Kinh tế

Cảnh giác với công nghệ lạc hậu khi Trung Quốc ồ ạt đầu tư dệt may tại Việt Nam

Trước làn sóng đầu tư ồ ạt của các doanh nghiệp Trung Quốc vào ngành dệt may, Bộ KHĐT mới đây có văn bản yêu cầu các địa phương tăng cường khâu giám sát, cấp phép, triển khai dự án với nhà đầu tư do lo ngại làn sóng các địa phương ồ ạt thu hút đầu tư, nhưng không chú trọng các vấn đề về môi trường, nhất là đầu tư các công trình xử lý nước thải tập trung tại các KCN dệt may.

Trước làn sóng đầu tư ồ ạt của các doanh nghiệp Trung Quốc vào ngành dệt may, Bộ KHĐT mới đây có văn bản yêu cầu các địa phương tăng cường khâu giám sát, cấp phép, triển khai dự án với nhà đầu tư do lo ngại làn sóng các địa phương ồ ạt thu hút đầu tư, nhưng không chú trọng các vấn đề về môi trường, nhất là đầu tư các công trình xử lý nước thải tập trung tại các KCN dệt may. Điều này đặt ra nhiều vấn đề đối với cơ quan quản lý cũng như các “barie” quy định giám sát việc nhập khẩu thiết bị công nghệ vào VN.

Quy trình nhuộm vải ở khu công nghiệp Paojiang, thành phố Thiệu Hưng, Chiết Giang (Trung Quốc). Ảnh TL

Lo ngại có cơ sở

Nhiều chuyên gia kinh tế cảnh báo trước làn sóng “lành ít, dữ nhiều” do công nghệ của Trung Quốc nhập khẩu vào VN. Điều này có tiền lệ trong các ngành nhiệt điện, mía đường, ximăng lò đứng và mới đây là bauxite Tây Nguyên. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan kêu trời cho rằng có sự phân biệt đối xử trong thu hút đầu tư khi trước đây, do lo ngại ô nhiễm môi trường khi xử lý nước thải sau công đoạn nhuộm, nhiều địa phương đã từ chối các dự án của nhà đầu tư trong nước với lý do “ngại ô nhiễm”. Nay lại “trải thảm” đón nhà đầu tư Trung Quốc muốn giành lấy cơ hội khi VN tham gia TPP mà họ không phải là thành viên.

Một chuyên gia về lĩnh vực dệt - may chia sẻ, ngành dệt, nhuộm thực sự là ngành ô nhiễm môi trường vì thuốc nhuộm rất độc hại. Tuy nhiên, mức độ kiểm soát ô nhiễm đến đâu phụ thuộc nhiều vào công nghệ được các doanh nghiệp (DN) sử dụng.

Chính vì vậy, cần lưu ý và kiểm tra chặt hơn nữa với những dự án dệt may, sợi, nhuộm dịch chuyển nhà máy với công nghệ máy móc quá cũ từ Trung Quốc qua đầu tư tại VN. Tránh sự lập lại tình trạng quá tải, ô nhiễm môi trường nặng mà một số địa phương của Trung Quốc đang phải gánh chịu.

Ông Nguyễn Văn Cần - Trưởng phòng Nghiên cứu và Phát triển, TCty 28 - chỉ ra, các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc, Đài Loan hay Hồng Kông (Trung Quốc) đầu tư mạnh vào sản xuất sợi - dệt - nhuộm do VN có nguồn nhân công giá rẻ, lại có chính sách ưu đãi đầu tư, thủ tục cấp phép đơn giản.

