Kinh tế

Cạn túi giữa đại dịch, đại gia tìm cách gom tiền mặt dằn túi

Các cổ phiếu đồng loạt sụt giảm mạnh khiến các nhà đầu tư cả lớn nhỏ, nội ngoại chứng kiến túi tiền bốc hơi mạnh. Chưa lường hết khó khăn, các nhà đầu tư tìm cách gom tiền mặt phòng thân.

Trong phiên giao dịch 23/3, cổ phiếu SAB của Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn Sabeco giảm sàn mất 7%, xuống 117.200 đồng/cp. Đây là mức giá thấp chưa từng có của cổ phiếu này. Tổng cộng, cổ phiếu SAB đã giảm hơn 63% trong vòng hơn hai năm. Còn tính trong vòng 6 tháng qua, cổ phiếu này cũng đã giảm khoảng 56%.

Cổ phiếu Sabeco giảm giá có nhiều nguyên nhân, nhưng có lẽ lớn nhất vẫn là tác động của những nỗ lực kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh Covid-19 trên phạm vi toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.

Sự giảm giá mạnh của cổ phiếu các ngành đã khiến các nhà đầu tư cả lớn nhỏ, nội ngoại đều chứng kiến túi tiền bốc hơi mạnh. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài, quỹ ngoại đổ tiền vào đều chung tình cảnh như nhau, chứng kiến túi tiền sụt giảm.

Hồi cuối 2017, Tập đoàn TCC Holdings của tỷ phú Thái Charoen Sirivadhanabhakdi thông qua Thai Beverage đã chi gần 5 tỷ USD từ tiền vay để mua 53,59% cổ phần Sabeco ở mức giá bình quân 320.000 đồng/cp từ Bộ Công Thương Việt Nam.

So với mức giá hiện tại (117.000 đồng/cp), cổ phiếu Sabeco đã giảm 63%, khiến mức vốn hóa phần cổ phiếu của Thai Beverage giảm, chỉ còn khoảng 1,85 tỷ USD. Điều đó có nghĩa, tỷ phú Thái đã mất khoảng 3,15 tỷ USD trong vòng hai năm qua nếu quy tài sản từ giá cổ phiếu trên sàn.

Cạn túi giữa đại dịch, đại gia tìm cách gom tiền mặt dằn túi
Caption

Nhiều nhà đầu tư rót tiền vào các doanh nghiệp như Sabeco để tính chuyện lâu dài, tính chuyện phát triển thị trường... nhưng thực tế, sự giảm giá ở mức lớn như vậy cũng có thể gây áp lực lên ban lãnh đạo doanh nghiệp.

Dù vậy, đây là tình trạng chung trên TTCK. Không chỉ có Sabeco, mà nhiều cổ phiếu khác trên TTCK Việt Nam, cũng như trên thế giới giảm mạnh và khiến các nhà đầu tư lớn chứng kiến tài sản bốc hơi mạnh.

Hàng loạt quỹ đầu tư nước ngoài đổ tiền vào các cổ phiếu Việt như Ngân hàng Quân đội (MBB), hay Sumitomo Life đổ tiền vào Bảo Việt (BVH), các cổ đông ngoại đổ tiền vào nhiều DN lớn... đều chứng kiến thua lỗ nặng, nếu tính khoản đầu tư theo giá cổ phiếu ở thời điểm hiện tại.

Chiều ngược lại, cổ phiếu giảm mạnh vì ảnh hưởng đại dịch Covid-19 cũng gây ảnh hưởng tới nhiều đại gia Việt. Theo thông tin từ HDBS, CTCK này sẽ bán giải chấp 3 triệu cổ phiếu cầm cố của ông Trịnh Văn Quyết trong bối cảnh cổ phiếu này tụt giảm tới gần 80% trong vòng 3 tháng qua.

Tinh tới sáng 24/3, cổ phiếu ROS tiếp tục giảm sàn phiên thứ 3 liên tiếp và xuống mức 4.540 đồng/cp. Ông Quyết hiện là Chủ tịch HĐQT của Faros (ROS), đồng thời là cổ đông lớn nắm giữ hơn 67% vốn.

