Kinh tế

Chủ tịch Hội tư vấn Thuế Việt Nam: VAT nằm trong tổng thể các sắc thuế, so sánh giữa các nước với nhau là khập khiễng

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn Thuế Việt Nam nhận xét, với các nước đang phát triển như Việt Nam cơ cấu thuế gián thu (như VAT) bao giờ cũng chiếm tỷ trọng cao hơn thuế trực thu, tại một số nước khác thì ngược lại nên nếu so sánh mức thuế VAT mà tách riêng, không để trong tổng thể các sắc thuế sẽ là khập khiễng.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn Thuế Việt Nam nhận xét, với các nước đang phát triển như Việt Nam cơ cấu thuế gián thu (như VAT) bao giờ cũng chiếm tỷ trọng cao hơn thuế trực thu, tại một số nước khác thì ngược lại nên nếu so sánh mức thuế VAT mà tách riêng, không để trong tổng thể các sắc thuế sẽ là khập khiễng.

Chủ tịch Hội tư vấn Thuế Việt Nam: VAT nằm trong tổng thể các sắc thuế, so sánh giữa các nước với nhau là khập khiễng

Thuế giá trị gia tăng (GTGT) hay còn gọi là VAT là loại thuế gián thu, tính trên giá trị tăng thêm của hàng hoá, dịch vụ phát sinh từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng. Người tiêu dùng là đối tượng cuối cùng chịu thuế. Do đó, với đề xuất tăng VAT kể từ 1/1/2019, đã khiến đại bộ phận người dân lo lắng.

Thuế GTGT hiện có 4 mức thuế suất là 0%, 5%, 10% và không chịu thuế. Thông báo ngày 15/8 tại họp báo chuyên đề Bộ Tài chính cho biết Bộ đang lên phương án điều chỉnh VAT.

Theo đó, từ năm 2019, phân bón, máy móc chuyên dùng cho nông nghiệp, tàu đánh bắt xa bờ đang từ diện không chịu thuế sang chịu thuế 5%. Đối với 14 nhóm hàng hoá dịch vụ đang chịu thuế suất 5% thì một số sẽ tăng lên 10%, số còn lại sẽ tăng lên 6%. Còn toàn bộ hàng hoá dịch vụ có thuế suất phổ thông từ 10% sẽ tăng lên 12%.

Đề xuất tăng VAT được Bộ Tài chính viện dẫn đấy là do xu hướng của thế giới đều tăng thuế này để bù cho thuế nhập khẩu giảm đáng kể khi các nước tham gia vào hiệp định thương mại tự do. Đồng thời, tăng VAT nhằm giảm thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và thu nhập doanh nghiệp (TNDN).

Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) nói với báo chí rằng thuế nhập khẩu của Việt Nam đang giảm và sẽ giảm rất nhanh. Ví dụ như ngay đầu năm 2018, đối với thuế nhập khẩu trong ASEAN thì có đến 98% dòng thuế về 0%. Bên cạnh đó, để hỗ trợ tạo điều kiện cho doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh thì thuế TNDN cũng đang trên đà giảm, do đó cần có khoản bù đắp vào.

“Qua tổng kết đánh giá, không phải chỉ Việt Nam mà các nước trên thế giới hiện nay xu thế chung đều điều chỉnh chính sách thuế gián thu, trong đó có thuế GTGT để đảm bảo cho ngân sách nhà nước”, ông nói.

Nói về tình trạng ngân sách nhà nước, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính (Học viện Tài chính) cho biết thu ngân sách trong những năm gần đây đã giảm tương đối nhanh từ 22% GDP xuống còn hơn 18%. “Do đó, tăng thuế ở mức nào đó là tình trạng bất khả kháng”, ông Độ nói.

Nhận xét về lý do tăng VAT của Bộ Tài chính, trả lời báo chí, Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn Thuế Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế nói rằng về mặt lý thuyết, cơ sở lý luận của Bộ Tài chính là hoàn toàn hợp lý.

