Kinh tế >> Điện, xăng đua nhau tăng giá

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu: 'Bộ Công Thương cần xem lại việc tăng giá điện'

Nhiều đại biểu Quốc hội nói người dân ủng hộ chủ trương chung về giá điện nhưng điều họ cần là "sự công bằng, minh bạch và hợp lý".

Sáng 30/5, 27 đại biểu Quốc hội đã đăng đàn trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, trong đó nhiều ý kiến quan tâm đến việc tăng giá điện.

Ông Nguyễn Sỹ Cương – Phó chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại nêu vấn đề, từ thủa khai sinh ra ngành điện nước nhà, giá điện luôn tuân theo một quy trình bất biến là "tăng rồi, tăng nữa và tăng mãi".

Người dân ủng hộ chủ trương chung về giá điện nhưng điều họ cần là sự công bằng, minh bạch và hợp lý. Tuy nhiên kỳ tăng giá điện vừa qua rất mập mờ, cần làm sáng tỏ; có hay không giá điện chỉ tăng bình quân 8,36% như doanh nghiệp công bố.

Ông Cương cho hay, trong cuộc tiếp xúc cử tri trước kỳ họp, một người dân nêu vấn đề đáng suy nghĩ là, "cứ nói đất nước phát triển, đời sống người dân được nâng cao ấy vậy mà mức tiêu dùng điện cứ duy trì ở mức thấp, tối thiểu 100 – 150 kw/h, chỉ phù hợp với hộ gia đình nghèo, khó khăn".

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu: 'Bộ Công Thương cần xem lại việc tăng giá điện'
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội.

"Người dân ủng hộ chủ trương tiết kiệm điện nhưng phải phù hợp với thực tiễn, không phải tiết kiệm bằng mọi giá. Hơn nữa, không phải ngẫu nhiên mà EVN lấy thời điểm chuyển mùa để tăng giá điện, vì cứ tăng xong đổ cho thời tiết là hợp lý nhất đỡ phải giải thích nhiều", ông Cương nói.

Ngoài ra, EVN cho rằng giá điện của Việt Nam thấp so với các nước nhưng đó là so sánh đầu ra mà không so sánh đầu vào; doanh nghiệp độc quyền như EVN được nhà nước ưu đãi đủ thứ, "có giống nhau đâu mà so sánh và chưa kể đến thu nhập đầu người của Việt Nam thấp". Trong khi đó, ở một nước do nắng nóng họ quyết định giảm giá điện cho người dân đỡ khó khăn "thì sao chẳng thấy ai so sánh".

Vị đại biểu nói thêm, "lộ trình bán buôn, bán lẻ điện cạnh tranh có thực hiện được hay không? Tôi nghe một số dự án của ngành điện đang triển khai đều chậm tiến độ và thất thoát do chậm tiến độ là tất yếu".

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho hay Bộ Công Thương có tờ trình về điều hành giá điện, xăng dầu dài 20 trang và một số trang phụ lục với rất nhiều con số lập luận để khẳng định Bộ làm đúng. 

Tuy nhiên, từ góc độ một bác sĩ, ông Hiếu nói "dù phác đồ đúng mà bệnh nhân của mình không tốt lên thì tôi vẫn phải xem xét, nhiều khi trên lý thuyết là đúng những triển khai sai ở mắt xích nào đấy; lúc này phải dừng lại suy xét không bảo thủ duy ý chí, che đậy sai lầm". Do vậy, ông Hiếu cho rằng khi rất nhiều người dân bức xúc thì Bộ Công Thương cần nghiêm túc rà soát, rút kinh nghiệm về phương pháp tiến hành, cách thức quản lý, giám sát và tuyên truyền trong thời gian qua trong việc điều hành giá điện, giá xăng dầu.

"Phải chăng nguồn gốc sâu xa do sự độc quyền, không có cạnh tranh của ngành điện trong truyền tải, mua bán điện", ông Hiếu nêu câu hỏi.

Ông Nguyễn Quốc Hận – Phó trưởng đoàn đại biểu tỉnh Cà Mau bổ sung thêm, điều đại biểu và cử tri quan tâm không phải việc tăng giá này đúng quy trình, quy định hay không vì "Chính phủ điều hành thì không thể không đúng quy định".

Thế nhưng, việc tăng giá mặt hàng này chắc chắn ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống người dân, làm tăng chi phí đầu vào và tăng giá thành sản phẩm tới tay người tiêu dùng; do vậy ông Hận đề nghị cấp có thẩm quyền giao Kiểm toán Nhà nước kiểm toán hoạt động kinh doanh ngành điện.

Ở chiều ngược lại, một số đại biểu hay, trong lúc dư luận đang trong cuộc tranh luận sôi nổi về chuyện tăng giá điện, thì ở khu vực miền núi, hải đảo, nhiều người dân vẫn "nằm ngoài cuộc".

