Kinh tế

Điện sắp tăng giá?

Phân tích của các chuyên gia tài chính năng lượng cho thấy, giá điện có thể sẽ tăng do chi phí đầu vào của ngành điện đang tăng mạnh.  

Chuyên gia Melissa Brown, Giám đốc nghiên cứu tài chính năng lượng khu vực châu Á, và chuyên viên phân tích tài chính năng lượng thuộc Viện Kinh tế năng lượng và phân tích tài chính (IEEFA), vừa có báo cáo với chủ đề “EVN đối diện tương lai: Thời cơ để triển khai đúng cách nguồn điện tái tạo”.
Điện sắp tăng giá?
Báo cáo này dựa vào việc phân tích bức tranh doanh thu của Tập đoàn điện lực VN (EVN) giai đoạn từ 2015 - 2019. Theo đó, với doanh thu thuần năm 2019 đạt 394.900 tỉ đồng (16,9 tỉ USD), EVN được coi là đơn vị kinh doanh có lợi nhuận, dù khiêm tốn, nhờ vào những lần tăng giá điện.
 
Theo lý giải của chuyên gia, do nguồn vốn trong nước hạn hẹp và không thể tự tiếp cận trực tiếp với các thị trường vốn quốc tế, EVN đã dựa vào các nhà phát triển dự án quốc tế. Hiện EVN chỉ giữ lại toàn quyền kiểm soát các hoạt động truyền tải và phân phối. Nên trong vòng 5 năm qua, công suất nguồn điện do EVN sở hữu đã giảm từ 61% xuống 52% toàn hệ thống. IEEFA dự đoán tỷ lệ này sẽ còn giảm nhanh hơn.
 
Trong khi đó, dự báo các nhà máy điện IPP sẽ hòa lưới điện khoảng 4,4 GW công suất mỗi năm trong giai đoạn 2020 - 2022 và tăng lên khoảng 6,1 GW vào năm 2023, phần lớn trong đó là các nguồn năng lượng tái tạo và nhiệt điện than. Theo đó, chi phí mua điện của EVN dự kiến sẽ tăng 70,5% trong 2 năm tới, lên 335.300 tỉ đồng (14,4 tỉ USD) và chiếm 60,1% chi phí hoạt động của EVN.
 
“Hệ quả của tình trạng này là thay vì đi vay để mở rộng tài sản nền của bản thân, EVN nay phải đối mặt với tình huống nếu giá điện tăng không đủ nhanh thì tập đoàn sẽ phải đi vay nợ để chi trả cho các khoản thanh toán IPP ngày một lớn... Một phần chi phí IPP gia tăng là do có sự thay đổi trong cơ cấu điện năng sản xuất. Thủy điện là nguồn có chi phí rẻ nhất, nhưng độ tin cậy và khả năng tận dụng nguồn điện này đã giảm đi trong những năm gần đây do rủi ro biến đổi khí hậu và các rủi ro thủy văn do con người gây ra đều gia tăng. Trong nửa đầu năm 2020, thủy điện chỉ chiếm 18% tổng sản lượng điện phát ra, thấp hơn mức 25% cùng kỳ năm trước”, báo cáo viết.
 
Trước tình hình này, dự kiến EVN sẽ lỗ ròng trong năm 2020 cũng như sẽ ghi nhận nguồn tiền mặt sụt giảm. Như vậy, vấn đề tài chính của EVN có thể bị ảnh hưởng nếu không điều chỉnh tăng giá điện.
 
Trước đó, Ông Dương Quang Thành, Chủ tịch HĐTV EVN, cho hay đã có nhiều dự án nguồn điện theo hình thức IPP, BOT thành công trong giai đoạn trước đây và hiện đã có những đóng góp nhất định cho hệ thống điện. Dù vậy, vẫn chưa có nhà máy BOT nào tham gia chào giá trên thị trường phát điện cạnh tranh.
Đức Minh (nguoiduatin.vn)