Kinh tế

Cả tháng bán hơn chục két bia, quán nhậu lo đóng cửa

Đã hết tháng Giêng, nhiều quán nhậu cùng các đại lý phân phối bia rượu tại Hà Nội và TP.HCM than thở. Kinh doanh bết bát, doanh số sụt giảm mạnh, tương lai khó đoán khiến nhiều chủ hàng tính đóng cửa.

Hết thời nhộn nhịp

Tại Hà Nội, các chuỗi quán bia hơi có tên tuổi, thường ngày đông nghịt khách như Thu Hằng, Hải Xồm, Lan Chín, Cường Hói,... chia sẻ, doanh số bán hàng tháng Giêng vừa qua thấp tệ hại, chỉ bằng khoảng 40-60% so với cuối năm 2019, trước khi Nghị định 100 có hiệu lực.

“Chúng tôi mở hàng vào ngày mùng 6 Tết, những năm trước buổi trưa khách kéo đến đông nghịt, chỗ ngồi không đủ. Nhưng năm nay thì vô cùng vắng vẻ, lác đác có vài bàn nhậu, nhân viên ngồi chơi”, quản lý quán bia Cường Hói tại phố Trích Sài cho hay.

Cả tháng bán hơn chục két bia, quán nhậu lo đóng cửa
Lượng khách đến các nhà hàng, quán nhậu giảm một nửa do Nghị định 100 và dịch Covid-19

Vị này cho biết, từ khi Nghị định 100 được ban hành, số lượng khách đã giảm xuống chỉ còn khoảng 50-60%, giờ chỉ bằng 40%, thậm chí ngày mưa rét chỉ bằng 10% so với trước. Do vậy, từ mùng 6 đến 14 tháng Giêng âm lịch, quán phải cho nhân viên nghỉ ăn Rằm thêm 1 tuần nữa mới mở cửa trở lại. lượng trước bia tiêu thụ 17-20 két/ngày chưa kể bia chai và bia lon, giờ chỉ 10 két/ngày.

Quản lý quán bia Thu Hằng, số 2 Liễu Giai, cho hay, trước mỗi ngày quán tiêu thụ khoảng 25 két bia hơi thì ngày nhiều nhất trong tháng Giêng cũng chỉ bán được 15 két. Không chỉ bia, do vắng khách nên tiêu thụ các loại thực phẩm cũng giảm, số lượng mua vào chỉ bằng 2/3 so với trước.

Do quá vắng khách, từ ra Tết, nhiều hàng quán mở bán được mấy ngày đã phải tạm đóng cửa, cho nhân viên nghỉ việc, như quán bia Thu Hằng ở Vạn Phúc, Hà Đông hay Hải Xồm ở Hoàng Quốc Việt... Tính ra, cả tháng Giêng, nhiều quán chỉ bán tầm 15 ngày, khách lại rất ít nên doanh số giảm tệ hại, nhiều quá bia thua lỗ.

Tại TP.HCM, tình hình cũng không khá hơn. Ông Nguyễn Quốc Cường, chủ nhà hàng tại 939 Hòn Chồng, quận 3, cho biết, từ sau Tết, khách tại 3 nhà hàng ăn uống của ông giảm mạnh. Nhà hàng đông khách nhất doanh số cũng chỉ bằng 60% so với trước, tính ra hòa vốn. Còn hai nhà hàng doanh số chỉ đạt 40% so với trước và đang thua lỗ.

“Chúng tôi thường tiêu thụ khoảng 2.000 thùng bia mỗi tháng, tháng Giêng vừa qua giảm 1/3, còn chưa tới 700 thùng. Thực phẩm gồm rau quả, thịt cá,... mua vào cũng giảm tới 40%, khách không đến thì lấy ai để ăn”, ông Cường tâm sự.

Theo ông Cường, riêng tại quận 3 có hàng chục ngàn quán nhậu và nhà hàng, tạo việc làm cho hàng trăm ngàn lao động. Nhưng hiện tại, hầu hết các quán đều gặp khó khăn nên người lao động cũng bị ảnh hưởng. Đấy là chưa kể những lao động gián tiếp từ các nhà cung cấp bia rượu, thực phẩm.

