Kinh tế

Cuộc gọi rác bất động sản đang quay trở lại 'tấn công' người dùng

Trước thời điểm ngày 1.10 khoảng từ 1-2 tuần, tình trạng cuộc gọi rác, thư rác rao bán hay các dịch vụ về bất động sản lại được nhen nhóm và bắt đầu quay trở lại tấn công người dùng tại TPHCM.

Trước thời điểm ngày 1.10 khoảng từ 1-2 tuần, tình trạng cuộc gọi rác, thư rác rao bán hay các dịch vụ về bất động sản lại được nhen nhóm và bắt đầu quay trở lại tấn công người dùng tại TPHCM.

Cuộc gọi rác bất động sản đang quay trở lại 'tấn công' người dùng
Tin nhắn rác rao bán bất động sản qua nền tảng OTT dễ xử lý chặn. Tuy nhiên với các tin nhắn SMS thì gây phiền nhiễu nhiều hơn. Ảnh: Thế Lâm.

Telesale bất động sản quay trở lại

Từ ngày 16.9 đến nay, mỗi ngày anh Hùng (Quận 4, TPHCM) đều đặn nhận được từ 2-4 cuộc gọi rao bán nhà đất, mời mua căn hộ, bất động sản nghỉ dưỡng. Tập trung nhiều nhất chính là các cuộc gọi được xưng là nhân viên kinh doanh của Novaland rao bán 2 dự án là Aqua City (Đồng Nai) và Nova World (Phan Thiết).

Một dạo cũng rộ lên các cuộc gọi telesale (cuộc gọi bán hàng) tự xưng là nhân viên công ty địa ốc Hưng Thịnh mời mua căn hộ. Tuy nhiên, trong khoảng nửa tháng trở lại đây, cái tên thứ hai “soán ngôi” Hưng Thịnh về số lượng cuộc gọi rác telesale gây phiền nhiễu đối với người dùng điện thoại, được xưng là nhân viên của công ty địa ốc Danh Khôi.

Một số cuộc gọi đến tự xưng là nhân viên kinh doanh của Danh Khôi khi người dùng điện thoại phản ứng vì cho rằng bị làm phiền, còn tỏ thái độ bất lịch sự, thậm chí buông lời mỉa “làm gì mà dữ vậy”, “lịch sự tí đi”.

Anh Thanh (Quận 3, TPHCM) bày tỏ sự bực bội: “Họ cứ tự xưng là nhân viên Novaland gọi đến, làm tôi muốn điên cái đầu”. Số điện thoại của anh Thanh dường như bị quay vòng với các cuộc gọi đến hết công ty bất động sản này lại đến công ty địa ốc khác.

Một mảng cuộc gọi rác và tin nhắn rác nữa cũng đang trỗi dậy trong thời gian gần đây thuộc về lĩnh vực tài chính.

Theo anh An (quận Bình Tân, TPHCM): “Ngày nào tôi cũng nhận được vài cuộc gọi từ bất động sản đến tài chính, đầu tư quốc tế”. Chị Anh (Quận 2) thì tự trào rằng: “Chắc thấy mình nghèo trong mùa dịch nên mấy bạn ngân hàng cứ gọi điện hỏi mình có vay không”.

Cuộc gọi rác sẽ bùng phát trở lại?

Thực tế cho thấy, tương ứng với khoảng thời gian bùng phát đợt dịch thứ tư trong cộng đồng và giãn cách ở các mức độ khác nhau, các lĩnh vực như bất động sản và dịch vụ khác dường như đóng băng hay ngưng trệ, theo đó số lượng cuộc gọi telesale cũng lắng xuống.

Cuộc gọi rác bất động sản đang quay trở lại 'tấn công' người dùng - 1
Cuộc gọi rác telesale về bất động sản bắt đầu quay trở lại trong những ngày qua. Ảnh: Thế Lâm.

Tuy nhiên, theo anh Hùng, ngay từ thời điểm gần sát ngày 15.9, các cuộc gọi rác rao bán, mời mua bất động sản đã rục rịch quay trở lại. Và những cuộc gọi đó chẳng những không hiệu quả mà còn phản cảm.

“Người ta đang tránh dịch, ai cũng ở nhà và lo chạy thực phẩm cho cái ăn, thu nhập giảm sút thì lấy gì mà đầu tư bất động sản”, anh Hùng cho biết.

Thế nhưng quý 4 trước mắt đang được dự báo sẽ là quý hồi phục của nền kinh tế khi TPHCM và khu vực Đông Nam bộ từng bước khôi phục sản xuất, thương mại và dịch vụ trở lại. Trong đó, ngành bất động sản đang đặt mục tiêu quý 4 chính là thời điểm bán hàng sôi động nhất bù cho những quý trước đó thị trường này bị ảnh hưởng nặng do dịch.  

Và hệ lụy từ sự sôi động trên có thể cũng kéo theo lượng cuộc gọi rác, tin nhắn rác, thư rác về bất động sản tăng lên không chỉ ở các kênh cuộc gọi, tin nhắn, email truyền thống mà đã lan ra nhiều nền tảng khác như tin nhắn OTT, mạng xã hội.

Trước tình trạng đó, người dùng dường như chẳng trông chờ được gì mấy từ các biện pháp ngăn chặn cuộc gọi rác và tin nhắn rác từ các nhà mạng.

Theo Thế Lâm (Lao Động)




https://laodong.vn/kinh-te/cuoc-goi-rac-bat-dong-san-dang-quay-tro-lai-tan-cong-nguoi-dung-959247.ldo