Kinh tế

Cách xài thẻ để lời hàng chục triệu/năm

Thúy Vi mở điện thoại đặt mua hai ly trà sữa; 52.000 đồng/ly; phí "ship" - vận chuyển - 22.000 đồng. Tổng cộng 126.000 đồng. Nhưng Vi không vội trả ngay mà mở một ứng dụng khác...

Thành thạo công nghệ, “săn lùng” ưu đãi, khuyến mãi để tiết kiệm chi tiêu bằng việc xài các ví điện tử, cà thẻ, QR code là cách không ít người trẻ vẫn đang áp dụng vì sự tiện lợi, nhanh chóng và sành điệu.

So với việc chi trả bằng tiền mặt, thanh toán không sử dụng tiền mặt đã tiết kiệm cho mỗi người cả chục triệu đồng/năm.

Cách xài thẻ để lời hàng chục triệu/năm
Bạn trẻ sử dụng thẻ tín dụng thanh toán tiền - Ảnh: T.T.D.

Lợi 10 triệu nhờ xài thẻ

Lê Huỳnh Thúy Vi (23 tuổi, nhân viên văn phòng) đang mở điện thoại chăm chú đặt mua trà sữa. Giá tại tiệm T.C gần chỗ làm mỗi ly 52.000 đồng. Vi đặt mua hai ly, một cho mình, một cho bạn. Thêm phí "ship" - vận chuyển - 22.000 đồng. Tổng cộng, giá hai ly trà sữa là 126.000 đồng.

Nhưng Vi không vội trả ngay. Mở một ứng dụng khác, lần này là ví điện tử G.F, giá trà sữa thương hiệu trên đang khuyến mãi giảm 50%. Vậy là Vi bấm nút, trả tiền, chờ uống trà sữa. Chẳng những tiết kiệm được 74.000 đồng mà nhờ xài ứng dụng G.F này, Vi còn tích thêm điểm, và số điểm này được quy ra vé xem phim, voucher nhà hàng ăn uống, tiệm spa... "Nhờ cà thẻ, thanh toán online mà mỗi năm mình tiết kiệm khoảng 10 triệu đồng" - Thúy Vi vui vẻ nói.

Lê Hân (26 tuổi, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) kể trong nhóm bạn chơi thân thì ba người chuyên dùng ví điện tử, thẻ ATM trả tiền. Cũng như Thúy Vi, Hân dùng ví điện tử và được giảm 79.000 đồng cho giá vé xem phim lên đến 110.000 đồng. Đi ăn, khi trả tiền Hân chọn quét QR code, vì hóa đơn được giảm 15%. Tính ra, mỗi tháng nhờ xài thẻ, ví điện tử, Hân "tiết kiệm bình quân khoảng 15-20% chi tiêu".

Dùng càng nhiều càng có lợi

Lớn tuổi hơn Vi và Hân là anh Trần Minh Hùng (28 tuổi, ngụ Q.Tân Bình), người đang nắm trong tay một số thẻ tín dụng lẫn ví điện tử. Anh Hùng thường xuyên sử dụng thẻ tín dụng của các ngân hàng trong và ngoài nước để tận hưởng các ưu đãi như tích điểm đổi quà, giảm giá khi đi ăn uống, mua trả góp lãi suất 0% các mặt hàng điện tử...

Cho dù phải trả phí thường niên nhưng bù qua sớt lại từ các giao dịch và tích điểm cũng như ưu đãi, anh vẫn "lời". Mỗi tháng, nếu có tổng giao dịch trên 10 triệu, ngoài phần tích điểm, anh còn hưởng lợi từ chính sách hoàn tiền, có khi từ 1-5%, cá biệt có lúc 8%. Đấy là chưa kể các khuyến mãi giảm giá từ 10-35% nếu xài thẻ cho các dịch vụ ăn uống, du lịch...

Lời như thế nào? Anh Hùng lấy ví dụ, thẻ tín dụng của ngân hàng C anh sử dụng thanh toán các giao dịch trực tuyến từ tháng 4-2018 đến tháng 5-2019 đã tích được 800.000 điểm. Cụ thể, mỗi tháng xài trên 10 triệu đồng được cộng 25.000 điểm, riêng tháng sinh nhật chỉ cần xài trên 3 triệu đồng là được cộng thêm 35.000 điểm. Số điểm này khi mua vé máy bay trên trang Traveloka anh đổi được cặp vé khứ hồi chặng TP.HCM - Huế trị giá khoảng 1,6 triệu đồng.

