Kinh tế

Chơi vụ lớn, tỷ phú bậc nhất Việt Nam nhận nguồn tiền tỷ USD

 Dòng vốn lớn từ các tập đoàn nước ngoài tiếp tục đổ vào các doanh nghiệp Việt và mở ra một hướng phát triển mới trong bối cảnh nền kinh tế có độ mở cao và có dấu hiệu bắt đầu vơi dần những lợi thế sẵn có.

Dồn dập tiền vào ông lớn Việt

Sau nhiều năm im ắng, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV (BIDV) sắp có những thay đổi lớn với sự tham gia của đối tác đến từ Hàn Quốc là KEB Hana Bank.

Theo thông tin từ BIDV, cuối tháng 10/2019 ngân hàng này đã hoàn tất phát hành riêng lẻ hơn 603,3 triệu cổ phiếu cho KEB Hana Bank với giá 33.640 đồng/cổ phiếu, thu về gần 20,3 ngàn tỷ đồng (khoảng 870 triệu USD). Vốn điều lệ của BIDV qua đó tăng từ mức 34,2 ngàn tỷ đồng lên hơn 40,2 ngàn tỷ đồng (sở hữu nhà nước giảm từ 95% xuống còn 80,8%), cao nhất trong hệ thống ngân hàng.

KEB Hana Bank đã trở thành cổ đông lớn của BIDV khi sở hữu 15% cổ phần.

Chơi vụ lớn, tỷ phú bậc nhất Việt Nam nhận nguồn tiền tỷ USD
BIDV bán hơn 603 triệu cổ phần cho Hàn Quốc.

Cũng trong năm 2019, Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã thực hiện thành công thương vụ M&A có giá trị nhất lên tới 1 tỷ USD sau khi bán cổ phần cho tập đoàn năng lượng SK của Hàn Quốc.

Vingroup cũng thu về 400 triệu USD từ phát hành cổ phần ưu đãi (giá gần 111 ngàn đồng/cp) cho Công ty quản lý quỹ Hanwha của Hàn Quốc, một trong 3 công ty quản lý tài sản hàng đầu tại nước này.

Trước đó, trong năm 2018, Vinhomes - đơn vị quản lý mảng bất động sản của Tập đoàn Vingroup của ông Phạm Nhật Vượng cũng đã hút được 1,35 tỷ USD từ các nhà đầu tư ngoại trong phiên chào sàn hôm 17/5.

Một ông lớn khác, Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam - Techcombank (TCB) trong năm 2018 ghi nhận thương vụ bán cổ phần khủng cho các nhà đầu tư nước ngoài, tổng cộng thu về khoảng 920 triệu USD.

Masan Group bán cổ phiếu quỹ trị giá 470 triệu USD cho Tập đoàn SK Group của Hàn Quốc và bán 52 triệu cổ phần trị giá 200 triệu USD cho quỹ GIC của Chính phủ Singapore.

Chỉ trong 2 năm qua, dòng tiền cả chục tỷ USD đã được các nhà đầu tư trong khu vực đổ vào các tập đoàn hàng đầu của Việt Nam, không chỉ Vingroup, Masan, mà còn cả VietJet (VJC) của nữ tỷ phú USD Nguyễn Thị Phương Thảo, PAN Group của ông Nguyễn Duy Hưng, FPT của ông Trương Gia Bình, Vinamilk,...

Riêng Vingroup, trong năm 2018 huy động được 4,2 tỷ USD, còn tính từ 2013 tới nay, tập đoàn của ông Phạm Nhật Vượng đã thực hiện 17 giao dịch huy động vốn từ các tổ chức nước ngoài với tổng số tiền huy động được lên đến 7,6 tỷ USD.

Chơi vụ lớn, tỷ phú bậc nhất Việt Nam nhận nguồn tiền tỷ USD - 1
Dòng vốn ngoại dồn dập vào Việt Nam.

Vốn Hàn, Nhật, Sing tăng tốc vào Việt Nam

Theo DealStreetAsia, thông tin mới nhất cho thấy, Tập đoàn đầu tư Temasek của Chính phủ Singapore dự kiến rót 100 triệu USD vào Scommerce - công ty mẹ của Giao hàng nhanh, AhaMove - sau khi đầu tư 100 triệu USD vào công ty công nghệ VNG (kỳ lân sở hữu ứng dụng Zalo). Các tập đoàn này cũng đang có kế hoạch đổ thêm tiền vào doanh nghiệp Việt.

