Kinh tế

'Các công ty Ấn Độ coi Việt Nam là điểm đến hấp dẫn để đầu tư về dầu khí, thép, khoáng sản'

Các công ty Ấn Độ coi Việt Nam là điểm đến hấp dẫn để đầu tư trên các lĩnh vực dầu khí, thép, khoáng sản, chè, đường, đào tạo công nghệ thông tin, cũng như là điểm trung chuyển hàng hóa trong khu vực Đông Nam Á. Và mối quan hệ chiến lược này vẫn còn rất nhiều tiềm năng để phát triển.

'Các công ty Ấn Độ coi Việt Nam là điểm đến hấp dẫn để đầu tư về dầu khí, thép, khoáng sản'

Đó là phát biểu của ông Don Lam, Phó Trưởng Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tư nhân, Tổng Giám đốc Tập đoàn VinaCapital, tại Diễn đàn Việt Nam - Ấn Độ mới đây. Ông Don Lam đã đưa ra nhiều con số về mối quan hệ hợp tác và nhận định tiềm năng hợp tác hai bên.

Ông Don Lam cho rằng lĩnh vực có tiềm năng lớn mà các doanh nghiệp Việt Nam đang quan tâm chính là việc giao thương với Ấn Độ. Quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam - Ấn Độ đã được thiết lập hơn 10 năm (từ 2007), Việt Nam và Ấn Độ đã trở thành đối tác chiến lược toàn diện từ năm 2017, kể từ đó đến nay các hoạt động thương mại và đầu tư liên tục gia tăng và phát triển.

Năm 2016, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ Ấn Độ mới chỉ đạt hơn 2,7 tỷ USD. Chỉ 3 năm sau đó, con số này đạt hơn 4,5 tỷ USD - tăng hơn 65%.

Các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ Ấn Độ là sắt thép các loại, máy móc thiết bị, dược phẩm, hàng thủy sản, linh kiện phụ tùng ô tô... Trong khoảng thời gian đó, kịm ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Ấn Độ đã tăng gần ba lần, từ 2,6 tỷ USD đến xấp xỉ 6,7 tỷ USD.

Các mặt hàng chủ yếu Việt Nam xuất khẩu sang Ấn Độ bao gồm: Điện thoại các loại và linh kiện; Máy tính và linh kiện; Máy móc thiết bị, Kim loại thường, Hóa chất...

Tuy nhiên, mối quan hệ chiến lược giữa hai nước không chỉ dừng lại ở xuất nhập khẩu.

Các công ty Ấn Độ coi Việt Nam là điểm đến hấp dẫn để đầu tư trên các lĩnh vực dầu khí, thép, khoáng sản, chè, đường, đào tạo công nghệ thông tin, cũng như là điểm trung chuyển hàng hóa trong khu vực Đông Nam Á.

Ông Don Lam cho rằng doanh nghiệp hai bên vẫn còn rất ít thông tin về thị trường của nhau, cũng như thông tin về các doanh nghiệp hai bên rất hạn chế. Một phần lý do của vấn đề này là do ít hoạt động xúc tiến thương mại.

Ông Don Lam nhận định đây có thể là điểm khởi đầu giúp mối quan hệ đầu tư và thương mại giữa hai nước được tăng cường cũng như thúc đẩy cơ hội cho các doanh nghiệp ở cả hai nước. Các công ty Việt Nam và Ấn Độ có thể tận dụng thế mạnh của mình cũng như học hỏi lẫn nhau ở nhiều lĩnh vực, chẳng hạn như công nghệ thông tin, dược phẩm, dệt may, năng lượng tái tạo và chế biến nông sản.

Theo ông Don Lam, Việt Nam và Ấn Độ đều là hai nền kinh tế đang vươn lên mạnh mẽ, có bề dày lịch sử và nền văn hóa đặc sắc. Mỗi quốc gia đều tập trung vào việc cải thiện cuộc sống của người dân và phát huy những tiềm năng to lớn mà mình đang sở hữu. Cả hai quốc gia sẽ phát triển mạnh mẽ hơn khi cùng nhau nỗ lực xóa bỏ các rào cản đối với thương mại và đầu tư đồng thời tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để các doanh nghiệp cả hai nước thành công.

Theo Đỗ Lan (Doanh nghiệp & Tiếp thị)




https://doanhnghieptiepthi.vn/cac-cong-ty-an-do-coi-viet-nam-la-diem-den-hap-dan-de-dau-tu-ve-dau-khi-thep-khoang-san-161212801081717327.htm