Chủ nhà hàng tại 293 Điện Biên Phủ, quận 3, TP.HCM khi được hỏi cũng than thở vì lượng khách đến quán giảm quá mạnh tới 50-60%. Bia trước đây tiêu thụ 60-70 thùng mỗi ngày, nay chỉ còn chừng 30 thùng. Tiêu thụ đồ nhậu cũng giảm 50%. Trong khi chi phí thuê mặt bằng cao, thuế phí các loại và lương nhân viên không hề giảm. Dịch bệnh khó lường có thể còn kéo dài, không cầm cự được, chắc quán sẽ phải đóng cửa.

Cả tháng bán hơn chục két bia, quán nhậu lo đóng cửa - 1
Khách vắng, tiêu thụ bia và thực phẩm theo đó cũng giảm mạnh

Tương lai khó đoán

Không chỉ quán nhậu lo lắng mà các đại lý bia cũng giảm doanh thu do tác động dây chuyền. Chị Thương, chủ một đại lý bia lớn tại Tôn Đức Thắng (Hà Nội), kể rằng, dịp Tết Canh Tý vừa rồi, mỗi ngày đại lý chỉ bán được chưa đến 500 thùng, giảm một nửa so với thời điểm Tết năm trước. Doanh thu vì thế cũng giảm 150-200 triệu đồng.

Thời gian trước Tết hơn 2 tháng, các đại lý đã phải “chốt” số lượng với nhà sản xuất. Lấy bao nhiêu hàng phải trả hết tiền bấy nhiêu. Cũng nghĩ Tết tiêu thụ bia sẽ cao như mọi năm, nhưng chốt xong thì Nghị định 100 ban hành, cộng với dịch Covid-19 bùng phát nên tiêu thụ giảm mạnh. Dù đã giảm giá từ 10.000-20.000 đồng mỗi thùng, lãi không còn nhưng đến nay vẫn có hàng tồn, chị Thương chia sẻ.

Theo anh Hoàng Ngọc, chủ một đại lý bia ở Mỹ Đình (Hà Nội), thống kê cho thấy trong tháng Giêng, bia bán cho các nhà hàng, quán nhậu giảm rõ rệt nhất. Ngoài lo ngại bị phạt theo Nghị định 100 thì dịch bệnh cũng khiến nhiều người bớt đến quán nhậu.

“Trước đây, các quán nhậu quanh khu Mỹ Đình lấy bia từ chỗ tôi hàng trăm thùng mỗi ngày, nhưng từ sau Tết thì giảm tới 50%. Trước tình trạng ế hàng, các đại lý cũng phải khuyến mãi, giảm giá để giữ khách. Một số đại lý giảm mạnh để đẩy hàng tồn khiến cho cạnh tranh càng gay gắt”, anh nói.

Trong bối cảnh này, các chủ đại lý, nhà hàng đều mong muốn được xem xét miễn giảm các loại phí thuế, với hi vọng có thể cầm cự vượt qua giai đoạn khó khăn.

Khi được hỏi về đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia, tất cả đều tỏ ra ngao ngán, thậm chí có phần tuyệt vọng. Thuế tăng thì giá tăng. Nghị định 100 ra đời, bia rượu giảm giá cũng không kích thích được tiêu dùng thì tăng thêm sẽ càng thêm khó.

“Hiện tại chúng tôi đã làm đủ cách như giảm giá đồ ăn uống, hỗ trợ chi phí đi lại, giữ xe giúp,... nhưng vẫn không lấy lại được lượng khách như cũ. Nếu lại tăng thuế, không hình dung nổi sẽ như thế nào. Thời điểm này tôi cố gắng cầm cự, nếu tới đây mà kinh doanh vẫn bết bát thua lỗ, tôi sẽ đóng cửa các nhà hàng”, ông Nguyễn Quốc Cường buồn bã nói.

Theo Trần Thủy (VietNamNet)




https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/thi-truong/vang-khach-ca-thang-quan-nhau-hang-bia-tinh-dong-cua-619811.html