Kinh tế

Chân dung 4 đại gia Việt đề xuất xây đường Vành đai 4 'huyết mạch' 135.000 tỷ đồng

Đường Vành đai 4 chia làm 7 đoạn và có tổng chiều dài là 98km, tổng mức đầu tư dự án được dự toán là từ 105.000 tỷ đến khoảng 135.000 tỷ đồng.

Chân dung 4 đại gia Việt đề xuất xây đường Vành đai 4 'huyết mạch' 135.000 tỷ đồng

Bốn nhà đầu tư đề xuất làm Vành đai 4

Sở GTVT Hà Nội vừa trình UBND thành phố báo cáo tổng thể tuyến đường Vành đai 4. Theo đó, tuyến đường Vành đai 4 được chia làm 7 đoạn. Toàn tuyến có tổng chiều dài tuyến 98 km, đi qua 3 tỉnh, thành gồm Hà Nội (54 km); Hưng Yên (23km); Bắc Ninh (21 km); mặt cắt lòng đường rộng 120m.

Đoạn trên địa bàn Hà Nội dài 54km; trên địa bàn Hưng Yên dài 23km; đoạn trên địa bàn Bắc Ninh 21km; điểm đầu dự án là đoạn nút giao với cao tốc Nội Bài - Lào Cai, điểm cuối đoạn giao cao tốc Nội Bài - Hạ Long. Tuyến có một đoạn đi trùng với QL18 và cao tốc Nội Bài - Hạ Long.

Với đoạn đi qua Hà Nội, tuyến đường đi qua 7 quận, huyện gồm: Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín và quận Hà Đông, trên tuyến có hai cầu vượt sông Hồng là cầu Hồng Hà và cầu Mễ Sở.

Tổng mức đầu tư dự án được dự toán là từ 105.000 tỷ đến khoảng 135.000 tỷ đồng. Hiện tuyến đường Vành đai 4 đã có 4 nhà đầu tư đề xuất được thực hiện dự án theo từng phân đoạn.

Cụ thể, Công ty CP Tập đoàn T&T đề xuất đầu tư 2 đoạn, gồm từ cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến QL32 và từ QL32 đến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, tổng mức đầu tư được lập trước đây cho 2 đoạn này là 16.200 tỷ đồng. Tập đoàn này bao gồm 60 công ty con, công ty thành viên, công ty liên doanh, liên kết hoạt động đa lĩnh vực, đa ngành nghề.

Chân dung 4 đại gia Việt đề xuất xây đường Vành đai 4 'huyết mạch' 135.000 tỷ đồng - 1
Sơ đồ quy hoạch tuyến đường Vành đai 4. Nguồn: Báo Giao Thông

Liên danh Công ty CP Đầu tư Xây dựng giao thông Phương Thành - Công ty PTHT Nguyên Minh đề xuất làm đoạn từ cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, bao gồm cả cầu Mễ Sở, tổng kinh phí 9.800 tỷ đồng.

Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Giao thông Phương Thành từng thi công xây dựng nhiều gói thầu thuộc các dự án đường cao tốc trọng điểm quốc gia như: Nội Bài - Lào Cai; TP. HCM - Long Thành - Giầu Dây; Cầu Giẽ - Ninh Bình; Hạ Long - Hải Phòng; Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn đề xuất xây cầu Hồng Hà (Đông Anh) và đường dẫn 2 đầu cầu, tổng kinh phí là 8.800 tỷ đồng. Hoành Sơn là doanh nghiệp đa ngành nghề - đa lĩnh vực, từ thương mại, giao thông, vận tải, xây dựng đến khai thác khoáng sản, sản xuất phân bón, xuất nhập khẩu hàng hóa.

Đặc biệt, trong lĩnh vực đầu tư xây dựng các dự án, Hoành Son đã và đang đầu tư thi công nhiều dự án trong các lĩnh vực cảng biển, năng lượng tái tạo, nhà ở, khu đô thị...

Như vậy, nếu tuyến đường này được hoàn thiện, nó không chỉ khắc phục tình trạng quá tải về giao thông, giúp mở rộng không gian, nguồn lực phát triển, khả năng liên kết, giao thương hàng hóa với các tỉnh lân cận trong vùng Thủ đô, cũng như vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, mà còn giúp Hà Nội và các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang... từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông theo quy hoạch.

"Ăn theo" đường Vành đai 4, coi chừng tiền mất tật mang

Hiện tại, có nhiều dự án bất động sản đã rầm rồ quảng cáo, ăn theo dự án đường này. Không chỉ các dự án đô thị, dự án nhà ở mà đất nền thổ cư nằm trên trục đường Vành đai 4 dự kiến đi qua cũng tận dụng thời cơ để "ăn theo" khi môi giới và "cò đất" liên tục rao bán, nâng giá đất tại các khu vực này.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, các nhà đầu tư cần thận trọng, không nên đầu tư theo thông tin quy hoạch dễ dẫn đến rủi ro, gây bất ổn cho thị trường bất động sản.

"Nhiều nhà đầu tư khi biết được thông tin về đầu tư hạ tầng, họ đã nắm bắt cơ hội để đón sóng là điều tất yếu. Nhưng chỉ những người nhu cầu thực và có nguồn tiền nhàn rỗi, không áp dụng đòn bẩy tài chính mới có thể đầu tư cho các dự án "ăn theo" hạ tầng.

Đầu tư dạng này phải dài hạn và khi không nắm được thông tin, người dân, nhà đầu tư không nên chạy theo "cơn sốt" mà đổ xô đi đầu cơ, trữ đất, dễ chịu rủi ro lớn", Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu chia sẻ.

Đồng quan điểm đó, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội Nguyễn Thế Điệp nhận định: "Giá đất tăng là xu hướng khi quá trình đô thị hóa mở rộng, hạ tầng giao thông tiếp tục được đầu tư. Nhà đầu tư BĐS chạy theo thông tin quy hoạch, bỏ tiền ra "lướt sóng" sẽ gây bất ổn cho thị trường, giá đất bồi thường cao, doanh nghiệp cũng không mặn mà đầu tư, dẫn đến thiếu hạ tầng tác động xấu cho phát triển kinh tế và mang đến rủi ro lớn cho nhà đầu tư".

Trước đó, Hà Nội cũng đã Hà Nội công bố dừng 82 dự án theo hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT), bao gồm một số dự án trong 10 cây cầu bắc qua sông Hồng. Điều này đã khiến cho nhiều người vỡ mộng vì trót "ăn theo" hạ tầng giao thông. Đất không những không tăng giá, mà còn bị "chôn vốn".

Theo Pha Lê (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)




https://doanhnghieptiepthi.vn/chan-dung-4-dai-gia-viet-de-xuat-xay-duong-vanh-dai-4-huyet-mach-135000-ty-dong-16121290916573441.htm