Kinh tế

Chi phí 'lót tay' vẫn làm khó doanh nghiệp

Đó là nhận định được đưa ra tại hội nghị thực hiện Nghị quyết 02 và 35 của Chính phủ từ góc nhìn của doanh nghiệp do VCCI tổ chức sáng 17/12.

Theo ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế, VCCI dẫn kết quả khảo sát trên 10.000 doanh nghiệp cho biết, môi trường kinh doanh được đánh giá chuyển biến tích cực, dù không đồng đều giữa các lĩnh vực. Một số lĩnh vực liên tục có sự chuyển biến tích cực cả về xây dựng chính sách lẫn thực thi, nhưng một số lĩnh vực khác lại chưa có những cải thiện đáng kể trong nhiều năm qua... Nhưng kết quả này của Việt Nam vẫn gấp đôi mức bình quân các nước khu vực châu Á Thái Bình Dương, khoảng 173 giờ.

Hai lĩnh vực nữa ghi điểm với doanh nghiệp là lập doanh nghiệp và tiếp cận điện năng (tỷ lệ doanh nghiệp hài lòng là 74%). Ngược lại, thủ tục phá sản doanh nghiệp, bảo vệ nhà đầu tư và thủ tục xuất nhập khẩu được đánh giá ít chuyển biến.

Trong báo cáo một điểm đáng chú ý chính là chi phí “lót tay” trong thanh tra, kiểm tra thuế giảm, nhưng 30% doanh nghiệp cho biết phải trả khoản này cho cán bộ thanh tra. Cùng với đó, doanh nghiệp vẫn "kêu" rất nhiều về tiếp cận vốn tín dụng và cản trở lớn nhất là điều kiện vay vốn phải có tài sản thế chấp (86% doanh nghiệp). Trong khi đó, gần 40% doanh nghiệp được khảo sát cho biết phải "bồi dưỡng" cán bộ ngân hàng nếu muốn vay được vốn.

Chi phí 'lót tay' vẫn làm khó doanh nghiệp
Nộp thuế là một trong 2 lĩnh vực được đánh giá cải cách mạnh mẽ, khi thời gian làm thủ tục nộp thuế một năm giảm từ 498 giờ còn 384 giờ.

Về tình hình thực hiện Nghị quyết 35 năm 2016 của Chính phủ với nội dung chính là đạt mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp năm 2020, báo cáo của VCCI cho biết tốc độ tăng số lượng doanh nghiệp giai đoạn 2015-2018 là 17,3%. Nếu duy trì tốc độ tăng số doanh nghiệp này thì đến 2020 sẽ có 27/40 tỉnh thành đạt và vượt cam kết, 13/40 tỉnh thành không đạt.

“Như vậy, trong khoảng thời gian còn lại, cần có những biện pháp cải cách mạnh mẽ hơn rất nhiều không chỉ về gia nhập thị trường mà còn cả các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp thì mới có thể đạt được mục tiêu đề ra về số doanh nghiệp tại theo Nghị quyết 35”, báo cáo của VCCI nhấn mạnh.

Nhấn mạnh về tầm quan trọng trong công tác cải cách, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, cho rằng: “Chúng ta hay nói Việt Nam có “rừng vàng biển bạc”, ý muốn nói đến tài nguyên dành cho phát triển kinh tế. Nhưng hiện giờ để có thể tiếp tục phát triển, chúng ta không chỉ cần đến “rừng vàng, biển bạc” mà còn cần cả “thể chế kim cương”. "Thể chế kim cương" có nghĩa là thể chế phải trong sạch, minh bạch như kim cương, và cũng phải ổn định, vững chắc như kim cương”.

Theo Vân Thư (Nguoiduatin.vn)




http://www.nguoitieudung.com.vn/chi-phi-lot-tay-van-lam-kho-doanh-nghiep-d79652.html