Kinh tế

CREA: Việt Nam có thể thiệt hại 270 triệu USD/năm nếu phát triển nhiệt điện than theo Quy hoạch điện VIII

Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch (CREA) cho biết, mục tiêu phát triển nhiệt điện than theo Quy hoạch điện VIII của Việt Nam có thể gây thiệt hại 270 triệu USD mỗi năm về chi phí y tế cùng tổn thất về năng suất.

CREA: Việt Nam có thể thiệt hại 270 triệu USD/năm nếu phát triển nhiệt điện than theo Quy hoạch điện VIII

Vừa qua, Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch (CREA) có trụ sở tại Helsinki, Phần Lan, đã công bố báo cáo liên quan đến thiệt hại tiềm ẩn của nhiệt điện than đối với sức khỏe, năng suất kinh tế và tuổi thọ của con người.

Theo đó, bà Isabella Suarez, đồng tác giả của báo cáo "Chất lượng không khí, sức khỏe và các tác động độc hại của nhiệt điện than theo dự kiến trong Quy hoạch điện VIII của Việt Nam" cho hay, Quy hoạch điện VIII đã hứa hẹn về quá trình chuyển đổi năng lượng dựa trên năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, việc bổ sung 30GW điện than sẽ có thể cản trở những kế hoạch này, đặc biệt khi thế giới đang "quay lưng" lại với than đá.

Bà Isabella nhận định: "Một nửa trong số các nhà máy dự kiến xây dựng đã hoãn đến sau năm 2030. Trong bối cảnh nguồn tài trợ trên toàn cầu ngày càng rủi ro, nhận thức về điện than ngày càng tăng, câu hỏi đặt ra là: Có nên xây dựng những dự án này hay không, đặc biệt khi Việt Nam đã có một lượng lớn các nhà máy điện than đang hoạt động".

"Những chi phí ngoại biên thường bị loại khỏi bảng cân đối kế toán. Do vậy, Việt Nam cần cân nhắc khi đưa ra một kế hoạch năng lượng tổng thể và hướng về phía trước", bà nói thêm.

Ô nhiễm không khí là một vấn đề ngày càng nghiêm trọng tại Việt Nam, nhất là vào năm 2020, nồng độ bụi mịn PM2.5 đã cao gấp 2 lần ngưỡng khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới. Theo nghiên cứu của CREA, phát thải từ các nhà máy nhiệt điện than có thể làm trầm trọng thêm tình trạng ô nhiễm không khí trên cả nước, thậm chí ngay ở những khu vực cách xa các nhà máy dự kiến được xây dựng.

Hà Nội và TP. HCM là những địa phương bị tác động lớn nhất, do khu vực này có mật độ dân số cao, dễ bị phơi nhiễm đối vơi sô nhiễm tích lũy từ các nhà máy lân cận.

Đáng chú ý, 24 dự án theo dự kiến được đề cập trong báo cáo sẽ thải khoảng 6 tấn thủy ngân vào không khí mỗi năm. Khoảng 32% trong số đó sẽ thẩm thấu vào các hệ sinh thái đất và nước sạch, khiến khoảng 14 triệu người có nguy cơ bị phơi nhiễm đối với thủy ngân độc hại.

Tác giả báo cáo khẳng định: "Vấn đề không chỉ ở có nhiều nguồn ô nhiễm từ than đối với những dự án bổ sung này. Những chính sách hiện tại không đủ để giảm thiểu phát thải từ số lượng nhà máy điện than ngày càng nhiều như vậy. Báo cáo của chúng tôi cho thấy phát thải sẽ được giữ dưới tiêu chuẩn cho phép của Việt Nam, song chúng vẫn sẽ thải ra các chất gây ô nhiễm ở mức độ nguy hiểm".

"Với tình trạng ô nhiễm ngày càng tăng từ cả điện than và các nguồn khác trên cả nước, thì việc các nhà máy sử dụng công nghệ quá siêu tới hạn hoặc hiện đại hơn nữa vẫn chưa đủ. Trong ngắn hạn và trung hạn, điều quan trọng cần làm là thiết lập các tiêu chuẩn phát thải quốc gia mạnh mẽ hơn phù hợp với các công nghệ sẵn có tốt nhất trên toàn cầu", báo cáo nêu rõ.

Báo cáo ước tính, chi phí kinh tế tích lũy (bao gồm chăm sóc sức khỏe, tổn thất năng suất, phúc lợi và các chi phí khác) do các nhà máy gây ra trong 30 năm là khoảng 13 tỷ USD (302 nghìn tỷ đồng).

Đều là dịch vụ thanh toán, vì sao MoMo, Zalo Pay, Moca... lại không được phép cung cấp dịch vụ Mobile Money?

Theo Anh Vũ (Doanh nghiệp và Tiếp thị)




https://doanhnghieptiepthi.vn/crea-viet-nam-co-the-thiet-hai-270-trieu-usd-nam-neu-phat-trien-nhiet-dien-than-theo-quy-hoach-dien-viii-161212503112301731.htm