Kinh tế

Đại gia ngân hàng khởi nghiệp từ Đông Âu tính cỗ máy in tiền mới

Ngân hàng của đại gia khởi nghiệp Đông Âu đầu tư mạnh vào một lĩnh vực mới trong bối cảnh cổ phiếu này đi xuống khá mạnh.

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng - VPBank (VPB) của ông Ngô Chí Dũng vừa công bố thông tin bất thường về việc đầu tư mua/nhận chuyển nhượng cổ phần phổ thông tại CTCP bảo hiểm phi nhân thọ OPES từ các cổ đông hiện hữu.

Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của VPBank tại Bảo hiểm OPES sẽ tăng lên 98% và VPBank chính thức trở thành công ty mẹ của doanh nghiệp này. Cụ thể, VPBank dự kiến sẽ chi 585 tỷ đồng để nhận chuyển nhượng 47,85 triệu cổ phần OPES (tương đương với 87% vốn điều lệ) với giá trung bình 12.200 đồng/cp.

Trong thời gian gần đây, cổ phiếu VPB giảm mạnh theo thị trường chứng khoán chung, từ mức gần 40.000 đồng/cp hồi đầu tháng 4 xuống mức 28.000 đồng/cp như hiện tại. Vốn hóa VPBank mất khoảng 53 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 2,2 tỷ USD.

Việc tấn công mạnh sang lĩnh vực bảo hiểm đã được tính từ trước đó và trở nên quyết liệt hơn sau khi VPBank có nguồn vốn dồi dào sau thương vụ bán 49% vốn FE Credit cho nhà đầu tư Nhật Bản SMBC trong năm ngoái. 

Mặc dù mới được thành lập năm 2018 (VPBank là cổ đông sáng lập với tỷ lệ sở hữu 11%) nhưng OPES có một lượng khách lớn nhờ ký một loạt các hợp tác chiến lược với những đối tác nằm trong hệ sinh thái của VPBank như YOLO, FECredit, khối tín dụng tiểu thương CommCredit, khối khách hàng cá nhân VPBank,...

Quyết định thâu tóm OPES là một trong các bước đi trong chiến lược của VPBank nhằm xây dựng mô hình tập đoàn tài chính và mở rộng quy mô hoạt động.

Đại gia ngân hàng khởi nghiệp từ Đông Âu tính cỗ máy in tiền mới
Các ngân hàng mở rộng lĩnh vực hoạt động. Ảnh: Nam Khánh

Trước đó, ngân hàng của chủ tịch Ngô Chí Dũng đã có những bước tăng trưởng mạnh mẽ về lợi nhuận, đứng số 1 cả về giá trị tương đối và tuyệt đối trong quý I/2022. Tuy nhiên, quy mô về tài sản của ngân hàng này còn khiêm tốn. Khả năng tạo ra lợi nhuận cũng có dấu hiệu chùng xuống khi mà “con gà đẻ trứng vàng” tín dụng tiêu dùng FeCredit bị cạnh tranh nhiều hơn và tăng trưởng tín dụng bị kiểm soát.

Trong định hướng phát triển, ngân hàng này mở rộng hệ sinh thái sang các lĩnh vực khác, trong đó có mảng cung cấp dịch vụ chứng khoán và bảo hiểm.

VPBank cũng đã thông qua việc góp vốn bổ sung vào công ty con là Công ty chứng khoán ASC với tổng mức đầu tư/góp vốn tối đa là 15.000 tỷ đồng. Hồi đầu 2022, đã công bố việc mua hơn 97% cổ phần CTCP Chứng khoán ASC và đổi tên thành Công ty Chứng khoán VPBank (VPBank Securities). 

VPBank đã rất thành công với mua lại Công ty Tài chính Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam năm 2014 và chuyển đổi thành công ty tài chính tiêu dùng với thương hiệu FE Credit.

Nhiều ngân hàng cũng đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực chứng khoán và bảo hiểm nhằm mở rộng hoạt động cũng như nguồn thu.

TPBank của ông Đỗ Minh Phú đã có màn thay đổi ấn tượng Chứng khoán Tiên Phong (ORS) trong 2 năm qua. Ngân hàng Quốc tế (VIB) tiếp quản Chứng khoán Globalmind Capital. Ngân hàng Kiên Long mở rộng hệ sinh thái với Chứng khoán Việt Nam Gate Way (đổi tên thành Chứng khoán KS Securities).

Nhiều ngân hàng cũng đã có CTCK như: Chứng khoán VietinBank (CTS), Chứng khoán Vietcombank (VCBS), Chứng khoán MB (MBS), Chứng khoán ACB (ACBS), Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS)…

Trong vài năm gần đây, các ngân hàng cũng đồng loạt mở ra kênh kiếm tiền mới với lĩnh vực bảo hiểm. VietinBank (CTG) bắt tay với Công ty TNHH Manulife Việt Nam (Manulife Việt Nam) trong một thỏa thuận hợp tác độc quyền 16 năm phân phối bảo hiểm nhân thọ qua ngân hàng (bancassurance).

Ngân hàng ACB cũng đã hợp tác với hãng bảo hiểm Sun Life để bán bảo hiểm độc quyền cho hãng này trong vòng 15 năm kể từ đầu 2021. Trước đó, Vietcombank cũng đã có hợp tác với hãng bảo hiểm Hong Kong FWD với khoản lợi ích được ước tính có thể đạt hơn 10.000 tỷ đồng trong 15 năm.

Tiếp tục tích lũy

Theo MBS, sau nhịp hồi phục mạnh, thị trường kiểm nghiệm ngưỡng cản 1.185 điểm thì tốc độ tăng của thị trường chung đã chững lại và thể hiện sự đuối sức nhất định khi đối mặt với mốc kháng cự này (đây là ngưỡng kháng cự tại đường MA20 ngày).

Việc giảm điểm cũng là hệ quả của việc thanh khoản không thể bứt phá rõ rệt. Thị trường nhiều khả năng sẽ kiểm tra lại vùng đáy cũ 1.150 điểm. Điều này trái ngược hoàn toàn với việc thị trường thế giới tiếp tục tích cực.

Theo VDSC, áp lực chốt lời quanh vùng cản 1.180 điểm vẫn đang gây khó khăn cho nhịp hồi phục của VN-Index và khiến chỉ số đánh mất sắc xanh. Thanh khoản tuy giảm những vẫn nằm trên trung bình 20 phiên. Với tín hiệu gia tăng của áp lực chốt lời, thị trường sẽ cần thêm thời gian để hấp thụ cung và có thể kỳ vọng VN-Index sẽ tiếp tục được hỗ trợ khi lùi về vùng 1.170 điểm. 

Chốt phiên giao dịch 18/7, chỉ số VN-Index giảm 2,76 điểm xuống 1.176,49 điểm. HNX-Index tăng 0,24 điểm lên 284,63 điểm. Upcom-Index tăng 0,14 điểm lên 87,46 điểm. Thanh khoản đạt 12,9 nghìn tỷ đồng, trong đó có 11,2 nghìn tỷ đồng trên HOSE.

Theo M. Hà (VietNamNet)




https://vietnamnet.vn/chung-khoan-19-7-dai-gia-ngan-hang-khoi-nghiep-dong-au-tinh-co-may-in-tien-moi-2041071.html