Có thể thấy, vài năm gần đây, dòng vốn Hàn, Nhật, Singapore,... đang đổ mạnh vào Việt Nam. Nhiều tập đoàn nước ngoài lớn đang đặt cược vào các doanh nghiệp đầu ngành cũng như các kỳ lân tại Việt Nam.

Theo ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc kinh doanh chi nhánh TP.HCM CTCK Vndirect, trong năm 2019, những diễn biến cho thấy các tập đoàn nước ngoài rất thích mua bán sáp nhập (M&A) nhóm tiêu dùng nhanh, bất động sản công nghiệp, văn phòng cho thuê, năng lượng, tiện ích... như Masan, Sabeco, Vingroup và Vinamilk nói trên và xu hướng này đang tiếp diễn.

Một khi dòng vốn ngoại vào, các doanh nghiệp sẽ hoạt động hiệu quả hơn, như trong trường hợp Sabeco chứng kiến lợi nhuận bứt phá, hoạt động hiệu quả hơn nhiều sau khi về tay người Thái.

Theo báo cáo của Baker McKenzie, Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư. Hoạt động M&A sẽ tiếp tục sôi động nhờ những yếu tố tích cực từ chính thị trường Việt Nam và những hiệp định thương mại đa phương hứa hẹn sẽ tác động tới chính sách đầu tư và hợp tác.

Hoạt động rót vốn của các nhà đầu tư ngoại giúp các doanh nghiệp trong nước phát triển bùng nổ.

Chơi vụ lớn, tỷ phú bậc nhất Việt Nam nhận nguồn tiền tỷ USD - 2
Chảy vào tập đoàn lớn và kỳ lân Việt.

Với sự xuất hiện của khối ngoại, chỉ sau 5 năm hiện diện, hệ thống Vinmart, Vinmart+ của Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng được định giá hơn 3 tỷ USD, cao hơn hẳn Thế giới Di động (MWG) của ông Nguyễn Đức Tài.

Cũng chỉ qua vài thương vụ lớn, các doanh nghiệp của tỷ phú Phạm Nhật Vượng có thêm vài tỷ USD và trở nên manh hơn bao giờ hết, xác lập vị thế số 1 vững chắc chưa từng có.

Dòng vốn ngoại vẫn đổ vào dù tập đoàn này gần đây đang dồn vốn mở rộng đầu tư vào nhiều lĩnh vực trọng yếu, cần rất nhiều vốn nhưng chưa dễ có lãi ngay. Mảng bất động sản và hệ thống bán lẻ của Vingroup được đánh giá là hấp dẫn và góp phần quan trọng vào hệ sinh thái kinh doanh số 1 tại Việt Nam.

Trong trường hợp BIDV, theo tờ BusinessReport của Hàn Quốc, dòng vốn của KEB Hana Bank được cho là sẽ BIDV giúp thoát khỏi các rào cản vốn đang kìm hãm sức tăng trưởng của nhà băng này, góp phần cải thiện danh mục tài sản, đồng thời tối đa hóa lợi nhuận bằng cách nhận chuyển giao các kỹ thuật quản lý rủi ro tiên tiến từ ngân hàng ngoại.

Thương vụ này cũng góp phần làm mạnh hơn làn làn sóng đầu tư tài chính của Hàn Quốc tại Việt Nam.

Với Techcombank, khoản tiền gần 1 tỷ USD vốn ngoại hay trước đó là 370 triệu USD từ Warburg Pincus, đưa ngân hàng này lên top đầu về quy mô. Sự dư dả về vốn giúp ngân hàng của ông Hồ Hùng Anh tăng trưởng về nhiều mặt khó ai sánh kịp. Tăng trưởng cho vay của TCB trong 9 tháng đầu năm lên tới trên 28%, cao hơn nhiều so với mức trung bình 9,4% của cả ngành. TCB cũng ghi nhận lợi nhuận vượt trội, lọt top 3.

Theo M. Hà (VietNamNet)




https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/tai-chinh/don-dap-thuong-vu-lon-ty-usd-dai-gia-viet-xu-huong-moi-tich-cuc-584453.html