Kinh tế

Cách nào giải quyết 'cơ chế thanh toán' quái dị ở Việt Nam?

"Công chúng cần duy lý trong việc lên tiếng của mình sao cho các chính sách có lợi cho bản thân cũng như của xã hội được thực thi.", ông Huỳnh Thế Du chia sẻ.

Khi “thu giá” của Bộ Giao thông - Vận tải chưa nguôi thì Bộ Giáo dục - Đào tạo lại thêm dầu vào lửa bằng đề xuất đổi học phí thành giá đào tạo. Thêm vào đó, quả là đáng ngạc nhiên khi dư luận lại lên tiếng ủng hộ những bác sĩ không ít thì nhiều cũng có trách nhiệm trong vụ chạy thận ở Hòa Bình làm 9 người thiệt mạng.

Cách nào giải quyết 'cơ chế thanh toán' quái dị ở Việt Nam?
Ông Huỳnh Thế Du là giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam. Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm của tác giả.

Tuy nhiên, việc cải cách những lĩnh vực liên quan đến đời sống hàng ngày của người dân thường rất nhạy cảm và gặp phải những trở ngại rất lớn. Nếu làm không khéo rất dễ rơi vào tình trạng nửa vời để vòng tròn thất vọng: trục trặc thị trường - trục trặc nhà nước rồi ngược lại cứ xoay liên hồi.

Do vậy, để có thể tạo ra những kết quả có ý nghĩa đáng kể cần có sự quyết tâm và dám chịu trách nhiệm của những người ra quyết định. Đồng thời, Nhà nước cần có những công cụ hữu hiệu để nắn các dòng chảy của thị trường làm cho việc phân bổ nguồn lực của toàn xã hội đạt hiệu quả cao nhất và đảm bảo tính công bằng.

Để làm được điều này rất cần sự duy lý và ủng hộ của người dân, chứ công chúng phản ứng theo kiểu cứ chính sách mới nào được đưa ra cũng ào ào phản đối như hiện tại sẽ rất khó.

Các khuyết tật của thị trường và vai trò của nhà nước

Được học hành và chăm sóc sức khỏe là quyền cơ bản của con người. Xét về góc độ kinh tế, y tế và giáo dục là những dịch vụ có ngoại tác hay tác động tích cực cho xã hội. Chúng ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng và trí tuệ của mỗi cá nhân nói riêng, cả xã hội nói chung.

Do vậy, cần có vai trò của nhà nước để: (i) cung cấp hay trợ cấp các dịch vụ này; và (ii) có những quy định hay điều kiện đối với người cung cấp chúng. Đây là chức năng cơ bản của nhà nước.

Ở Việt Nam, trong một thời gian dài (nhất là thời bao cấp), Nhà nước cung cấp cả hai dịch vụ này miễn phí cho người dân (thực ra chỉ đối với những người có quyền/đặc quyền sử dụng). Tuy nhiên, điều này vượt quá khả năng và ngân sách nhà nước nên trục trặc xảy ra.

Cách nào giải quyết 'cơ chế thanh toán' quái dị ở Việt Nam? - 1
Phụ huynh xếp hàng trước cổng trường cấp 1 để xin cho con học ở Đồng Nai năm 2017. Ảnh: Ngọc An.

Khi thị trường hóa không triệt để

Vai trò của thị trường từng phần được chấp nhận qua học phí, viện phí cùng với việc tham gia cung ứng một số dịch vụ/khâu của tư nhân. Tuy  nhiên, tính bao cấp trong các cơ sở công lập vẫn còn rất lớn. Điều này dẫn đến nhiều nghịch lý và hệ lụy.

Khi đó, thu nhập của đội ngũ thầy cô giáo và y bác sĩ không tương xứng với công sức cũng như nhu cầu của họ, trong khi một bộ phận người sử dụng có khả năng chi trả cao hơn và có nhu cầu được ưu tiên.

Nếu cơ chế thị trường hoạt động bình thường thì giá sẽ tăng nhằm giảm bớt nhu cầu và tăng nguồn cung. Thu nhập của những người làm trong lĩnh vực này sẽ được cải thiện. Tuy nhiên, quy định mức phí trần đã xảy ra những biến tướng không mong đợi.

Người nhà bệnh nhân đưa phong bì để được phục vụ trước hoặc ưu ái hơn. Đối với giáo dục, “cơ chế quái dị” - học thêm được hình thành mà trong nhiều trường hợp chỉ để hợp thức hóa nhu cầu nhận tiền của người dạy và sự sẵn lòng chi trả của phụ huynh. Nhiều đứa trẻ bị “đày ải” trong những lớp học thêm chỉ vì điều này.

Các tiêu chuẩn thị trường, “tiền trao cháo múc” được thay vào những chuẩn mực đạo đức của những người được gọi là thầy. Chưa bao giờ những nghề cao quý này lại bị coi thường như ngày nay.

