Kinh tế

Chủ đích thực của biệt thự cổ 35 triệu USD là ai?

Biệt thự triệu USD đã có chủ mới với mức phí chuyển nhượng gần 700 tỉ đồng gây xôn xao giới buôn địa ốc, người dân TP.HCM. Danh tính vị đại gia bỏ ra số tiền khủng để sở hữu biệt thự cổ vẫn là ẩn số.

Biệt thự triệu USD đã có chủ mới với mức phí chuyển nhượng gần 700 tỉ đồng gây xôn xao giới buôn địa ốc, người dân TP.HCM. Danh tính vị đại gia bỏ ra số tiền khủng để sở hữu biệt thự cổ vẫn là ẩn số.

Ngôi biệt thự gây sốt cộng đồng mạng, giới buôn địa ốc tọa lạc tại số 110-112 Võ Văn Tần (Q.3, TP.HCM) với ba mặt tiền đường Võ Văn Tần, Bà Huyện Thanh Quan và Nguyễn Thị Diệu. Theo giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất, căn biệt thự này cao 2 tầng, có tuổi đời ngoài 100, được xây dựng trên khu đất rộng 2.819,5m2. Ngôi biệt thự thuộc loại nhà ở cấp 2-3, tường gạch, mái ngói, thời gian sử dụng đất lâu dài.

Toàn cảnh căn biệt thự Phương Nam hơn 100 tuổi (Ảnh: Hà Nguyễn)

Kiến trúc của căn nhà được thiết kế theo phong cách biệt thự Pháp cổ. Các cổng vòm, trụ, cửa 2 lớp đều được chế tác hết sức tỉ mỉ và tinh xảo. Phần mái được lợp bằng ngói đỏ. Trải qua nhiều biến cố lịch sử nhưng hiện trạng căn biệt thự không hề thay đổi. Căn biệt thự được xây dựng bằng vật liệu cao cấp chuyển trực tiếp từ Pháp về Việt Nam được hàng trăm thợ giỏi nghề xây trong vòng 1 năm.
 
 
Hơn 100 năm trước, biệt thự trên được xây dựng bởi một người vô cùng giàu có của Sài Gòn xưa. Tuy nhiên, chỉ ít thời gian sau khi hoàn thiện, căn biệt thự được bán lại cho một đại phú hộ có vị thế ở Sài Gòn. Khi mua lại người này đặt tên là “Biệt thự Phương Nam”, rồi tặng cho người con gái của mình làm của hồi môn. Sau khi lấy chồng, cô gái sinh được 7 người con và tất cả đều sinh sống ở biệt thự Phương Nam. Sau đó, những người con của cô xây dựng gia đình rồi ra nước ngoài định cư. Theo quyền thừa kế, biệt thự này thuộc quyền sở hữu của cả 7 người con.

Các cổng vòm, trụ, cửa 2 lớp của biệt thự đều được chế tác hết sức tỉ mỉ và tinh xảo (Ảnh: Hà Nguyễn)

Trước khi thị trường bất động sản TP.HCM rộ tin đồn ngôi biệt thự đã được bán với giá 700 tỷ đồng cho một vị chủ nhân bí ẩn, biệt thự Phương Nam thuộc sở hữu của cụ Đặng Kim Chi (SN 1938) và Nguyễn Kim Sa Dang (SN 1934). Cụ Nguyễn Kim Sa Dang quốc tịch Mỹ, trong khi đó cụ Đặng Kim Chi sống tại chính căn biệt thự. Năm 2013, lần đầu tiên, thị trường bất động sản TP.HCM rộ tin đồn ngôi biệt thự được rao bán với giá 47 triệu USD. Sau khi tin này loan đi, biệt thự Phương Nam đón rất nhiều đại gia đến hỏi mua. Thậm chí, có người còn chở theo một số tiền mặt rất lớn để đặt cọc.

Biệt thự Phương Nam được xây dựng hoàn toàn bằng vật liệu được nhập từ Pháp (Ảnh: Hà Nguyễn)

Trong số những người này có cả những nhân vật nổi tiếng trong thế giới showbiz như ông hoàng nhạc Việt Đàm Vĩnh Hưng. Tuy nhiên, giá trị căn biệt thự quá lớn nên khá “kén khách”, khiến việc bán mua kéo dài qua nhiều năm. Theo người dân quanh biệt thự, có rất ít người ở trong khu biệt thự rộng hơn 2.800m2 nói trên nhưng chủ nhà vẫn thuê hai người lau dọn, coi sóc việc vệ sinh căn biệt thự. Chi phí tu dưỡng, chăm sóc biệt thự Phương Nam cũng khiến nhiều người phải rùng mình bởi mỗi lần sơn sửa, căn biệt thự tiêu tốn của chủ hơn 2 tỷ đồng.

