Kinh tế

Cuối năm, hàng giảm giá tràn lan: Liệu có đúng giá trị thực?

Càng về cuối năm, các hãng thời trang trên thị trường bắt đầu tung ra nhiều sản phẩm giảm giá. Nhiều cửa hàng treo biển giảm giá sâu 70 -80%. Thế nhưng, nhiều người đặt câu hỏi, liệu sản phẩm thời trang giảm giá sâu như vậy có thực là hàng “xịn” và có tăng cao rồi lại giảm giá?

Cuối năm, hàng giảm giá tràn lan: Liệu có đúng giá trị thực?
Nhiều hãng thời trang giảm giá khủng dịp cuối năm. Ảnh: TL.

Dạo một vòng khu vực Nguyễn Phong Sắc, Cầu Giấy (Hà Nội) có thể thấy la liệt các nhãn hàng thời trang từ bình dân đến cao cấp đang đua nhau đưa ra các chương trình giảm giá kích cầu tiêu dùng. Những tấm biển: Xả hàng tồn kho, thanh lý chịu thua lỗ, hay giảm sốc… căng đỏ rực khắp các con phố khu vực Cầu Giấy.

Chị Nguyễn Thanh Mai, chủ một shop quần áo trên đường Cầu Giấy cho biết, cứ dịp cuối năm là cửa hàng lại tung ra đợt giảm giá sâu. Một năm có hai đợt giảm giá với nhiều mặt hàng giảm sâu đến 70%. Khách hàng rất hào hứng và số lượng bán ra gấp đôi, thậm chí gấp 3, 4 lần dịp bán trong năm.

Chia sẻ với PV, Trần Thu Phương, sinh viên Đại học Thương Mại (Hà Nội) cho biết, cả năm  không đi mua sắm quần áo mà thường chờ đến dịp cuối năm các cửa hàng giảm giá sâu mới bắt đầu đi săn hàng “sale off”. “Thời điểm này, kể cả các hãng thời trang cao cấp cũng tung ra các sản phẩm giảm giá “sốc” nên chịu khó đi “lùng” sẽ kiếm được nhiều món hàng “xịn” mà giá rẻ” – chị Phương cho hay.

Không chỉ Thu Phương, nhiều người tiêu dùng cũng chỉ đợi dịp cuối năm, đặc biệt là vào tháng 11  có ngày Black Friday sẽ đi mua sắm các món hàng thời trang, vì bao giờ cuối năm cũng là dịp các hãng thời trang xả hàng.

Dạo một vòng trong các trung tâm thương mại như Vincom, Royal City, người tiêu dùng cũng choáng ngợp bởi các biển hiệu đề “giảm giá sốc”, “giảm giá khủng”. Nhiều thương hiệu thời trang nổi tiếng như Nem, Format, Elise… cũng đồng loạt đưa ra chương trình giảm giá hấp dẫn. Đơn cử, thương hiệu Nem đang áp dụng chương trình giảm giá sâu đến 70% giá trị sản phẩm. Các sản phẩm này bình thường được niêm yết giá lên đến 2 triệu đồng/sản phẩm. Song khi giảm giá tới 70% thì giá chỉ còn vài trăm ngàn đồng.

Có lẽ, nắm bắt được tâm lý thích mua hàng giảm giá của người tiêu dùng, các hãng thời trang đã liên tục tung ra các chiêu kích – cầu và thực sự chiến lược bán hàng này đã mang lại hiệu quả rõ nét. Doanh thu tăng và bản thân người tiêu dùng cũng mua được những sản phẩm ưng ý với giá phải chăng.

Tuy nhiên, không phải bất cứ cửa hàng thời trang nào cũng bán hàng chuẩn và giá giảm là giảm thật. Không ít thương nhân lợi dụng tâm lý ham rẻ của người tiêu dùng đã trà trộn các sản phẩm rẻ tiền vào hòng kiếm lợi nhuận cao. Bởi vậy, đối với những sản phẩm giảm giá sốc, liệu có đảm bảo về chất lượng và là hàng chuẩn các hãng thời trang hay không, hầu như không người tiêu dùng nào có thể trả lời được.

Theo tiết lộ của một chủ cửa hàng thời trang trên phố Chùa Bộc (Hà Nội), hầu hết các sản phẩm thời trang trong cửa hàng đều được “đánh” về từ Trung Quốc. Lấy hàng tận gốc nhưng giá bán tận ngọn nên lãi lên gấp 3 -5 lần. Đơn cử một chiếc áo sơ mi nữ giá gốc lấy tại Trung Quốc là 60.000 đồng, nhưng giá niêm yết tại cửa hàng được đẩy lên 300.000 đồng. Chính bởi vậy, cuối năm khi xả hàng, việc giảm giá sâu 50% -70% thì mỗi sản phẩm vẫn đang lãi gấp đôi.

Chính bởi vậy, giới chuyên gia khuyến cáo, người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ lựa chọn cửa hàng, đơn vị kinh doanh uy tín trước khi mua hàng. Bởi có những hãng thời trang cửa hàng giảm giá thật, song cũng có nhiều cửa hàng lợi dụng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng đã trà trộn hàng chất lượng kém vào hàng thương hiệu, hoặc nâng giá lên cao ngất ngưởng rồi hạ giá xuống bằng đúng giá trị thực nhưng lại được tiếng là “giảm sốc”.

Theo Duy Chung (Đại Đoàn Kết)




http://daidoanket.vn/thi-truong/cuoi-nam-hang-giam-gia-tran-lan-lieu-co-dung-gia-tri-thuc-tintuc451724