Kinh tế

Chiến tranh thương mại: Những gì Trung Quốc đang gánh chịu vẫn chưa phải tồi tệ nhất

Theo các nhà phân tích, tác động từ cuộc chiến thương mại dự đoán sẽ đè nặng lên tăng trưởng kinh tế Trung Quốc ít nhất đến giữa năm sau.

Chiến tranh thương mại: Những gì Trung Quốc đang gánh chịu vẫn chưa phải tồi tệ nhất
Dự báo cho thấy triển vọng của kinh tế Trung Quốc vẫn không sáng sủa hơn. Ảnh: SCMP.

Vừa qua, tăng trưởng đầu tư tài sản cố định và sản xuất công nghiệp tăng nhanh trong tháng đầu tiên của quý IV, cho thấy nền kinh tế Trung Quốc có thể chậm lại nhưng sẽ không sụp đổ dưới sức ép của cuộc chiến tranh thương mại.

Nhiều chuyên gia dự đoán, chính phủ sẽ khởi động các biện pháp kích thích trong những tháng tới để giảm nhẹ tác động từ cuộc xung đột thương mại.

Trong tháng 10, tổng tăng trưởng đầu tư đã tăng 5,7% trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 10, cao hơn ước tính 5,5%. Điều này cho thấy, chương trình đầu tư hạ tầng của chính phủ Trung Quốc bắt đầu có tác dụng, bù đắp sự suy giảm trong tăng trưởng đầu tư sản xuất và bất động sản trong tháng 10.

Sản xuất công nghiệp tăng 5,9% vào tháng 10 so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn so với một năm trước, cao hơn mức trung bình 5,8% và 5,8% so với tháng trước.

Sự nới lỏng đáng kể của chiến dịch chống ô nhiễm trong nhiều lĩnh vực sản xuất có thể đã giúp nâng cao số liệu sản xuất của tháng 10, Nomura Global Markets Research cho biết.

Nhưng các chuyên gia cho rằng, sự phục hồi trong đầu tư sẽ không kéo dài.

Chi tiêu hạ tầng sẽ khó duy trì nếu không có chính sách tài khóa nới lỏng rộng hơn. Tuy nhiên, việc phát hành trái phiếu của chính quyền địa phương đã giảm trong những tuần gần đây nhằm đáp ứng giới hạn ngân sách.

Bên cạnh đó, doanh số bán nhà, tiếp tục suy yếu trong tháng trước, cho thấy sự suy giảm sắp tới trong việc xây dựng bất động sản, Julian Evans-Pritchard, kinh tế gia cao cấp tại Capital Economics nói.

Bắc Kinh cũng hy vọng, việc giảm thuế thu nhập cá nhân sẽ giúp tăng cường chi tiêu của người dân và giảm nhẹ tác động của cuộc chiến thương mại lên lĩnh vực xuất khẩu.

Nhưng các thống kê được chính phủ công bố giữa tuần này cho thấy, người tiêu dùng Trung Quốc đang ngày càng trở nên thận trọng trong việc chi tiêu vì lo ngại về tác động từ cuộc chiến thương mại lên triển vọng kinh tế cũng như việc làm và thu nhập của người dân. Đặc biệt, việc mua sắm các mặt hàng đắt tiền đều giảm sút.

Thêm vào đó, chi phí nhà ở, thực phẩm và năng lượng tăng lên cũng khiến người dân Trung Quốc ngày càng kiểm soát việc chi tiêu hàng ngày.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc công bố dữ liệu cho thấy việc cho vay ngân hàng giảm mạnh xuống mức thấp hơn kỳ vọng trong tháng 10. Có lẽ các doanh nghiệp không muốn đầu tư vì sự bất ổn kinh tế do cuộc chiến thương mại với Mỹ gây ra.

"Chúng tôi vẫn đánh giá thấp về triển vọng tiêu dùng do triển vọng thu nhập chậm chạp và thị trường tài chính kém hiệu quả", Nomura Global Markets Research cho biết.

Nomura Global Markets Research đánh giá, viễn cảnh tệ hơn vẫn chưa đến, với sự tăng trưởng chậm hơn vào mùa xuân năm 2019 khi tác động trực tiếp từ cuộc chiến thương mại với Mỹ sẽ bắt đầu ảnh hưởng đến tăng trưởng xuất khẩu.

Kết hợp lại, thống kê tháng 10 đã cho thấy viễn cảnh về nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm dần, thậm chí có thể chậm lại hơn nữa nếu cuộc chiến thương mại leo thang.

Hiện giờ sự tập trung sẽ đổ dồn về cuộc gặp giữa Tổng thống Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Buenos Aires và những tiến triển, nếu có, để tiến tới giải quyết cuộc chiến thương mại.

Theo Minh Khôi (Soha/Thời Đại)