Kinh tế

Chuyển kết cấu dầm khiến dự án metro số 1 ở TP.HCM đội vốn 1.420 tỷ

Kiểm toán Nhà nước vừa có báo cáo kết quả kiểm toán về dự án Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, TP.HCM trong đó chỉ ra hàng loạt sai phạm của dự án này.

Đáng chú ý, trong đó có nhiều quyết định không đúng thẩm quyền là nguyên nhân trực tiếp khiến dự án bị sai kết cấu, đội vốn. 

UBND TP.HCM điều chỉnh dự án trái thẩm quyền

Theo Kiểm toán Nhà nước, việc phê duyệt trình tự, thủ tục đầu tư dự án này còn tồn tại rất nhiều hạn chế. Trong đó, việc UBND TP.HCM phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư là chưa đúng giá trị và chưa tuân thủ trình tự thủ tục và chưa đúng thẩm quyền.

Cụ thể, dự án này đã được điều chỉnh tổng mức đầu tư lên tới 47.325 tỷ đồng, con số này lớn hơn mức 35.000 tỷ đồng nên dự án đã trở thành dự án quan trọng quốc gia. Theo quy định, các dự án cấp này phải trình Quốc hội xem xét, quyết định. Bên cạnh đó, thẩm quyền quyết định là của Thủ tướng.

Ngoài ra, UBND TP.HCM đã thực hiện quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án này khi chưa có báo cáo đánh giá hiệu quả đầu tư và chưa rõ về nguồn vốn. Trong đó, thư của JICA chỉ xác nhận việc sẽ tính đến việc bổ sung vốn, chưa xác nhận về cho vay.

Chuyển kết cấu dầm khiến dự án metro số 1 ở TP.HCM đội vốn 1.420 tỷ
Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra hàng loạt sai phạm trong việc phê duyệt và thiết kế dự án Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên.

Việc quyết định phê duyệt tổng mức đầu tư (TMĐT) điều chỉnh cũng không đúng giá trị lập. Kiểm toán Nhà nước chỉ rõ, giá trị TMĐT được lập với hai loại tiền, với mỗi loại tiền lại được tính toán trượt giá khác nhau (tiền đồng là 10,6%/năm, tiền yên là 2,4%/năm).

Trong đó, giá trị phê duyệt 236.626 triệu yên chỉ là giá trị tương đương tại thời điểm lập tháng 10/2009. Trường hợp phê duyệt chi bằng một loại tiền yên thì tất cả trượt giá phải được tính theo tiền yên và giá trị TMĐT điều chỉnh chi là 206.126 triệu yên (giảm 30.500 triệu yên).

Với việc UBND TP.HCM phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện dự án sang năm 2019 thay vì 2017 cũng không tuân thủ trình tự và thẩm quyền. Nguyên nhân do quy định với dự án quan trọng quốc gia khi kéo dài thời gian thực hiện từ 1 năm trở lên phải để Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.

Điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư sai quy định

Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ đích danh Phó trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM là ông Hoàng Như Cương trong việc ký phê duyệt điều chỉnh dự án là trái thẩm quyền.

Cụ thể, ông Hoàng Như Cương, chỉ là cấp Phó trưởng Ban QLĐSĐT nhưng lại điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư và quy mô của dự án quan trọng quốc gia.

Bên cạnh đó, do đây là dự án thuộc công trình quan trọng quốc gia nên việc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM thực hiện thẩm định dự án để phê duyệt cũng không đúng thẩm quyền.

Trong nội dung thẩm định TMĐT cũng không đánh giá, kiểm tra tính đầy đủ, hợp lý của các khoản mục chi phí trong tổng mức đầu tư; chưa xem xét các yếu tổ đảm bảo tính hiệu quả của dự án.

UBND TP.HCM chỉ đạo đơn vị thẩm định sử dụng kết quả thẩm tra TMĐT của đơn vị tư vấn không phù hợp với quy định. Theo quy định thì đơn vị thẩm tra phải do người quyết định đầu tư thuê.

Bộ GTVT cũng đã có đề nghị “chủ đầu tư cân nhắc việc lựa chọn đơn vị tư vấn độc lập, có đủ năng lực để thẩm định lại về quy mô và tổng mức đầu tư của dự án sẽ đảm bảo tính khách quan hơn”. Tuy nhiên, UBND TP.HCM vẫn chỉ đạo đơn vị thẩm định sử dụng kết quả thẩm tra TMĐT của tư vấn CPG&SMRT (do JICA thuê).

Trong tờ trình này, Sở KH&ĐT TP.HCM đã trích dẫn những chỉ đạo của chủ tịch UBND TP.HCM khi đó là ông Lê Hoàng Quân. Theo đó, ông Quân đã giao và cho phép Sở KH&ĐT TP.HCM thẩm định việc tăng TMĐT đối với dự án này.

Chuyển kết cấu dầm khiến dự án đội vốn 1.420 tỷ

Bên sai phạm trong việc phê duyệt, thay đổi dự án, hàng loạt vi phạm trong việc thiết kế cơ sở và quy mô đầu tư cũng bị KTNN chỉ ra.

Chuyển kết cấu dầm khiến dự án metro số 1 ở TP.HCM đội vốn 1.420 tỷ - 1
Thay đổi kết cầu dầm chữ T sang chữ U khiến dự án bị đội vốn thêm 1.420 tỷ đồng.

Đơn vị này nhấn mạnh dự án Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật hệ thống đường sắt đô thị châu Á - Strasya. Tuy nhiên, một số chỉ tiêu lại không tuân thủ đúng chỉ dẫn như sử dụng loại ray UIC 54 thay cho ray 50 kgN; tải trọng trục 16 tấn/trục thay cho 14 tấn/trục…

Đặc biệt, việc điều chỉnh kiểu dáng dầm từ Super T sang dầm chữ U của đoạn tuyến đi trên cao đã làm tăng giá trị công trình bất hợp lý lên 1.420 tỷ đồng. Việc thay đổi này cũng không đảm bảo tính kinh tế và chưa phù hợp với nguyên tắc trong hoạt động xây dựng và các trường hợp chưa được điều chỉnh cụ thể.

Ngoài ra, việc thay đổi kiểu dáng dầm đã làm thay đổi kích thước nhịp từ 33 m xuống 30 m làm phát sinh 54 trụ cầu, thay vì mức 467 trụ như thiết kế ban đầu.

Trong quá trình đệ trình xin điều chỉnh kiểu dáng dầm, Ban QLĐSĐT đã trình UBND TP.HCM với nội dung không đầy đủ và không hợp lý về kỹ thuật như chỉ báo cáo ưu điểm của dầm chữ U mà không báo cáo về chi phí phải tăng lên do thay đổi kết cấu; bỏ qua ý kiến góp ý của Cục Đường sắt Việt Nam.

Theo Quang Thắng (Tri Thức Trực Tuyến)