“Vì trong xu thế hội nhập, tất cả thuế nhập khẩu đều giảm xuống, đặc biệt trong khu vực ASEAN. Ví dụ như thuế nhập khẩu ô tô sẽ giảm từ 30% xuống 0%; dầu ăn sẽ không còn thuế nhập khẩu nữa”, bà Cúc giải thích.

Do đó, bà nhấn mạnh “phần thuế nhập khẩu giảm xuống rất sâu, cần phải có cơ cấu khác, điều chỉnh khác để chuyển dịch ngân sách nhà nước. Trong đó, chúng ta lại giảm thuế trực thu, theo thông lệ quốc tế thì các nước đang phát triển cơ cấu thuế gián thu bao giờ cũng chiếm tỷ trọng cao hơn thuế trực thu”.

Bà Cúc cũng cho biết nếu so với các nước đông Âu, EU hay OECD thì mặt bằng thuế VAT của Việt Nam vẫn ở mức thấp vì “họ từ 18 – 22% nhưng ta chỉ 10% là thuế cơ bản”. Còn nếu so sánh trong khu vực thì mức thuế VAT Việt Nam lại ở mức trung bình.

Cụ thể, ở Lào, Campuchia, Indonesia mức thuế đang là 10% như Việt Nam nhưng Philippines là 15% còn Trung Quốc là 17%, trong khi đó, Singapore và Thái Lan lại ở mức 7%.

“So sánh là khó vì mặt bằng khác nhau, VAT là nằm trong tổng thể các sắc thuế chứ không phải là tách các thuế ra so sánh vì như vậy là khập khiễng”, bà Cúc nói. Giải thích thêm về việc khó so sánh mức thuế VAT ở các nước với nhau, bà Cúc cho biết, một số nước có tỷ lệ thu ngân sách từ thuế trực thu cao, một số nước khác - nhất là các nước đang phát triển như Việt Nam, lại có tỷ lệ từ thuế gián thu (như VAT) cao nên các sắc thuế áp dụng sẽ không giống nhau.

Cựu Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết thêm, khi mới áp dụng VAT tại Việt Nam, sắc thuế cao nhất dự kiến là 20% nhưng không thực hiện. Trong khi đó, tỷ lệ thuế thu nhập doanh nghiệp đã giảm dần từ mức 32% trước đây còn 28%, rồi 25%, 20%...

Mức điều chỉnh tăng thuế VAT lần này, theo bà Cúc thì ở một số nhóm hàng là hợp lý. Ví dụ như đường hiện nay là hàng hoá công nghệ phẩm duy nhất áp VAT 5% trong khi các mặt hàng khác như sữa là 10%. Như vậy việc tăng lên là hợp lý.

Đối với vấn đề người dân lo lắng khi tăng VAT ảnh hưởng đến an sinh xã hội, đặc biệt đối với người thu nhập thấp, bà Cúc nhấn mạnh những mặt hàng thuộc sản phẩm chăn nuôi, trồng trọt, thuỷ sản như gạo, thịt, cá... tức nhu yếu phẩm không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT nên không bị tác động.

Bên cạnh đó, đối với những đối tượng chịu thuế, tăng 2% có nghĩa là 100.000 đồng mất đi 2.000 đồng, 1 triệu đồng thì mất 20.000 đồng, như vậy “lấy bình quân thu nhập thấp cũng không ảnh hưởng nhiều”. Riêng với doanh nghiệp, dù rằng tăng 2% nhưng về thuế nhập khẩu một số sản phẩm được lùi lại nên bù qua về thì doanh nghiệp không bị ảnh hưởng.

Nói riêng về thuế, vị cựu Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế nói rằng bên cạnh các chính sách điều chỉnh thuế còn cần phải tăng cường công tác quản lý thuế bởi nếu chỉ chính sách không mà buông lỏng quản lý thì không được. Ngoài ra, một câu chuyện khác cần đặc biệt lưu ý, theo bà Cúc, đó là phải kiểm soát được chi, vì như bà nói “đồng tiền thuế thu được của người dân là mồ hôi nước mắt, nhà nước phải chi có trách nhiệm và hiệu quả”.

Theo N.Dương (Trí Thức Trẻ)