Kinh tế

Chỉ đánh thuế 45% tài sản bất minh, tài sản tham nhũng phải tịch thu

Trao đổi với "Góc nhìn chuyên gia" của Dân Việt, TS Đinh Văn Minh, Viện trưởng Viện khoa học Thanh tra, cho biết đề xuất đánh thuế 45% tài sản bất minh là để xử lý tài sản kê khai không trung thực hoặc không kê khai chứ không phải để xử lý tài sản tham nhũng. Nếu đã xác định đó là tài sản tham nhũng thì người bị xử lý hình sự và tài sản bị tịch thu.

Chỉ đánh thuế 45% tài sản bất minh, tài sản tham nhũng phải tịch thu
TS Đinh Văn Minh, Viện trưởng Viện khoa học Thanh tra (ảnh IT).

TS Đinh Văn Minh nói: Hiện nay chúng ta đang tiến hành sửa đổi Luật phòng, chống tham nhũng (PCTN), đây là đạo luật có tính chất cơ bản nhất để đưa ra khung pháp lý giúp tăng cường hiệu quả trong PCTN. Một trong những vấn đề hiện nay đang được xã hội quan tâm là vấn đề xử lý tài sản khi bị phát hiện không kê khai hoặc kê khai không trung thực.

Dự thảo Luật PCTN (sửa đổi) đưa ra đề xuất đánh thuế 45% tài sản không rõ nguồn gốc khiến dư luận có nhiều ý kiến khác nhau, ông thấy sao?

- Ở đây có vấn đề là từ trước tới nay chúng ta mới chỉ xử lý hành vi kê khai không trung thực, người bị phát hiện vi phạm trong vấn đề này có thể bị xử lý kỷ luật hành chính, kỷ luật Đảng với những hình thức khác nhau, thậm chí trong thực tiễn có những người đã bị mất chức. Nhưng đối với phần tài sản kê khai không trung thực đó chúng ta chưa có quy định để xử lý.

Cần phải nói đề xuất này là để xử lý tài sản kê khai không trung thực hoặc không kê khai chứ không phải để xử lý tài sản tham nhũng. Nếu đã xác định đó là tài sản tham nhũng thì người bị xử lý hình sự và tài sản bị tịch thu.

Chỉ đánh thuế 45% tài sản bất minh, tài sản tham nhũng phải tịch thu - 1
Đánh thuế 45% sẽ giúp nhà nước thu lại một phần tài sản mập mờ (ảnh minh họa).

Nói đến xử lý tài sản không kê khai hoặc kê khai không trung thực, có thể do anh nhận thức không đúng nên kê khai không đúng; có thể do che giấu để trốn thuế hoặc tài sản đó không minh bạch. Qua rất nhiều cuộc thảo luận, sau khi cân nhắc, Chính phủ đưa ra phương án đánh thuế với mức 45% đối với tài sản được phát hiện không kê khai hoặc kê khai không trung thực.

Cần phải thấy là vấn đề rất khó khăn, có rất nhiều ý kiến khác nhau, tựu chung thành hai luồng. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, quy định như vậy sẽ động chạm đến quyền sở hữu tài sản của công dân được pháp luật quy định. Còn lại ý kiến thứ hai thì ngược lại khi cho rằng, quy định như vậy chưa triệt để; họ đặt vấn tại sao  anh không kê khai, như vậy là giấu, là có sự bất minh, như thế phải là tịch thu tại sao lại đánh thuế.

Hiện chúng ta phải nhìn trong bối cảnh quản lý của chúng ta chưa tốt, trong điều kiện nguồn thu nhập của cán bộ công chức cũng rất đa dạng, không chỉ là lương nên việc kiểm soát tài sản rất khó khăn. Cũng có trường hợp người cán bộ, công chức khi có tài sản rất khó có thể giải trình nên họ đã không kê khai.

Quan điểm của ông thế nào trước luồng ý kiến cho rằng phải tịch thu tài sản bất minh thay vì đánh thuế, như vậy việc PCTN mới mạnh mẽ?

- Tài sản đã phát hiện không kê khai hoặc kê khai không trung thực như tôi đã nói đó là vi phạm. Với vi phạm này anh có thể bị kỷ luật, còn để tịch thu là câu chuyện khác, bởi đã tịch thu là động đến quyền sở hữu của người dân. Khi đụng đến quyền của công dân thì luôn luôn phải qua trình tự tư pháp. Chỉ có trình tự tư pháp mới có thể làm được chuyện đó, đấy là nguyên tắc của nhà nước pháp quyền.

