Kinh tế

Bộ trưởng Xây dựng nói gì về việc phá nát quy hoạch?

Giải thích bất cập quy hoạch chủ yếu do phương pháp lỗi thời, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cũng thừa nhận tình trạng vận dụng tùy tiện việc cấp phép cho chủ đầu tư, làm phá vỡ hệ thống.

Chiều 27/5, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà cũng phát biểu giải trình một số vấn đề mà các đại biểu Quốc hội quan tâm. Bộ trưởng Hà nêu ra 4 nhóm vấn đề liên quan đến việc quản lý sử dụng đất đô thị và lĩnh vực bất động sản.

'Vận dụng tùy tiện'

Bộ trưởng Xây dựng dành phần lớn thời gian để giải trình về vấn đề quy hoạch và phá vỡ quy hoạch. Đây là chủ đề được nhiều đại biểu bức xúc khi thảo luận vào phiên sáng.

Bộ trưởng Xây dựng cho rằng lý luận, phương pháp luận về lĩnh vực quy hoạch đô thị đã lỗi thời, chưa đáp ứng yêu cầu của sự phát triển là nguyên nhân chính dẫn đến hiện trạng như báo cáo.

“Hệ thống, phương pháp xây dựng từ rất lâu, thậm chí là từ thời bao cấp, sau nhiều thời gian đã bộc lộ hạn chế, bất cập. Tôi cho đây mới là mấu chốt. Từ lý luận mới có hướng xử lý”, ông nói.

Bộ trưởng Xây dựng nói gì về việc phá nát quy hoạch?
Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà. Ảnh: Ngọc Duy.

Bộ trưởng Hà cho rằng Bộ Xây dựng đang chỉ đạo rà soát lại phương pháp luận quy hoạch đô thị, đáp ứng yêu cầu phát triển.

Người đứng đầu Bộ Xây dựng cũng cho biết cơ quan này đang phối hợp với các bộ ngành liên quan để bổ sung quy định pháp luật liên quan đến quy hoạch. Mục đích nhằm đảm bảo tính đồng bộ, khả thi của hệ thống, dễ dàng quản lý và sử dụng đất đô thị.

Để hạn chế điều chỉnh quy hoạch tùy tiện, Bộ Xây dựng cho biết Quốc hội thông qua, sửa đổi 37 luật liên quan đến quy hoạch. Theo đó, nếu trước đây điều chỉnh quy hoạch theo trình tự có sự tham gia của rất ít người và tổ chức, thì hiện nay trình tự đã theo như Luật Quy hoạch quy định.

Bộ Xây dựng cũng xem xét bãi bỏ giấy phép quy hoạch. “Thông thường chúng ta cấp giấy phép quy hoạch cho một số dự án đầu tư. Đó là ý tốt nhưng có nhược điểm khi vận dụng tùy tiện. Sau này là bất cập phá vỡ hệ thống quy hoạch”, ông Hà nói.

Để tăng tính minh bạch, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết trong năm 2019, Bộ Xây dựng sẽ lập cổng thông tin điện tử quốc gia về quy hoạch đô thị. Công cụ này giúp người dân và doanh nghiệp có thể nắm bắt thông tin, giám sát quy hoạch.

Bộ Xây dựng cũng hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật liên quan đến quy hoạch, sử dụng đất đô thị. Các quy chuẩn này liên quan đến nhà chung cư và loại hình mới như condotel, officetel… Các định mức kinh tế kỹ thuật cũng cũng bổ sung một số chỉ tiêu sử dụng đất, hạ tầng, các hệ số, quy định về phòng cháy chữa cháy…

‘Vì sao báo cáo giám sát không nhắc đến Vũ Nhôm, Út Trọc?’

Trước đó, phát biểu ngay đầu giờ chiều 27/5, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) nhắc đến một số vụ việc thâu tóm đất công liên quan đến các lãnh đạo ngành quân đội, công an.

"Thực tiễn nổi lên vấn đề Vũ Nhôm và Út Trọc thâu tóm đất công, chuyển nhượng trái phép. Một số lãnh đạo công an và quân đội cũng đã và đang xem xét kỷ luật, kể cả những cán bộ cấp cao và tướng lĩnh. Đây là một hiện tượng nghiêm trọng kể từ khi lập nước đến nay, gây bức xúc trong dư luận”, bà Khánh nói.

Đại biểu Khánh băn khoăn tại sao những vụ việc như trên không được nhắc đến trong báo cáo giám sát của Quốc hội.

Bộ trưởng Xây dựng nói gì về việc phá nát quy hoạch? - 1
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội). Ảnh: Quochoi.vn.

“Không hiểu vì lý do gì, đoàn giám sát của Quốc hội lại không nhắc tới các vụ việc. Tôi đề nghị Quốc hội và Chính phủ cần tỏ thái độ và xử lý nghiêm minh những người có liên quan, bất kể người đó là ai”, bà Khánh đề nghị.

Bà cũng đề nghị các cơ quan tư pháp xử lý nghiêm minh để thu hồi lại các tài sản công đã lợi dụng chiếm đoạt thời gian qua.

Ngay sau đó, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển giải thích: "Một số vụ án đã được xử lý nghiêm minh nên không cần thiết phải đưa vào báo cáo giám sát”.

Phát biểu sau đó, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (TP.HCM) đặt vấn đề: “Qua các dự án này, cần phải rút ra được điều gì, có kiến nghị như thế nào. Đoàn giám sát chưa nói được vấn đề này”.

Nam đại biểu đến từ TP.HCM cũng chỉ ra thực tế rằng các kết quả thanh tra thường được “đóng dấu mật”, không công khai, minh bạch cho dư luận.

“Dư luận báo chí nêu vấn đề, sau đó Thủ tướng chỉ đạo thanh tra. Các đoàn đi kiểm tra về lại đóng dấu mật mà báo chí không tiếp cận được. Tôi đề nghị công khai các kết luận thanh tra để tạo điều kiện cho người dân tham gia giám sát”, ông Hồng đề xuất.

Theo Hiếu Công (Tri Thức Trực Tuyến)