Kinh tế

Đề nghị tăng phí để 'cứu' nhà đầu tư BOT: Ai 'cứu' dân và doanh nghiệp vận tải?

Để phục vụ công tác phòng chống dịch, nhiều doanh nghiệp vận tải phải tạm "đóng băng", cầm cự để duy trì. Các chi phí đầu vào của hoạt động này đã không giảm nếu giờ phí BOT lại tăng thì khó khăn thêm chồng chất…

Giám đốc Công ty TNHH vận tải Đông Lý chuyên chạy tuyến xe khách Thanh Hoá - Hà Nội Lê Văn Đông cho biết, việc Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đề xuất tăng phí BOT vào thời điểm hiện nay là không phù hợp, nhất là trong bối các doanh nghiệp vận tải đang bị ảnh hưởng nặng vì dịch COVID-19.

2 tháng nay, lượng khách đi xe giảm chỉ còn 30 - 40%. 20 xe khách của công ty Đông Lý chỉ có 10 xe chạy thường xuyên, số còn lại hôm chạy hôm nghỉ. 

"Hiện nay mỗi chuyến xe khách Hà Nội - Thanh Hoá trừ tiền xăng dầu, phí đường và bến bãi, doanh nghiệp phải bỏ chi phí khoảng 3 triệu đồng, trong khi số tiền thu về chỉ được 80% chi phí bỏ ra. Do vậy, nếu Chính phủ đồng ý cho tăng phí đường trong khi lãi suất ngân hàng chưa giảm thì chẳng khác nào đẩy doanh nghiệp vận tải chúng tôi đến vực phá sản", ông Đông nói.

Đề nghị tăng phí để 'cứu' nhà đầu tư BOT: Ai 'cứu' dân và doanh nghiệp vận tải?
Phương tiện lưu thông qua Trạm thu phí của dự án đường cao tốc Pháp Vân.

Ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP HCM cũng đưa ra phân tích, với loại hình các xe kinh doanh vận tải, chi phí một chuyến xe bỏ ra khi di chuyển từ TP HCM đến Hà Nội và quay đầu lại vào khoảng 8,4 triệu đồng để trả phí BOT, chiếm khoảng 30% tổng chi phí của chuyến xe. Trong khi đó, với chặng đường trên, tiền xăng dầu cho một chuyến xe cũng chiếm khoảng 30%; rồi các loại chi phí trả lương cho tài xế, nhân viên, phí bảo trì đường bộ, BHXH, bến bãi... Trong khi hiện nay, một trong nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh là vận tải nên trường hợp tăng phí ở các trạm BOT, doanh nghiệp sẽ khó kham nổi...

Phân tích thêm, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP HCM cũng thông tin hoạt động vận tải nhiều lĩnh vực ngưng toàn bộ trong tháng 4 để thực hiện cách ly xã hội, còn lại một số hoạt động nhưng cũng trong tình trạng cầm cự, cố duy trì. Tuy nhiên, hầu hết hết chi phí đầu vào của hoạt động này đều không giảm, khiến khó khăn càng trở nên chồng chất.

"Giá xăng dầu giảm nhiều nhưng hiện cũng đã tăng trở lại. Trong đợt giá xăng giảm, dù là điều kiện tốt cho doanh nghiệp vận tải nhưng cũng đồng nghĩa với giá thành vận chuyển giảm theo. Trong khi đó, hầu hết các chi phí đầu vào mà doanh nghiệp phải đóng vẫn giữ nguyên như phí BOT, bảo trì đường bộ, BHXH, y tế... cho người lao động. Nay, giả sử phí BOT tăng - tức doanh nghiệp BOT được cứu, vậy thì tôi hỏi ngược lại: Ai sẽ cứu chúng tôi?", ông Bùi Văn Quản bức xúc.

Đề nghị tăng phí để 'cứu' nhà đầu tư BOT: Ai 'cứu' dân và doanh nghiệp vận tải? - 1
Ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM.

Trao đổi với phóng viên xoay quanh đề nghị tăng phí BOT, đại biểu Quốc hội Trần Quang Chiểu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài Chính Ngân sách của Quốc hội cho biết, doanh nghiệp đã làm kinh doanh thì phải có lúc này, lúc kia. Cũng giống như người đi câu cá, có lúc được, lúc không, có lúc được cá to, lúc được cá nhỏ. Đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến mọi loại hình kinh tế, nhiều doanh nghiệp cũng lao đao, thua lỗ chứ không chỉ riêng lĩnh vực BOT giao thông.

"BOT giao thông khó khăn, nhưng các doanh nghiệp vận tải cũng gặp muôn vàn khó khăn. Doanh nghiệp vận tải không đồng tình, người dân không đồng tình tăng phí BOT là có cơ sở. Không thể lúc lời lãi thì doanh nghiệp hưởng, còn lúc thua lỗ lại bắt người dân, nhà nước phải gánh. Doanh nghiệp thường kêu ca khi làm ăn thua lỗ, nhưng kinh doanh là phải tính dài hơi chứ đâu phải ngày một, ngày hai. Là người dân tôi không đồng tình với đề xuất tăng phí này", ông Chiểu cho hay.

