Kinh tế

Dân buôn đất sôi sục, đại gia bất ngờ lỗ nặng 500 tỷ

Đại gia kinh doanh bất động sản hàng đầu tại Việt Nam báo lỗ thêm hàng chục tỷ đồng sau kiểm toán, nâng tổng lỗ năm 2020 lên gần 500 tỷ đồng mặc dù giá đất có dấu hiệu tăng mạnh trên phạm vi cả nước.

Tập đoàn Đất Xanh (DXG) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2020, với số lỗ sau thuế là 496 tỷ đồng, tăng lỗ thêm gần 64 tỷ đồng so với báo cáo tự lập trước đó.

Đất Xanh lý giải, nguyên nhân dẫn đến chênh lệch lợi nhuận giữa hai báo cáo trước và sau kiểm toán chủ yếu là do việc tăng các khoản lập dự phòng nợ phải thu từ một số đơn vị trong cùng hệ thống.

Trong báo cáo trước và sau kiểm toán giữa năm 2020, lợi nhuận của Đất Xanh cũng bị điều chỉnh mạnh, từ lãi ròng chuyển sang lỗ 488 tỷ đồng do DXG chuyển nhượng toàn bộ cổ phần trong công ty LDG và phải trích lập dự báo 526 tỷ đồng.

Theo nghị quyết của HĐQT tập đoàn, doanh nghiệp này quyết định bán toàn bộ gần 63 triệu cổ phiếu, tương ứng 26,27% vốn tại LDG.  Cùng lúc, công ty con của DXG là Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Dịch vụ Hà Thuận Hùng cũng đăng ký bán toàn bộ hơn 25 triệu cổ phiếu LDG, tương đương 10,45% vốn điều lệ của Đầu tư LDG.

Tổng cộng nhóm đông Đất Xanh đăng ký bán 88 triệu cổ phần CTCP LDG đang nắm giữ, tương ứng 36,72% vốn điều lệ tại LDG với giá không thấp hơn 6.000 đồng/cp. Nếu tính theo mức giá khi đó, nhóm này thu về khoảng gần 540 tỷ đồng và lỗ khoảng 500 tỷ đồng.

Dân buôn đất sôi sục, đại gia bất ngờ lỗ nặng 500 tỷ
Nhiều doanh nghiệp bất động sản gặp khó.

Diễn biến này là khá bất ngờ bởi khoản đầu tư vào LDG được xem là đầu tư chiến lược của DXG; LDG có ngành nghề đầu tư phát triển bất động sản, tương tự như Đất Xanh và cũng triển vọng khá tốt với việc sở hữu nhiều dự án lớn.

Theo báo cáo kiểm toán 2020, trong cơ cấu doanh thu của Đất Xanh, mảng dịch vụ bất động sản giảm 32% so với cùng kỳ năm trước. Mảng hợp đồng xây dựng giảm 40% xuống 530 tỷ đồng và mảng bán căn hộ, nhà phố và đất nền giảm 80%.

Trong năm 2020, ban lãnh đạo DXG từng kỳ vọng bàn giao và ghi nhận lợi nhuận của khoảng 700 lô đất thuộc đợt mở bán đầu tiên vào tháng 7/2020. Tuy nhiên, do thủ tục pháp lý chậm hơn dự kiến, việc ghi nhận dự án Gem Sky World sẽ bắt đầu trong năm 2021.

Cho dù từng là quán quân thị phần môi giới bất động sản TP.HCM, Đất Xanh Group gần đây không còn được xem là cổ phiếu an toàn cho danh mục đầu tư trong bối cảnh thị trường biến động mạnh.

Trong năm 2020, nhóm cổ phiếu bất động sản cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực từ chính sách tín dụng dành cho bất động sản bị thắt chặt và việc Nhà nước gia tăng kiểm soát không để xảy ra tình trạng bong bóng. Việc các dự án mới được mở bán cũng không đạt được như kỳ vọng.

Đất Xanh cũng phải đối mặt với tính cạnh tranh cao ở tất cả các phân khúc sản phẩm do nhiều doanh nghiệp bất động sản đều đang xúc tiến triển khai dự án. Ngoài ra, doanh nghiệp của ông Lương Trí Thìn còn chịu ảnh hưởng từ thông tin liên quan tới vụ nhận chuyển nhượng đất công có dấu hiệu gây thất thoát tiền Nhà nước tại CTCP Kim Khí TP.HCM.

Nhiều doanh nghiệp khác cũng gặp khó do đại dịch Covid-19. An Trường An (ATG) và Cotec Land (CLG) rơi vào cảnh không được giao dịch trên HOSE, công ty không phát sinh doanh thu, không có lợi nhuận. Cả hai doanh nghiệp đều vi phạm các quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán sau khi đã bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt hoặc diện cảnh báo. ATG và CLG cũng là hai cổ phiếu trên sàn HOSE có thị giá chưa đến 1.000 đồng.

Trong năm 2020, ATG không ghi nhận doanh thu và lỗ 2 tỷ đồng và trong diện bị hủy niêm yết bắt buộc vì thua lỗ 3 năm liên tiếp.

Thị trường chứng khoán gần đây chịu áp lực giảm sau khi nhiều lần không vượt qua được đỉnh 1.200 điểm. Tuy nhiên, một số quỹ đầu tư cho rằng, triển vọng của TTCK Việt Nam về dài hạn vẫn tốt. Quy mô thị trường ngày càng lớn lên và chất lượng doanh nghiệp cũng được cải thiện.

Các cổ phiếu lớn vẫn dồn dập lên sàn và thu hút sự quan tâm lớn của các quỹ đầu tư nước ngoài.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), VN-Index giảm xuống ngưỡng 1.160 điểm.

Một số công ty chứng khoán (CTCK) có những cái nhìn thận trọng trong các dự báo.

Theo BSC, thị trường điều chỉnh mạnh xuống ngưỡng 1160 điểm. Dòng tiền bắt đầu thoát khỏi thị trường khi chỉ có 2/19 ngành tăng điểm. Thanh khoản tăng nhẹ và độ rộng thị trường tiêu cực cho thấy áp lực chốt lãi ngắn hạn tăng mạnh. Khối ngoại tiếp tục bán ròng trên HOSE và mua ròng tại HNX. Một thông tin tích cực cho thị trường là sắp có hơn 8.000 tỷ đồng từ quỹ Fubon FTSE sắp chảy vào Việt Nam khi nhà đầu tư đặt mua hết chứng chỉ quỹ này. Dòng tiền này sẽ chủ yếu chảy vào nhóm cổ phiếu VN30 và tạo lực đỡ thị trường tại ngưỡng 1160 điểm.

Với dòng tiền khối ngoại mới đổ vào trong thời gian tới, VN-Index nhiều khả năng sẽ tích lũy trong vùng 1160-1180 trong các phiên giao dịch tới.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 24/3, chỉ số VN-Index giảm 21,64 điểm xuống 1.161,81 điểm; HNX-Index giảm 3,65 điểm xuống 268,69 điểm. Upcom-Index giảm 0,65 điểm xuống 80,5 điểm. Thanh khoản đạt 21,4 nghìn tỷ đồng.

Theo V. Hà (VietNamNet)




https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/tai-chinh/tin-chung-khoan-ngay-25-3-thi-truong-bat-dong-san-soi-suc-ong-lon-trong-nganh-lo-nang-722182.html