Kinh tế

Chứng khoán: Có khôn ngoan khi cứ lao vào cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ?

Từ tháng 8 tới nay, sóng trên thị trường chứng khoán chủ yếu luân chuyển giữa các nhóm ngành của nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa (VNMidcaps) và nhỏ (VNSmallcaps). Chính vì thế, ngay trước dịp nghỉ lễ 2.9 vừa qua, không ít khuyến nghị nhà đầu tư tiếp tục lao vào sóng 2 nhóm cổ phiếu này.

Từ tháng 8 tới nay, sóng trên thị trường chứng khoán chủ yếu luân chuyển giữa các nhóm ngành của nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa (VNMidcaps) và nhỏ (VNSmallcaps). Chính vì thế, ngay trước dịp nghỉ lễ 2.9 vừa qua, không ít khuyến nghị nhà đầu tư tiếp tục lao vào sóng 2 nhóm cổ phiếu này.

Cảnh báo đầu tiên

Và trên thực tế, sau những khuyến nghị được đưa ra vào cuối tháng 8, bước vào các phiên giao dịch đầu tháng 9 sau dịp nghỉ lễ, thị trường vẫn tiếp tục sôi trào với sóng cổ phiếu 2 nhóm vốn hóa vừa và nhỏ.

Tuy nhiên, những dấu hiệu đầu tiên cảnh báo khả năng đảo chiều bất cứ lúc nào và những nhà đầu tư vào sóng muộn hoàn toàn có thể gặp bất lợi khi lượng cổ phiếu T+3 không về kịp, hàng sẽ bị “kẹp” lại.

Cụ thể, sau một chuỗi dài những phiên tăng điểm, vào 2 phiên ngày 7 và 8.9, nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ bị chốt lời mạnh, tác động đến chỉ số VN-Index, bị giảm lần lượt 0,33% và 0,62%.

Tiếp đó trong 2 phiên ngày 9 và 10.9, thị trường tăng trở lại khi VN-Index kiếm được lần lượt 0,78% và 0,1% điểm số, nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ hồi phục mạnh nhưng nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa cho thấy sự đuối sức. Đơn cử phiên kết tuần ngày 10.9, trong khi chỉ số VNSML-Index tăng gần 17 điểm tương ứng hơn 1%, nhưng chỉ số VNMID-Index lại giảm 1,25 điểm.

Chứng khoán: Có khôn ngoan khi cứ lao vào cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ?
Thị trường chứng khoán vẫn đang giằng co chưa rõ xu hướng trong tuần giao dịch đầu tháng 9. Ảnh minh họa: Thế Lâm.

Sự ngược chiều giữa 2 nhóm cổ phiếu này cho thấy rủi ro đã xuất hiện đối với những nhà đầu tư đặt cược vào nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa nói chung. Tuy nhiên, cũng có những lo ngại rằng sự suy yếu của sóng cổ phiếu từ nhóm VNMidcaps sẽ lan dần sang nhóm VNSmallcaps trong những ngày tới.

Theo nhận định mới nhất từ Công ty chứng khoán Rồng Việt, nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ đã tăng mạnh trong tháng 8 và dư địa tăng giá không còn nhiều.

Nên đặt cược vào đâu?

Sóng vẫn còn, đặc biệt là ở nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ. Tuy nhiên, việc đặt cược đầu tư ngắn hạn hay “lướt sóng” lại là bài toán cần thận trọng. Đặt biệt mới đây, Công ty chứng khoán SSI đưa ra nhận định rằng, xu hướng ngắn hạn trên thị trường chứng khoán chưa được xác định rõ.

Như vậy đồng nghĩa, sự giằng co đang diễn ra giữa lực kéo lên tăng điểm và lực bán chốt lời khiến thị trường giảm điểm, sự đảo chiều có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Thêm nữa theo Công ty chứng khoán KB Việt Nam, nhà đầu tư cần lưu ý về các phiên tăng điểm mạnh trong diễn biến giằng co của thị trường có thể là bẫy tăng giá (bull trap) để các nhà đầu tư “cá mập” thoát hàng. Khi đó, đối tượng mắc bẫy thường là những nhà đầu tư nhỏ lẻ non kinh nghiệm và yếu vốn.

Một khuyến nghị đến từ Công ty chứng khoán MB, nhà đầu tư nên chuyển dịch một phần dòng tiền sang nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn (VN30) nhằm đón đầu khi thị trường chính thức vào xu hướng hồi phục về đỉnh cũ, sẽ cần đến lực kéo từ nhóm này và các cổ phiếu trụ.

Trong tuần giao dịch vừa qua (6-10.9), những phiên tăng điểm cho thấy lác đác sóng vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Khi thì cổ phiếu chứng khoán tăng khá; lúc thì nhóm cổ phiếu thực phẩm, dầu khí tăng mạnh; các cổ phiếu công nghệ, bất động sản, thậm chí nhóm ngân hàng cũng hơi gợn nhẹ. Nhưng nhìn chung, mức độ gợn sóng chưa tạo đủ xung lực đưa thị trường vào xu hướng tăng điểm.

Khi hệ số P/E của VN-Index đang ở mức khoảng 16.0x, thị giá cổ phiếu trên thị trường đang được cho là hấp dẫn, trong đó giá cổ phiếu ngân hàng đã giảm từ 20-30%, nhóm cổ phiếu chứng khoán và nhiều cổ phiếu trụ cũng giảm khá so với mức đỉnh. Một nhịp tăng mới diễn ra được dự báo có thể từ cuối tháng 9 không thể thiếu những nhóm ngành này.     

Theo Thế Lâm (Lao Động)




https://laodong.vn/kinh-te/chung-khoan-co-khon-ngoan-khi-cu-lao-vao-co-phieu-von-hoa-vua-va-nho-952436.ldo