Tuy nhiên, VN phải cảnh giác với các nhà đầu tư Trung Quốc vì có năng lực yếu, tranh thủ đầu tư một thời gian ngắn là rút. “Những loại hóa chất được sản xuất từ Trung Quốc có giá rất rẻ, chỉ bằng 1/3 so với hàng sản xuất từ Châu Âu (EU) hay từ Nhật Bản. Giá rẻ đi kèm với chất lượng kém, hơn nữa, những loại hóa chất này còn có thể gây ra ung thư cho người sử dụng nếu không được kiểm tra chặt chẽ về hàm lượng. Khi dùng vải sợi còn tồn dư chất hóa học cao, sản phẩm thời trang sản xuất ra sẽ bị các thị trường nhập khẩu lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản hay Hàn Quốc từ chối nhập hàng.

Nguy hiểm hơn, khi được tiêu thụ tại thị trường trong nước, không kiểm soát được hàm lượng của hóa chất trên vải, người tiêu dùng của VN phải gánh đủ” - ông Cần cho hay. Từ kinh nghiệm thực tế, GS - TS Ngô Đình Tuấn (chuyên gia về môi trường và tài nguyên nước) cho rằng, phải cảnh giác với những công nghệ với những cỗ máy móc quá cũ được dịch chuyển từ Trung Quốc vào VN để VN không trở thành bãi rác thải trong tương lai gần.

Không cấp phép bằng mọi giá

Ông Phan Hữu Thắng - nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KHĐT) - cho biết, bản thân Trung Quốc cũng đang phải xử lý các hậu quả do phát triển quá nóng ngành dệt may khiến nước này đang phải trả giá đắt cho môi trường ô nhiễm nặng nề. Trung Quốc hiện có kim ngạch xuất khẩu dệt may gấp 8 lần VN với trên 200 tỉ USD mỗi năm, với khoảng hơn 50.000 nhà máy dệt nhuộm, mỗi năm xả ra môi trường hàng triệu mét khối chất thải độc hại.

Trong khi đó, Trung Quốc là nước có công nghệ nhuộm ở mức rất thấp với tiêu hao nhiên liệu nước khoảng 250 khối/tấn vải, cao hơn so với trung bình của thế giới từ 1,7-2,5 lần, và cao hơn so với công nghệ hiện đại đang áp dụng tại các nước phát triển từ 2,5-3 lần, đồng thời nhu cầu sử dụng hóa chất cũng tăng cao theo.

Ngành dệt may là ngành tiêu thụ hóa chất nhiều thứ hai tại Trung Quốc, đồng thời phát thải lượng chất ô nhiễm hữu cơ chiếm 20% trong toàn bộ các ngành công nghiệp tại Trung Quốc. Giải quyết vấn nạn môi trường đang khiến nước này phải ra hẳn Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) với việc xử phạt nghiêm ngặt các vi phạm về môi trường.

PGS - TS Kiều Hữu Thiện - Học viện Ngân hàng - dẫn chứng số liệu nghiên cứu của Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế T.Ư công bố năm 2014, theo đó sự gia tăng đầu tư Trung Quốc vào VN có một số điểm đáng lưu ý: Sự dịch chuyển đầu tư nhằm tranh thủ ưu đãi thuế trong TPP, nhằm biến Việt Nam thành nước gia công, chế biến với lợi nhuận mỏng và phải đối mặt trực tiếp với các vấn đề về môi trường đang hiện hữu; với kỹ năng và năng suất của lao động VN vẫn còn kém so với các nước trong khu vực dẫn tới các DN đầu tư vào Việt Nam chủ yếu để thực hiện gia công và lắp ráp, hầu hết các linh kiện vẫn phải nhập khẩu, các ngành sản xuất phụ trợ chưa có cơ hội phát triển mạnh do chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư.

Vì vậy, theo ông Phan Hữu Thắng, Bộ KHĐT cảnh báo các địa phương không cấp phép bằng mọi giá khi cấp phép cho các dự án của Trung Quốc vào lĩnh vực dệt nhuộm.
 
>> Trung Quốc ồ ạt đầu tư vào Việt Nam: Lành ít, dữ nhiều

Theo Nhóm PV (Lao Động)