Kinh tế

Cơm gạo lạ nở dài gần 2cm: Giật mình với đặc sản hiếm

Được quảng cáo là loại gạo siêu sạch, hạt gạo thon dài, khi nấu chín hạt cơm sẽ nở dài gần 2cm lại mềm, dẻo và thơm ngon khiến dân Hà thành tò mò mua về ăn thử dù giá của loại gạo này đắt gấp đôi các loại gạo tám bán trên thị trường hiện nay.

Được quảng cáo là loại gạo siêu sạch, hạt gạo thon dài, khi nấu chín hạt cơm sẽ nở dài gần 2cm lại mềm, dẻo và thơm ngon khiến dân Hà thành tò mò mua về ăn thử dù giá của loại gạo này đắt gấp đôi các loại gạo tám bán trên thị trường hiện nay.

Chị Lan cho hay, chị đã mua khá nhiều các loại gạo ở vùng Tây Bắc như: gạo Điện Biên, gạo Séng Cù… thấy gạo nấu lên cơm dẻo và thơm ngon. Song, hầu hết các loại gạo khác mua về nấu cùng lắm hạt cơm chỉ dài 1cm. Thế nên, dân buôn có độn gạo chất lượng kém vào để đánh lừa người mua thì chị cũng chịu, không thể phân biệt được.

Cơm gạo dâu đặc sản khiến nhiều người tò mò ăn thử.

 
"Tuy nhiên, với loại gạo này thì khác, tôi đã nấu thử được 3 bữa, thấy cơm thơm dẻo, ngon ngọt. Đặc biệt. hạt cơm khi nấu chín dài tới 2cm thì đúng là khác lạ, lần đầu tiên tôi được thấy. Không biết đây có đúng là gạo đặc sản của Lai Châu hay là gạo nhập từ Trung Quốc, dân buôn lừa nói gạo đặc sản Lai Châu cho dễ bán", chị Lan băn khoăn.

Tương tự, vì tò mò với loại gạo nấu lên hạt cơm nở dài 2cm này nên chị Phạm Thị Hồng Vân ở Núi Trúc (Ba Đình, Hà Nội) cũng mua về ăn thử.

Chị Vân chia sẻ, "tôi cũng nghe đến các loại gạo đặc sản của vùng Tây Bắc nổi tiếng sạch vì được dân trồng theo phương pháp truyền thống, không phun thuốc sâu, chăm bón bằng phân tro hữu cơ, năm trồng một vụ lúa với những giống lúa kéo dài 5-6 tháng mới được thu hoạch nên đảm bảo không độc hại", chị Vân nói.

Song, theo chị Vân, đa phần các loại gạo Tây Bắc, gạo Việt mà chị biết hạt cơm dài nhất cũng chỉ tầm khoảng 1cm, còn hạt cơm mà dài gần bằng đốt ngón thì chị mới nghe lần đầu.

Hôm đầu tiên nấu ăn thử, thấy hạt cơm dài bất thường mẹ chồng chị giật mình buông vội đôi đũa xuống mâm và bảo chị mua nhầm gạo giả, gạo nhựa mà báo đài vẫn thường nói tới hay sao mà nấu lên hạt cơm lại như này.

"Suốt bữa cơm hôm đó tôi phải giải thích là gạo dâu, gạo đặc sản ở Lai Châu tôi mua về ăn thử xem chất lượng gạo như thế nào. Nhưng thực tình, đến bây giờ tôi vẫn còn thấy lạ vì sao hạt cơm lại dài thế", chị Vân cho hay.

Anh Nguyễn Xuân Hoà, một đầu mối chuyên buôn bán các loại nông sản sạch vùng Tây Bắc ở phố Quốc Tử Giám (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, loại gạo dâu khi nấu chín đúng là hạt cơm dài gấp đôi hạt cơm bình thường thật. Song, anh khẳng định, đây là loại gạo dâu (gạo tẻ dâu) được bà con dân tộc trồng ở một số bản tại tỉnh Lai Châu chứ không phải loại gạo giả hay gạo Trung Quốc.

Anh Hoà cho hay, trên Lai Châu, nhắc tới loại gạo này thì ai cũng biết bởi chất lượng gạo thơm ngon nổi tiếng trong vùng. Tuy nhiên, giống lúa này chưa được trồng phổ biến ở Lai Châu nên số lượng gạo không có nhiều, thường chỉ đủ cho người dân trong vùng sử dụng chứ không có bán ra các tỉnh ngoài.

"Thời gian này các mối buôn ở Hà Nội nhập về bán thử vì thấy chất lượng gạo thơm ngon, sạch nên dân Hà Nội mới thấy lạ". Anh Hoà nói và cho biết, một số khách khi mua gạo còn hỏi anh rằng liệu có phải gạo của Trung Quốc không mà sao hạt cơm siêu dài vậy.

Đại diện sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu cho biết, gạo dâu hạt trắng, dài và to tròn. Cơm gạo dâu thơm, mềm, độ dẻo vừa phải, vị đậm ăn rất ngon và đang được coi là đặc sản của tỉnh Lai Châu,.

Vị đại diện này cũng cho hay, tuy gạo dâu là đặc sản của Lai Châu nhưng chưa thể trở thành hàng hóa. Bởi, tập quán canh tác của người dân vẫn mang tính tự cung tự cấp, tự sản tự tiêu, chưa quen với sản xuất hàng hóa, khi gieo cấy chủ yếu là để gia đình dùng thừa mới đem bán.

Ngoài ra, thời gian từ lúc gieo cấy đến lúc cho thu hoạch kéo dài 5 tháng, trong khi đó năng suất lúa không cao nên sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của người trồng. Đây cũng là lý do khiến lúa dâu chưa thể trở thành hàng hoá mặc dù được người dân ưa chuộng, giá bán cũng khá cao so với các giống lúa gạo khác.

"Hiện gạo dâu chủ yếu vẫn tiêu thụ nội tỉnh. Số lượng gạo bán ra ngoài tỉnh còn rất ít, hầu hết chỉ mang tính chất bán cho những người mua về làm quá biếu", vị đại diện này cho hay.
 
Theo Như Băng (VietNamNet)