"Trong khi đa số công dân cả nước đã, đang được hưởng thụ thành quả từ cách mạng công nghiệp 4.0 thì còn hơn 1.400 thôn bản chưa có điện, người dân nơi đây còn bên lề cuộc thảo luận sôi động tăng giá điện. Bao giờ họ có thể tiếp cận điện lưới khi tỷ lệ dân trí còn cách xa phần còn lại?", bà Cao Thị Xuân – Phó chủ tịch Hội đồng dân tộc nêu thực tế.

Cùng quan điểm, ông Bế Minh Đức - Phó đoàn đại biểu chuyên trách tỉnh Cao Bằng nhắc tới việc cấp điện cho nông thôn, miền núi và hải đảo hiện vẫn chậm so với yêu cầu. Ông dẫn chứng tại tỉnh Cao Bằng, 10% số hộ của tỉnh chưa có điện lưới. Ở những huyện miền núi như Bảo Lạc, Bảo Lâm, hơn 45% số hộ tại đây chưa có điện. 

Ông Đức đề nghị Chính phủ ưu tiên bố trí đủ vốn để thực hiện công trình cấp điện cho nông thôn, miền núi và hải đảo.

Trước đó từ ngày 20/3 giá bán lẻ điện bình quân tăng thêm 8,36%. Việc tăng giá này nhận được nhiều phản ứng trái chiều từ dư luận, nhiều phản ánh việc hoá đơn điện tăng đột biến sau tăng giá. Thời điểm tăng giá điện, theo Chính phủ, được tính toán trên cơ sở đồng bộ với các điều chỉnh giá xăng dầu, dịch vụ y tế, học phí... Cụ thể, giá bán lẻ điện bình quân tăng 8,36% vào ngày 20/3 sẽ làm CPI cả năm tăng 0,3%, ở mức 3,3-3,9%, thấp hơn mức 4% Quốc hội thông qua.

Cũng trong phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu đề cập đến bức xúc của cử tri An Giang về trạm BOT gần cầu Vàm Cống.

"Chúng ta có thể triển khai những chính sách vĩ mô tốt, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, song những búc xúc hàng ngày của người dân chưa được giải quyết hợp lý, nhanh chóng. Chính vì vậy những cố gắng của cả hệ thống bị một vài bức xúc nhỏ làm vấy bẩn bức tranh toàn cảnh", ông Hiếu nói.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu: 'Bộ Công Thương cần xem lại việc tăng giá điện' - 1
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội.

Với tư cách đại biểu tỉnh An Giang, ông Hiếu nói kỳ họp trước "tôi rất mừng khi một lãnh đạo Chính phủ đến tìm hiểu về việc triển khai xây dựng đường tránh thành phố Long Xuyên; tưởng như mọi việc đã vào guồng nhưng 6 tháng vừa qua tiến triển rất chậm".

Theo ông, nếu dự án đường tránh thành phố Long Xuyên được triển khai thì sẽ không có việc cách đây vài ngày người dân kéo đến trạm BOT T2 phản ứng dữ dội. "Hậu quả là cầu Vàm Cống - một công trình quan trọng với đồng bằng sông Cửu Long vừa khánh thành đã bị mất đi ý nghĩa nhân văn", ông Hiếu nói và nhấn mạnh việc khởi công đường tránh TP Long Xuyên cũng như sớm có giải pháp tháo gỡ công bằng cho người dân khi đi qua trạm thu phí BOT T2 là mong mỏi lớn nhất của cử tri An Giang lúc này.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu: 'Bộ Công Thương cần xem lại việc tăng giá điện' - 2
Vị trí trạm BOT T2 bị các tài xế phản ứng. Ảnh: Thanh Huyền.

Là một trong hai trạm thu phí thuộc Dự án cải tạo nâng cấp mở rộng quốc lộ 91 và 91B, trạm BOT T2 từ khi hoạt động cách đây ba năm đã bị chỉ ra sự bất hợp lý trong vị trí đặt trạm. Nhiều xe chỉ đi vài trăm mét nhưng bị thu phí toàn tuyến, 35.000 - 200.000 đồng. Sự bất cập này lại nóng lên khi cầu Vàm Cống khánh thành mới đây, khi các xe qua cầu đã "đụng" trạm thu phí.

Lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải An Giang, Đồng Tháp đã đưa ra nhiều giải pháp để tháo gỡ như: Di dời trạm thu phí về vị trí khác; phát thẻ thu phí với mức phí khoảng 2.000 đồng mỗi lượt cho những xe chỉ đi từ 300 m trên quốc lộ 91...

Phiên làm việc về kinh tế - xã hội ghi nhận còn 68 đại biểu đăng ký chờ phát biểu. Chiều nay, Quốc hội tiếp tục thảo luận và Phó thủ tướng Vương Đình Huệ sẽ đăng đàn, trao đổi về kiểm soát giá tiêu dùng, giá điện.

Theo Anh Minh - Võ Hải - Hoàng Thuỳ (VnExpress.net)