Kinh tế

Cảnh giác những cú lừa ngoạn mục khi mua cây cảnh ngày cận Tết: Táo bonsai nở hoa dâm bụt, hải đường chi chít nụ nhờ keo 502

Gần Tết là thời điểm thị trường cây cảnh sôi động nhất. Lợi dụng điều này, một số gian thương đã biến hóa ra những cây cảnh với hoa, trái sum suê, hình dáng đẹp mắt... để lừa người tiêu dùng.

Chỉ còn hơn 10 ngày nữa là tới Tết nguyên đán 2022. Thời gian này nhiều gia đình đã bắt đầu rục rịch chuẩn bị mua sắm để trang hoàng nhà cửa đón Tết. Thị trường cây cảnh nhộn nhịp tấp nập khiến nhiều hàng dởm hàng kém chất lượng trà trộn.

Mới đây, một gia đình đã chia sẻ tình huống mua cây bưởi chơi Tết vô cùng dở khóc dở cười. Theo chia sẻ của chủ nhân cây bưởi, cả cây bưởi có 11 quả thì có tới 4 quả được gắn lên chứ không phải tự mọc. Cụ thể, phần cuống được dùng đinh ghim nhỏ để gắn với quả, sau đó thì dùng một loại giấy quấn chuyên dụng (thường sử dụng trong làm hoa, cây giả handmade) rồi gắn lên cây. Nếu nhìn thoáng qua, có lẽ ít ai nhận ra được đây là quả gắn lên cây, thông tin trên tạp chí Doanh Nghiệp & Tiếp Thị.

Phát hiện mánh khóe lừa đảo khi mua một loài cây chơi Tết, không ít người từng "dính" nhưng cũng phải bó tay. Nguồn: ikTok

Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên người tiêu dùng bị gian thương lừa bởi những chiêu trò tinh vi như vậy. Trước đó, thị trường cây cảnh tết Nguyên đán 2021 từng rộ cơn sốt mua táo bonsai (còn gọi là táo lùn) về chưng tết.

Loại cây này được nhiều người ưa chuộng vì cây nhỏ nhắn, ra rất nhiều quả màu đỏ tượng chưng may mắn lại có giá khá vừa túi tiền chỉ từ 350.000 đồng đến 1,5 triệu đồng. Tuy nhiên, khi mua cây táo lùn xum xuê quả về nhà, nhiều khách hàng bỗng chưng hửng vì lỡ phải hàng "dởm".  

Chia sẻ trên Pháp Luật & Bạn Đọc, chị Nguyễn Thị Hương (Hà Đông, Hà Nội) cũng cho biết: "Mình có mua một cây táo cảnh ở đường Nguyễn Chí Thanh với giá 500.000 đồng. Tuy nhiên khi mang về tới nhà mới tá hỏa phát hiện vết keo màu trắng còn thừa ở phần cuống táo. Quả trên cây táo này gắn keo toàn bộ. Đặc biệt, phần thân cây cũng không phải là cây táo mà là cây dâm bụt".

Theo chị Hương cho hay, nhìn cây rất đẹp, lá tươi nguyên quả trĩu cành lại có mùi thơm nhẹ nên cứ đinh ninh là cây thật. Ai ngờ khi kiểm tra kỹ mới biết là cây giả. 

Cảnh giác những cú lừa ngoạn mục khi mua cây cảnh ngày cận Tết: Táo bonsai nở hoa dâm bụt, hải đường chi chít nụ nhờ keo 502
Thậm chí cây táo nhưng vẫn nở ra hoa dâm bụt. Ảnh minh họa.

Tương tự chị Hương, chị Vũ Nguyệt (Hoàng Mai, Hà Nội) cảm thấy rất bức xúc vì chi hơn 500.000 đồng mua 2 cây táo bonsai nhưng nhận về là cây dành dành

Chị cho biết, trên đường đi làm về, chị thấy tiểu thương bày bán một loại cây lạ, quả xung quanh là táo đỏ nhưng lá lại giống cây dành dành. Chị có thắc mắc nhưng người bán cho rằng đây là cây táo đỏ lùn, dòng bonsai thế hệ mới. Cả tin, chị rút ví ra mua 2 cây táo với giá 250.000 đồng/cây.

"Về tới nhà, tự nhiên, tôi thấy một quả lìa ra khỏi cành, nhặt lên mới ngã ngửa. Hóa ra, đây chính xác là cây dành dành, quả là táo nhưng không phải chiết, ghép mà do dính bằng keo nến xung quanh" - chị kể trên Dân Trí.

Không chỉ vậy, rất nhiều người tiêu dùng mắc phải mánh khóe khi mua phải những cây hải đường tại các cửa hàng rong chi chít nụ nhưng mãi không thấy nở. Chỉ đến khi về nhà, phát hiện sự khác lạ mới kiểm tra thì phát hiện là do nụ hoa được gắn vào các cành.