Trung bình, mỗi tháng tính ra anh Hùng xài khoảng 10-20 triệu đồng qua các thẻ tín dụng. Có những tháng lên đến dăm bảy chục triệu đồng nhờ mua vé máy bay quốc tế, mua hàng trực tuyến hay thanh toán ra nước ngoài. "Thực ra nhu cầu của tôi không nhiều, nhưng bạn bè và gia đình nhờ giúp mua hàng trực tuyến nên mới nhiều thế. Xài càng nhiều thì càng được tích điểm, càng thêm ưu đãi...".

Việc săn khuyến mãi, ưu đãi chưa dừng lại đó. Ngoài việc sử dụng triệt để các thẻ tín dụng, anh Hùng còn sử dụng thêm ví điện tử để mua sắm. Nhẩm tính trong đầu, anh Hùng cho biết mỗi năm "lời" được cả chục triệu đồng. Tiền mặt, với anh Hùng, phải hạn hữu lắm mới xài đến.

Cách xài thẻ để lời hàng chục triệu/năm - 1
Khách hàng thanh toán tiền thức uống bằng app - Ảnh: T.T.D.

Cả Thúy Vi, Lê Hân lẫn anh Hùng là những người trẻ rành công nghệ, đang tận hưởng các ưu đãi lẫn tiện ích từ các nhà cung cấp dịch vụ tài chính đưa ra nhằm khuyến khích thanh toán không sử dụng tiền mặt. Chỉ cần chiếc điện thoại, tiền điện, tiền nước, ăn uống hay các nhu cầu giải trí cho đến làm ăn, đầu tư... tất cả được giải quyết nhanh chóng, nhẹ nhàng, an toàn, tiện lợi.

Trong khi những người như anh Hùng thường xuyên sử dụng thẻ tín dụng hay ví điện tử thì vẫn còn nhiều người khác nhìn những chiếc thẻ và ví này khá xa lạ. Chỉ mới khoảng 40% trong số hơn 90 triệu người Việt Nam tiếp cận với các dịch vụ tài chính, và đa số vẫn mới ở các đô thị lớn.

Theo số liệu của Hội Thẻ ngân hàng Việt Nam, tổng doanh số thanh toán năm 2018 đạt 3.057 tỉ đồng, tăng trưởng 28% so với năm 2017, trong đó phần chi tiêu tăng trưởng nhanh hơn ở mức 30%. Tỉ trọng doanh số thanh toán qua thẻ quốc tế tăng từ mức 15% năm 2017 lên 17% vào năm 2018.

Số ví điện tử có kết nối với tài khoản ngân hàng mới chỉ hơn 4 triệu. Giá trị bình quân mỗi giao dịch, theo Ngân hàng Nhà nước, của một ví điện tử chỉ khoảng 58.870 đồng/giao dịch và 1,7 triệu đồng/tháng. Thị trường ví điện tử có thể thấy vẫn còn khá nhỏ, nhưng vì thế dư địa phát triển sẽ vô cùng lớn.

97 triệu thẻ ngân hàng

Theo số liệu của Hội Thẻ ngân hàng Việt Nam, số lượng thẻ đang lưu hành trên thị trường tính đến cuối năm 2018 đạt 97 triệu thẻ, trong đó số lượng thẻ phát hành mới trong năm là 17 triệu thẻ. 

Số lượng giao dịch thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng trong năm 2018 đạt 229,2 triệu giao dịch với tổng số tiền là 592.000 tỉ đồng. 

Tuy nhiên, trong đó thẻ nội địa (ATM) vẫn được sử dụng chủ yếu để rút tiền mặt, chiếm tỉ trọng 80%. 

Dù vậy, so với cùng kỳ năm trước, tỉ trọng rút tiền mặt của thẻ ghi nợ nội địa đã giảm, trước đây tỉ lệ này là 86%.

Theo Ánh Hồng - Bông Mai - Ngọc Hiến (Tuổi Trẻ)