Kế đến là tình trạng tư nhân núp bóng nhà nước để cung cấp các dịch vụ béo bở cho một số cá nhân hưởng lợi. Số đông phải chịu thiệt do nguồn lực đã khan hiếm lại được tập trung và ưu tiên cho những người có khả năng chi trả cao hơn và một số ít bỏ túi cá nhân.

Cái khó của các cơ sở công lập

Quá trình nêu trên đã dẫn đến việc hình thành các bệnh viện và trường tư. Lúc này trục trặc càng bộc lộ nhiều hơn đối với các cơ sở công lập.

Trong ngành y, những người “chân trong chân ngoài” giữa các bệnh viện tư và công được hưởng lợi vì họ có thể chuyển các hoạt động “vớt váng sữa” có nhiều lợi ích, nhưng ít rủi ro và không tốn kém về cơ sở của mình. Những ca khó thì chuyển vào các cơ sở công. Thêm vào đó, cơ sở vật chất của các cơ sở công thường được sử dụng cho mục đích tư.

Đối với giáo dục, các chiến lược tương tự như lĩnh vực y tế cũng thường được sử dụng.

Hệ quả của cơ chế này là các cơ sở công lập phải hứng lấy gánh nặng, trong khi những thứ tốt nhất của mình thì bị lấy đi. Khi đó, chất lượng của các cơ sở công lập mà đa phần người dân đang sử dụng ngày càng xuống cấp với đầy rẫy những tệ nạn: phong bì, dắt mối, chạy điểm…

Những nơi cần sự thiêng liêng với những quan hệ nhân bản lại trở nên nhớp nhúa. Đạo đức xã hội xuống cấp nghiêm trọng. Bực tức và bất mãn của xã hội đang đổ dồn vào đó. Uy tín của khu vực công cứ thế mà tuột dốc.

Cách nào giải quyết 'cơ chế thanh toán' quái dị ở Việt Nam? - 2
Cảnh phụ huynh vất vả mua hồ sơ cho con từng diễn ra ở trường dân lập Lương Thế Vinh, Hà Nội. Ảnh: H.A.

Xác định rõ việc của thị trường và việc của nhà nước

Cần phải nhìn nhận một cách thẳng thắn rằng cần phải giải quyết bài toán lợi ích đối với những vấn nạn trong nhiều ngành ở Việt Nam chứ giáo dục tuyên truyền có rất ít tác dụng.

Nói cách khác, Nhà nước cần để cơ chế thị trường hoạt động lành mạnh sao cho những phần chi trả không chính thức được vào chính thức. Chất lượng dịch vụ sẽ tương ứng với khả năng chi trả của mỗi người.

Khi đó các cơ sở công lập mới có quyền tự chủ và khả năng giữ các nguồn lực của mình và chống lại việc bị đẩy gánh nặng như hiện nay. Các cơ chế “khuyến khích ngược” sẽ được loại bỏ. Những tệ nạn làm băng hoại đạo đức đang tràn lan may ra mới có thể được đẩy lùi.

Đối với những đối tượng cần được trợ cấp hay giúp đỡ thì Nhà nước có thể sử dụng những công cụ như: bảo hiểm y tế, một số giới hạn các cơ sở y tế công cộng được trợ cấp hoàn toàn nhằm phục vụ họ. Nhà nước, đương nhiên, cũng cần những công cụ hay quy định để giảm thiểu các mặt trái của cơ chế thị trường.

Sự phi lý của số đông

Nhiều người đang đòi Nhà nước tạo lập thị trường tự do trong các hoạt động kinh tế ở Việt Nam. Đây là những đòi hỏi chính đáng. Tuy nhiên, cũng chính những người này lại lên tiếng phản đối những chính sách hay cải cách cho mục tiêu này.

Đây không phải là vấn đề riêng ở Việt Nam mà là tâm lý của công chúng ở đâu cũng thế. Tâm lý này càng nghiêm trọng hơn khi niềm tin vào Nhà nước bị mai một.

Do vậy, để có những gì mình mong muốn, thì công chúng vẫn cần phải duy lý trong việc lên tiếng của mình sao cho các chính sách có lợi cho bản thân cũng như của xã hội được thực thi. Chứ cứ góp ý theo kiểu “đổ đi” như hiện nay sẽ rất khó. Những cải cách khó mà được triển khai và người chịu trận sẽ chính là chúng ta.   

Tóm lại, việc trả lại quyền hay không gian cho thị trường và giới hạn lại chức năng và vai trò của Nhà nước là việc cần phải làm ngay. Để làm được việc này, đòi hỏi sự duy lý của cả Nhà nước và người dân.

Theo Huỳnh Thế Du (Tri Thức Trực Tuyến)