“Truy tìm” tân chủ nhân bí ẩn

Thông tin biệt thự Phương Nam đã được bán với giá 35 triệu USD không chỉ gây chấn động giới bất động sản TP.HCM mà còn khiến dư luận tò mò. Ngay lập tức, những câu hỏi về vị chủ nhân mới của căn biệt thự liên tục dư luận tìm hiểu, tò mò. Đầu tiên, nhiều người nhận định, biệt thự cổ đã được bán cho một công ty nước ngoài. Tuy nhiên, sau nhiều thời gian tìm hiểu, không một ai có thể đưa ra tên, tuổi, địa chỉ của công ty này. Nhiều người vẫn tin căn biệt thự được bán cho công ty nước ngoài có trụ sở tại TP.HCM. Tuy nhiên, nhiều trang tin khác lại đăng tải thông tin chủ nhân thật sự là một nữ đại gia 8X trong nước.

Sau khi có chủ mới, khu vực xung quanh biệt được thu dọn thoáng đãng (Ảnh: Hà Nguyễn)

Mới đây, dư luận lại xuất hiện thông tin hai cụ Đặng Kim Chi và Nguyễn Kim Sa Dang đồng sở hữu căn biệt thự đã đồng ý nhượng lại biệt thự triệu đô trên cho Công ty CP MINERVA có trụ sở tại TP.HCM do ông Dương Hoàng Danh làm Tổng giám đốc. Được biết, tổng giá trị mua bán, chuyển nhượng toàn bộ quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất, cùng với toàn bộ trang thiết bị nội thất hiện có đi kèm với nhà ở là 700 tỉ đồng.

Thông tin trên một lần nữa gây sốc cho giới bất động sản TP. Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này khẳng định Công ty CP MINERVA không có tiếng trong lĩnh vực bất động sản. Thậm chí, có chuyên gia còn thẳng thắn cho biết chưa từng biết đến Công ty CP MINERVA. Đáng chú ý hơn, khi liên lạc với Công ty CP MINERVA, để xác nhận thông tin trên, chúng tôi được các nhân viên từ chối bình luận, chia sẻ thông tin.

Hàng cau vua cũng được chủ mới chuẩn bị thay đổi (Ảnh: Hà Nguyễn)

Trong khi đó, dư luận lại dấy lên thông tin, Công ty CP MINERVA là một trong những thành viên của tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Thế nên, chủ nhân mới của căn biệt thự triệu đô trên vẫn là ẩn số, tiếp tục gây tò mò cho dư luận trong thời gian tới. Việc ngôi biệt thự cổ, mang nhiều dấu ấn của lịch sử TP.HCM đổi chủ khiến dư luận lo lắng. Nhiều người lo ngại rằng, sau khi đổi chủ, căn biệt thự cổ có thể sẽ bị thay đổi kiến trúc, không còn nguyên hiện trạng cổ kính.

Hàng quán trước và trong khuôn viên căn biệt thự cũng được “lệnh” di dời (Ảnh: Hà Nguyễn)

Tuy nhiên, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM cho biết: “Mục đích mua ngôi biệt thự cổ tại Q.3 theo tôi cũng nhắm đến việc sinh sống là chính, sau đấy có thể sửa sang lại để kinh doanh nhỏ lẻ. Tuy nhiên, đây là ngôi biệt thự nằm trong danh mục cần được bảo tồn về mặt kiến trúc, văn hóa và lịch sử của TP.HCM, chủ nhân chỉ có thể được sở hữu, sửa chữa, nâng cấp thêm để ở, nhất là phần nội thất bên trong. Toàn bộ phần kiến trúc tòa nhà vẫn phải giữ nguyên hiện trạng như ban đầu, chỉ được “trang điểm” lại nhằm tăng tính hấp dẫn, tạo nét độc đáo cho công trình”.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kiến trúc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP HCM nhận định căn biệt thự nằm trong danh mục kiểm kê các biệt thự cổ trên địa bàn TP. Các giao dịch, chuyển nhượng là quyền của chủ sở hữu nhưng nếu thay đổi thiết kế, kết cấu thì phải xin phép và được sự đồng ý của UBND TP.HCM.

Theo Hà Nguyễn-Võ Thái (Nguoiduatin.vn)