Trong trường hợp người có tài sản không chứng minh được và phía nhà nước cũng chưa chứng minh được là tài sản không được kê khai hoặc kê khai không trung thực này có phải là tài sản tham nhũng không, chính vì thế khi xây dựng luật Chính phủ mới trình phương án là đánh thuế.

Nhà nước coi tài sản đó là anh che giấu, theo nguyên tắc anh có tài sản, có thu nhập thì phải kê khai và nộp thuế, trước chưa nộp nay bị phát hiện phải nộp. Nhưng không có nghĩa là khối tài sản đó sau khi bị đánh thuế là được nhà nước thừa nhận là tài sản hợp pháp. Việc có phải tài sản hợp pháp hay không là câu chuyện khác. Việc này giống như nhà nước thu thuế sử dụng đất của công dân trên diện tích đất sử dụng nào đó, ngay cả đất lấn chiếm vẫn bị thu thuế, nhưng không phải cứ thu thuế là nhà nước thừa nhận anh có quyền sở hữu hợp pháp diện tích đất đó.

Còn khi nói đến tài sản tham nhũng thì phải liên quan đến hành vi tham nhũng cụ thể như vụ A, vụ B, và từ nguồn tiền đó anh có tiền mua nhà, mua đất, mua xe ô tô…

Giải pháp đánh thuế này sẽ giúp nhà nước thu lại một phần tài sản không rõ nguồn gốc thưa ông?

- Đúng như vậy. Việc đưa ra quy định này có thể nói sẽ giúp thu hồi được phần tài sản mà bản thân nhà nước cũng chưa chứng minh được nó hợp pháp hay tham nhũng và phía người có nghĩa vụ kê khai cũng không giải trình được.

Giải pháp này có thể nói dễ được chấp nhận trong bối cảnh quản lý hiện nay. Nói nó có tác dụng hay không, phải nói là có. Rõ ràng việc đánh thuế như vậy đối với tài sản không kê khai sẽ làm cho người có tài sản phải có ý thức hơn. Mặt khác cũng thôi thúc các cơ quan chức năng có trách nhiệm hơn trong việc nâng cao năng lực phát hiện tài sản còn mập mờ.

Nhưng đề xuất này sẽ động chạm và chồng chéo đến các luật hiện hành, làm sao giải quyết được một cách hài hòa thưa ông?

- Cần phải nói khi đưa ra giải pháp gì đó có thể sẽ đụng vào luật này, luật kia, vấn đề đó phải tính, tuy nhiên mục tiêu cuối cùng là giải pháp đưa ra phải hiệu quả. Chúng ta cần đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật nhưng những biện pháp có tính đột phá sẽ động chạm phải thấy đó là điều đương nhiên. Khi lựa chọn giải pháp này có thể sửa các luật khác cho phù hợp.

Khi bàn thảo, cũng có ý kiến nêu thay vì đánh thuế 45% chuyển sang xử phạt hành chính. Nếu như thế giải pháp này sẽ động đến Luật xử lý vi phạm hành chính. Nói như vậy để thấy điều quan trọng là khi giải pháp đưa ra phải thấy đó là cần thuận, có sự đồng thuận, còn những vướng mắc về mặt kỹ thuật có thể điều chỉnh được, đây không phải là điều quá khó.

Ông có nghĩ giải pháp này cũng chỉ mang tính chất tình thế trong một giai đoạn nào đó của đất nước?

Đúng là đề xuất này là bước đi trong giai đoạn nào đó của đất nước hay nói cách khác là giải pháp tình thế. Sau này khi nền quản trị của đất nước tốt thì có thể có giải pháp mạnh mẽ hơn. Trước đây khi xây dựng Bộ luật Hình sự năm 2015, có ý kiến nêu cần hình sự hóa làm giàu bất minh, Quốc hội cũng đã bàn tính rất kỹ, cân nhắc kỹ nên chưa đồng ý, vì có thể ở giai đoạn này chưa phù hợp. Nếu lúc Quốc hội đồng ý thì chúng ta không phải bàn để đưa ra giải pháp đánh thuế 45% với tài sản không kê khai hoặc kê khai không trung thực.

Xin cảm ơn ông (!)

Theo Lương Kết (Dân Việt)