Đề nghị tăng phí để 'cứu' nhà đầu tư BOT: Ai 'cứu' dân và doanh nghiệp vận tải? - 2
Đại biểu Quốc hội Trần Quang Chiểu.

GS.TS Đặng Đình Đào (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội) nêu quan điểm, BOT cũng là hình thức đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp, có lời có lỗ. Là doanh nghiệp thì phải chấp nhận điều đó. Thời điểm này cả xã hội cùng khó khăn chung, Bộ GTVT lại đề xuất tăng phí BOT để hỗ trợ nhà đầu tư là rất không ổn. Hiện tại, phí BOT chiếm tỷ lệ lớn trong giá thành vận tải, chỉ sau mỗi chi phí nhiên liệu, tăng phí sẽ giúp nhà đầu tư BOT có lợi, nhưng thiệt hại cho cả nền kinh tế và người dân, khi chi phí đi lại, giá hàng hóa, dịch vụ phải tăng theo chi phí vận tải.

"Trong khi Chính phủ đang nỗ lực với nhiều giải pháp để kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất hàng hóa vượt qua khó khăn do dịch bệnh. Có thể thời điểm này giá xăng dầu đang thấp, phần tăng phí BOT chưa ảnh hưởng nhiều tới giá thành vận tải, nhưng giá nhiên liệu cũng phải tăng, khi đó ảnh hưởng đến các lĩnh vực sẽ rất lớn", ông Đào nhấn mạnh.

Cũng theo ông Đào, việc thu phí BOT chưa minh bạch, người dân còn nhiều băn khoăn, nghi ngờ về sự lỗ - lãi của nhà đầu tư. Do đó, điều cần thiết hiện nay là Bộ GTVT phải đẩy nhanh thu phí tự động, minh bạch hoạt động thu phí để người dân tin tưởng vào các con số báo cáo, sau đó hãy nghĩ tới việc tăng phí. Muốn chung tay giải quyết thì phải có bức tranh cụ thể để đánh giá, lấy lý do vì dịch thì ai nói cũng có lý, nhưng không thể tát nước theo mưa.

Đề nghị tăng phí để 'cứu' nhà đầu tư BOT: Ai 'cứu' dân và doanh nghiệp vận tải? - 3
GS.TS Đặng Đình Đào.

"Trong trường hợp xấu nhất này, nên tính tới phương án kéo dài thời gian thu phí trước khi tính tới tăng phí và nếu có tăng phí cũng chưa nên tăng bây giờ. Việc này cũng rất khó, nhưng cũng không thể để các khoản vay BOT thành nợ xấu, không chỉ vì ảnh hưởng của nó tới nền kinh tế, nhất là còn phải kêu gọi đầu tư BOT sau này. Các giải pháp cần hài hòa lợi ích các bên, còn giờ ai kêu cũng có lý cả", ông Đào nói thêm.

Theo văn bản kiến nghị Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp dự án BOT đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Bộ GTVT cho biết đang quản lý 61 hợp đồng dự án đầu tư theo hình thức BOT, trong đó có 60 dự án hoàn thành đi vào khai thác. Trên cơ sở rà soát số liệu đến hết năm 2019, Bộ GTVT đã báo cáo có 45 dự án doanh thu thực tế thấp hơn so với dự báo trong phương án tài chính của hợp đồng BOT. Trong đó, có 2 dự án doanh thu chỉ đạt 13 - 15% và 3 dự án chưa được thu, đang tạm dừng thu.

Về mức thu phí, Bộ GTVT kiến nghị 2 phương án. Trong đó, phương án 1: Cho phép tăng phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hợp đồng dự án. Giao Bộ GTVT lựa chọn thời điểm phù hợp để hạn chế tối đa ảnh hưởng đến chi phí vận tải.

Phương án 2: Giữ nguyên mức phí như hiện tại, chỉ thực hiện tăng phí theo lộ trình đã ký trong hợp đồng dự án từ năm 2022; Nhà nước bố trí khoảng 5.080 tỉ đồng hỗ trợ các dự án do chưa được tăng giá theo hợp đồng BOT đã ký.

Trên cơ sở phân tích cụ thể ưu, nhược điểm các phương án, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận phương án 1 vì có nhiều ưu điểm hơn và không phải bố trí ngân sách nhà nước.

Theo Nhật Tân (Giadinh.net.vn)




http://giadinh.net.vn/xa-hoi/de-nghi-tang-phi-de-cuu-nha-dau-tu-bot-ai-cuu-dan-va-doanh-nghiep-van-tai-20200515105005173.htm