Kinh tế

Chuyển đổi số quy trình trả lương: Giải pháp hữu ích cho doanh nghiệp và người lao động

Chuyển đổi số quy trình trả lương bằng sáng kiến Ứng lương tức thì và Chi lương linh hoạt hứa hẹn sẽ là giải pháp cứu cánh cho doanh nghiệp và người lao động trong bối cảnh hiện nay.

Chuyển đổi số quy trình trả lương: Giải pháp hữu ích cho doanh nghiệp và người lao động

Hậu Covid-19 và sự suy thoái kinh tế toàn cầu khiến nhiều doanh nghiệp trên toàn cầu và trong nước lâm vào cảnh bế tắc, sản xuất bị ngưng trệ, nhân lực bị cắt giảm và khó khăn về dòng tiền, kéo theo đó người lao động cũng gặp rất nhiều vướng mắc về vấn đề thu nhập, đặc biệt là những người công nhân trong các nhà máy, khu công nghiệp. Do đó, việc các doanh nghiệp có đủ nguồn tiền để trả lương đúng hạn đã khó chứ chưa nói đến việc cho người lao động ứng trước lương để trang trải cuộc sống.

Theo thống kê, thị trường tài chính chính thống hiện mới chỉ chiếm khoảng 25% và chỉ phục vụ được những người dân ở thành phố, những người làm công việc văn phòng. Còn với công nhân, người lao động tự do thì ngân hàng hay các tổ chức tài chính dường như vẫn chưa thể chạm tới. Chính vì thế thị trường underbank vẫn đang là thị trường đầy tiềm năng.

Trên thế giới, với sự ứng dụng mạnh mẽ công nghệ và sự kết hợp với các tổ chức tài chính, mô hình ứng lương linh hoạt Earned Wage Access (EWA) đang phát triển một cách thần tốc, đơn cử như PayActiv, một startup tại Mỹ đã tăng trưởng gấp 4 lần trong đại dịch Covid và đã kêu gọi được 134 triệu USD, hay như DailyPay, một công ty ứng lương của Anh đã kêu gọi được 514 triệu USD trong lần gọi vốn gần nhất. Và các tập đoàn lớn như Walmart cũng đã ứng dụng mô hình ứng lương sớm cho 1,4 triệu nhân viên của mình.

Theo một nghiên cứu vào năm 2018 của Trường Harvard Kennedy, người dùng PayActiv ít nhất 2 lần thì có tỷ lệ nghỉ việc thấp hơn người dùng PayActiv chỉ một lần tới 19%.

Còn theo một số nghiên cứu khác, phần lớn lao động bày tỏ sẵn sàng chuyển sang làm việc tại doanh nghiệp có phúc lợi chi lương linh hoạt để họ có thể ứng lương khi cần. Một số gia đình lao động có thu nhập thấp gặp căng thẳng tài chính trước kỳ lương 1-2 tuần. Lúc này dịch vụ ứng lương tức thì có thể giúp họ tránh đối mặt với nợ xấu, bẫy tín dụng đen.

Tại các nước Đông Nam Á và Việt Nam những năm gần đây, dưới sự đầu tư mạnh mẽ của các ngân hàng, tổ chức tài chính vào việc chuyển đổi số ngành ngân hàng và các công ty công nghệ tài chính cũng đã bắt đầu mọc lên với các dịch vụ dễ tiếp cận hơn thông qua các giải pháp công nghệ, ứng dụng trên điện thoại thông minh. Mặc dù dịch vụ ứng lương tức thì đang còn khá mới mẻ, nhưng theo khảo sát người lao động, họ rất hào hứng khi được nghe và sử dụng dịch vụ này.

Thông qua smartphone, những người dân trước đây rất ngại đến các phòng giao dịch ngân hàng, thì nay đã có thể dễ dàng thực hiện các thao tác chuyển tiền, vay tiền hay ứng lương một cách nhanh trong thông qua các app. Tuy nhiên, do hành lang pháp lý chưa được cụ thể và rõ ràng, nên các hoạt động của các công ty fintech hay tài chính số chưa thực sự bùng nổ và mở rộng.

mBox là một công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech) đã đưa ra sáng kiến ứng dụng công nghệ, liên kết với các ngân hàng để cho phép người lao động có thể ứng lương tức thì bất cứ khi nào họ cần mà không cần phải xin phép hay chờ đợi, chỉ cần người lao động có làm việc tại doanh nghiệp đó và có ngày công được ghi nhận.

Chuyển đổi số quy trình trả lương: Giải pháp hữu ích cho doanh nghiệp và người lao động - 1
Ông Tuấn Nguyễn, Chủ tịch eCAP Holding

Cơ chế hoạt động của mBox cũng rất minh bạch, chỉ cần các doanh nghiệp ký hợp đồng với mBox, để mBox kết nối với hệ thống quản lý chấm công của doanh nghiệp thì người lao động khi tải app mBox về sẽ chỉ cần đăng ký các thông tin xác thực lần đầu mà doanh nghiệp đó đã cung cấp cho mBox, từ các lần sau người lao động chỉ việc mở app và nhập số tiền cần ứng trong hạn mức cho phép (hạn mức tăng dần theo số ngày công làm được) là tiền được ứng sẽ tự động chuyển về tài khoản của người lao động trong vòng 30 giây với phí giao dịch hợp lý.

Cuối tháng, số tiền mà người lao động tạm ứng sẽ được khấu trừ luôn vào lương mà không chịu bất kỳ khoản phí phát sinh hay lãi nào khác. Giải pháp này giúp cho doanh nghiệp vừa không tốn thêm chi phí nhân lực giải quyết các yêu cầu tạm ứng, vừa không phải chuẩn bị dòng tiền cho việc tạm ứng, đồng thời cũng giúp người lao động có thể có được tiền ngay mỗi khi cần dùng, không bị vướng vào tín dụng đen với lãi suất cao ngất ngưỡng, giúp họ yên tâm lao động và gắn bó với doanh nghiệp hơn.

Trong bối cảnh các doanh nghiệp đang khó khăn về mặt tài chính, đời sống người lao động bị ảnh hưởng thì giải pháp ứng lương tức thì như mBox hứa hẹn tạo nên một cuộc cách mạng trong việc chi lương cho người lao động, khiến doanh nghiệp có thể chuyển đổi số về mặt thanh toán và tạm ứng tiền lương, tạo nên chế độ phúc lợi chưa từng có cho người lao động, giúp cho việc tuyển dụng và giữ chân người lao động được hiệu quả, nâng cao hiệu suất làm việc.

Việt Nam có triển vọng và đứng trước thời cơ phát triển trở thành trung tâm sản xuất lớn của khu vực và thế giới, khi dòng vốn và chuỗi cung ứng toàn cầu trong lĩnh vực sản xuất đang chuyển về nước ta. Khi thị trường lao động phát triển thì những tiêu chuẩn về phúc lợi cũng sẽ được nâng lên. Chính vì vậy tiềm năng phát triển của các công ty fintech như mBox là rất nhiều, nhưng cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn từ chính phủ và các cơ quan chức năng để ban hành những quy định, quy chế và luật rõ ràng để có thể yên tâm đầu tư phát triển thêm những dịch vụ tiện ích cho người dân và hoạt động bền vững hơn.

Theo Tuấn Nguyễn – Chủ tịch eCAP Holding (Đầu tư Tài chính)




https://vietnamfinance.vn/chuyen-doi-so-quy-trinh-tra-luong-giai-phap-huu-ich-cho-doanh-nghiep-va-nguoi-lao-dong-20180504224283538.htm