thở như 'người sắp chết đuối' - 1
Có tới 95% môi giới giảm thu nhập, trong đó có những người giảm trên 70%.

Đáng chú ý bên cạnh môi giới phải nghỉ việc vì thu nhập không đủ sống thì cũng không ít môi giới bị sa thải, doanh nghiệp ngừng hoạt động, phá sản nên cũng rời doanh nghiệp. Trong khi đó, môi giới bám trụ với nghề cũng phải đa dạng lĩnh vực, kiếm việc làm thêm…

Về thu nhập, có tới 95% môi giới giảm thu nhập, trong đó có những người giảm trên 70%. Tuy vậy, một điểm sáng được ghi nhận là trên 95% các môi giới còn hoạt động cho biết vẫn sẽ gắn bó với nghề, dù thị trường có khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch VARS - cho biết, doanh nghiệp còn lực cần nhanh chóng thí điểm phê duyệt, giải quyết trực tiếp các vướng mắc. Doanh nghiệp yếu, hết năng lực triển khai dự án nhưng đã hoàn thiện cơ bản các thủ tục pháp lý cần tổ chức các chương trình xúc tiến đầu tư nhằm kết nối các chủ đầu tư, kêu gọi đầu tư hoặc thực hiện mua bán và sáp nhập.

“Với doanh nghiệp có dự án tồn đọng nhiều vướng mắc và không còn đủ năng lực triển khai dự án, Nhà nước có biện pháp hỗ trợ, thực hiện mua lại các dự án, sau đó hoàn thiện thủ tục vướng mắc, rồi đấu giá lựa chọn nhà đầu tư mới thực hiện dự án”, ông Đính nói.

Theo Duy Quang (Tiền Phong)




https://tienphong.vn/doanh-nghiep-bat-dong-san-ngop-tho-nhu-nguoi-sap-chet-duoi-post1541265.tpo