Cảnh giác những cú lừa ngoạn mục khi mua cây cảnh ngày cận Tết: Táo bonsai nở hoa dâm bụt, hải đường chi chít nụ nhờ keo 502 - 1
Rất nhiều người tiêu dùng mắc phải mánh khóe khi mua phải những cây hải đường tại các cửa hàng rong chi chít nụ nhưng mãi không thấy nở. Ảnh minh họa.

Ngoài ra, một vài tiểu thương còn lợi dụng cả sự giống nhau giữa cây dành dành và cây hải đường nhằm đánh lừa. Cành lá của hai loại cây này khá giống nhau, chỉ khác biệt khi chúng trổ hoa. Hoa của hải đường có màu đỏ còn hoa của dành dành có màu trắng. Cây dành dành chỉ là cây dại mọc ven đường và không có giá trị cao.

Chính vì vậy, nếu bạn muốn mua cành hải đường chưng vào dịp Tết cần hết sức đề phòng và cẩn thận để tránh mua phải cây được gắn nụ giả. Hãy quan sát thật kĩ phần nối giữa nụ và cành. Khi mua bạn có thể dùng tay khẽ lay nhẹ phần nụ để kiểm tra.

Liên quan tới sự việc, ghi nhận trên Nhịp sống kinh tế, ông Tiến, chủ nhân của một vườn hoa, cây cảnh ở Tứ Liên (Hà Nội) chia sẻ, các thương lái thường dùng keo để gắn hoa, quả vào cành, thân cây cành đánh lừa người mua.

"Do kỹ thuật bắn keo khá tinh vi, nốt gắn nhỏ nên nhiều lúc ngay cả người chơi cây cảnh cũng bị mắc lừa. Cây cảnh giả sau khi được biến hóa như thật được chở bằng xe máy đi bán dạo với số lượng 4- 8 cây/chuyến. Tuy nhiên, cây cảnh giả khó để được lâu cho nên các gian thường thường bán cho người mua với giá hời, đôi khi chỉ bằng 1/5 so với giá ban đầu đưa ra".

Ông Tiến cho biết thêm, đối với một cây sung cảnh bonsai mà có quả sai trĩu, bện từ gốc đến ngọn như cây cảnh 502 rất hiếm. Để có thể nuôi nấng 1 cây như vậy người trông phải mất từ 20 trở lên, giá bán khá cũng dao động từ 5-10 triệu đồng/cây. Trong khi đó, các cây sung cảnh bonsai 502 lại rất rẻ chỉ từ 200.000 đồng/cây đến khoảng 3 triệu đồng/cây.

Cảnh giác những cú lừa ngoạn mục khi mua cây cảnh ngày cận Tết: Táo bonsai nở hoa dâm bụt, hải đường chi chít nụ nhờ keo 502 - 2
Những chậu táo bonsai được bán đầy đường thu hút sự chú ý của người tiêu dùng. Ảnh minh họa.

Để tìm hiểu thêm về sự việc, trong vai là người mua hàng, phóng viên Dân Trí đã tiếp cận được N.T, một người chuyên bán cây cảnh gắn keo ở Hà Nội. Được biết, toàn bộ số táo, phật thủ, sung trên cây đều được người này gắn bằng keo nến. 

"Thực ra, nếu khách nào tinh, hỏi quá thì tôi đành trả lời thật là cây gắn keo. Còn không, cứ quảng cáo là táo đột biến, táo bonsai thế hệ mới thì ai mà chẳng thích. Một cây bonsai thật có giá tiền triệu thì những cây như này chỉ có giá vài trăm nghìn đồng" - T. tiết lộ.

Ngoài ra, T. còn cho biết, anh đã làm nghề bán cây cảnh gắn keo được 2 năm, đa phần là buôn vào dịp Tết. Các địa điểm mà anh bán thường là dọc các con đường lớn ở Hà Nội như Giải Phóng, Hồ Tùng Mậu, Đê La Thành, Nguyễn Trãi... Mỗi dịp Tết Nguyên đán, T. thu về cả chục triệu đồng tiền lãi từ bán cây gắn keo kiểu này.

Càng gần Tết thì tình trạng mua phải cây cảnh "dởm" càng thường xuyên xảy ra, do đó, người mua cần xem xét kỹ các loại cây cảnh trước khi xuống tiền mua kẻo bị mắc lừa, đặc biệt là những loại cây dễ bị làm giả như táo, sung, hải đường... Tốt nhất, người tiêu dùng nên mua cây cảnh tại các vựa cây có uy tín, có địa chỉ rõ ràng, anh Nam (chủ cửa hàng cây cảnh trên đường Hoàng Hoa Thám) chia sẻ trên Nhịp sống kinh tế.

PN (Nguoiduatin.vn)




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/docbaovn/canh-giac-nhung-cu-lua-ngoan-muc-khi-mua-cay-canh-ngay-can-tet-tao-bonsai-no-hoa-dam-but-hai-duong-chi-chit-nu-nho-keo-502-tintuc806153