Ngoài ra, trong đợt cơ cấu danh mục gần đây, FTSE ETF và VNM ETF đã loại cổ phiếu ROS ra khỏi danh mục của mình vì không đáp ứng tiêu chí về vốn hóa.

Về hoạt động kinh doanh, năm 2019, ROS đạt doanh thu hơn 4,8 ngàn tỷ đồng, tăng 40% so với năm 2018. Công ty lãi ròng hơn 178 tỷ đồng, giảm nhẹ 4%.

Ông Trịnh Văn Quyết cũng đang chịu áp lực lớn đối với hãng hàng không mới đi vào hoạt động thời gian gần đây: Bamboo Airways, trong bối cảnh dịch Covid-19 khiến ngành hàng không đình trệ.

Thông tin từ Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), doanh nghiệp này đã có văn bản gửi Bộ GTVT và Cục Hàng không về việc Bamboo Airways chậm thanh toán tiền dịch vụ và đang nợ ACV 205 tỷ đồng.

Cụ thể, Bamboo Airways chậm thanh toán trung bình khoảng 42 ngày so với thời hạn thanh toán quy định trong hợp đồng đã ký kết. Trong đó, tổng số nợ quá hạn là hơn 178,7 tỷ đồng, bao gồm 107,3 tỷ đồng phí dịch vụ phục vụ hành khách, soi chiếu an ninh hành khách, hành lý mà Bamboo Airways đã thu hộ ACV. Số tiền còn lại là 71,3 tỷ đồng tiền dịch vụ phục vụ mặt đất, phục vụ cảng do ACV trực tiếp cung cấp cho Bamboo Airways.

Bên cạnh đó, Bamboo Airways còn 25,7 tỷ đồng nợ chưa tới hạn trả và 4,5 tỷ đồng tiền lãi quá hạn theo hợp đồng giữa hai bên.

ACV đề nghị Bộ GTVT và Cục Hàng không yêu cầu Bamboo Airways thanh toán số công nợ trên. Được biết, Bamboo Airways đã liên hệ với ACV và đang đưa ra kế hoạch thanh toán phù hợp. ACV vẫn sẽ duy trì cung cấp dịch vụ cho Bamboo Airways trong thời gian hãng chưa thanh toán tiền dịch vụ đang nợ.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), áp lực bán vẫn khá lớn. Chỉ số VN-Index giảm thêm khoảng 10 điểm xuống 656 điểm. Nhóm cổ phiếu nhà ông Phạm Nhật Vượng tiếp tục giảm mạnh. Vinhomes (VHM) và Vincom Retail (VRE) tiếp tục giảm sàn.

Chứng khoán Việt Nam vẫn chịu áp lực giảm giá trong bối cảnh dịch Covid-19 lan rộng trên thế giới và nhiều trường hợp từ nước ngoài về Việt Nam xét nghiệm dương tính với virus này. Giới đầu tư lo ngại dịch bệnh sẽ khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong năm tài chính 2020.

Một số công ty chứng khoán (CTCK) có những cái nhìn thận trọng trong các dự báo.

Theo BSC, phiên giao dịch hôm qua đồng pha với biến động mạnh của các TTCK chủ chốt khác trong khu vực. Trong bối cảnh rủi ro toàn thị trường vẫn hiện hữu, nhà đầu tư nên quan sát thêm diễn biến của dịch bệnh, cũng như các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô cuối tháng để cân nhắc chiến lược đầu tư hợp lí.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 23/3, VN-Index giảm 43,14 điểm xuống 666,59 điểm; HNX-Index giảm 5,33 điểm xuống 96,46 điểm. Upcom-Index giảm 2,28 điểm xuống 47,57 điểm. Thanh khoản đạt 5,9 ngàn tỷ đồng

Theo V. Hà (VietNamNet)




https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/tai-chinh/tin-chung-khoan-ngay-24-3-doanh-nghiep-gap-kho-dai-gia-noi-ngoai-chay-tui-giua-dai-dich-627635.html