Kinh tế

Công ty chồng Thu Minh lại tiếp tục bị đòi nợ

Giữ im lặng sau cuộc thương lượng trả nợ bất thành từ tháng 9/2016, đến nay công nhân của Công ty Gia Hân lại tiếp tục giăng biểu ngữ đòi tiền tại trụ sở Global Home Việt Nam.

Giữ im lặng sau cuộc thương lượng trả nợ bất thành từ tháng 9/2016, đến nay công nhân của Công ty Gia Hân lại tiếp tục giăng biểu ngữ đòi tiền tại trụ sở Global Home Việt Nam.

Sáng 21/12, công nhân của Công ty gỗ Gia Hân lại kéo đến trụ sở của Global Home Việt Nam (quận 4, TP.HCM) giăng biểu ngữ, yêu cầu đích danh ông Otto De Jeger thanh toán số tiền còn nợ trong hợp đồng mua hàng trước đó với công ty này.

Cong ty chong Thu Minh lai tiep tuc bi doi no hinh anh 1
Công nhân Công ty Gia Hân giăng biểu ngữ đòi tiền ông Otto tại trụ sở Global Home. 

Ông Nguyễn Hữu Ngọc, Giám đốc Công ty Gia Hân cho biết: “Sau khi thương lượng về phương án trả nợ bất thành, đến nay phía Global Home vẫn chưa hề tiếp xúc với chúng tôi để tìm hướng giải quyết tiếp theo.

Hiện tại Gia Hân vẫn chưa nhận được bất cứ một khoản tiền trả nào từ phía Global Home. Chúng tôi tìm mọi cách để liên lạc cũng không được, nhưng sẽ làm mọi cách để vấn đề được giải quyết rõ ràng dựa trên cơ sở pháp lý.”

Trả lời PV về vấn đề này, Trưởng đại diện của Global Home tại Việt Nam cho biết hiện việc giải quyết các vấn đề về tài chính đối với Công ty Gia Hân cần phải xin ý kiến của Tập đoàn ở Cộng hòa Czech mới đưa ra phản hồi tiếp theo.

"Ông Otto vẫn đang ở Việt Nam, còn việc ông có điều hành Global Home nữa hay không chúng tôi xin phép không thể tiết lộ”, vị này nói.

Trước đó, vào ngày 8/9, đại diện Global Home tại Việt Nam cho biết họ đã làm việc xong với phía Vinafor Đà Nẵng về khoản nợ 240.000 USD (hơn 5 tỷ đồng). Sau khi bàn bạc và thỏa thuận, hai bên đã đi tới quyết định cuối cùng là Global Home chấp nhận thanh toán cho Vinafor Đà Nẵng một nửa số tiền nợ và tiếp tục cùng nhau hợp tác.

Về phía Công ty TNHH Gia Hân, số tiền Global Home đang nợ gồm 493.000 USD (hơn 11 tỷ đồng) và hàng tồn kho các sản phẩm mà công ty sản xuất cho Global Home tương ứng 280.000 USD (hơn 6 tỷ đồng). Theo đó, công ty chấp nhận thanh toán 300.000 USD và tiếp tục nhận hàng trong kho của Gia Hân.

Thời điểm đó, ông Nguyễn Hữu Ngọc cho biết ban lãnh đạo công ty ông yêu cầu gặp ông Otto De Jager nhưng không được đáp ứng mà chỉ gặp Trưởng đại diện Global Home tại Việt Nam. Phía Global Home mong muốn thanh toán 60% trong tổng số nợ 493.000 USD, thời gian trả nợ trong vòng 4 tháng và được chia làm 4 đợt khác nhau.

Global Home còn đưa ra điều kiện để thanh toán. Cụ thể, công ty này cam kết sẽ chuyển tiền (3 lần) vào tài khoản Gia Hân. Riêng đợt cuối cùng (khoảng 74.000 USD sẽ trả bằng tiền mặt trực tiếp; đồng thời yêu cầu Gia Hân giảm giá 25% đối với số hàng trong kho đã đặt trước đó mới tiếp tục lấy hàng.

Điều kiện này không được phía Gia Hân chấp nhận, vì việc thanh toán không nhất quán về phương thức là không phù hợp với các quy định giao dịch tại Việt Nam (số tiền vượt quá 20 triệu đồng phải chuyển khoản).

Ông Ngọc cũng cho rằng việc công nhân kéo đến trụ sở của Global Home là nằm ngoài sự kiểm soát của ông. Có thể họ là những công nhân lâu năm và làm trực tiếp cho đơn hàng của Global Home nhưng đến nay vẫn chưa đòi được tiền để thanh toán. Thời điểm cuối năm này, công nhân mong muốn lấy lại được tiền nên có thể họ sốt ruột.

Vụ tranh chấp, đòi nợ giữa Công ty Gia Hân cùng một số công ty sản xuất các sản phẩm gỗ với Công ty Global Home do ông Otto De Jager làm đại diện gây xôn xao dư luận xảy ra từ đầu tháng 8.

Phía Gia Hân cho rằng, Global cố tình chây ì, nợ tiền hợp đồng chưa thanh toán hơn 494.000 USD (hơn 11 tỷ đồng). Ngoài ra, Công ty Global còn một lô hàng trong kho của Gia Hân chưa lấy giá trị hơn 281.000 USD (tương đương 6,3 tỷ đồng). 

Ngoài Gia Hân, nhiều công ty sản xuất các sản phẩm về gỗ khác cũng lên tiếng tố Global, bằng nhiều cách khác nhau đã trì hoãn việc trả nợ. Số tiền nợ đọng được cho là lên đến hàng chục tỷ đồng.

Ngày 24/8, ông Otto de Jager bất ngờ đến làm việc với Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (Hawa) xung quanh vụ lùm xùm này, và hứa giải quyết nợ với các doanh nghiệp chế biến đồ gỗ Việt Nam, trong đó có Công ty Gia Hân. 

Theo Bình Nguyên (Zing.vn)