Kinh tế

Bộ trưởng Giao thông: 'Grab hay taxi cũng đều phải gắn mào'

Lãnh đạo ngành giao thông khẳng định không "phân biệt đối xử" trong quản lý xe hợp đồng điện tử và taxi truyền thống.

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Giao thông Vận tải sáng 5/6, nhiều đại biểu Quốc hội đặt vấn đề về cạnh tranh không lành mạnh giữa xe hợp đồng điện tử và taxi truyền thống.

Việc kéo dài thực hiện thí điểm xe hợp đồng điện tử theo Quyết định 24, theo các đại biểu là căn nguyên của hiện trạng cạnh tranh không lành mạnh, bất cập quản lý giữa xe công nghệ và taxi truyền thống hiện nay.

"Grab mới nộp thuế 10 tỷ đồng năm 2014-2016, còn các hãng taxi truyền thống nộp thuế hàng nghìn tỷ mỗi năm. Giải pháp nào để quản lý xe công nghệ như Grab, chặn tình trạng tăng số lượng xe chui, trốn thuế", ông Phạm Văn Hoà - Phó đoàn chuyên trách tỉnh Đồng Tháp chất vấn.

Ông Đào Thanh Hải (Hà Nội) cũng nêu, hiện mới có 15% lượng người dân ở Hà Nội tham gia đi xe buýt, Hà Nội quản lý xe taxi truyền thống để giảm ùn tắc từ 22.000 xuống còn 15.000 xe, trong khi lượng xe Grab là 31.000 xe. "Xe Grab không đeo mào nên dễ len lỏi vào các tuyến đường cấm, khó quản lý. Hướng giải quyết thời gian tới sẽ ra sao", ông hỏi.

Bộ trưởng Giao thông: 'Grab hay taxi cũng đều phải gắn mào'
Ông Phạm Văn Hoà - Phó trưởng đoàn chuyên trách tỉnh Đồng Tháp

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, hiện có khoảng 48.000 xe hợp đồng điện tử đăng ký hoạt động, song con số thực tế có thể cao hơn do còn lượng lớn người dân mua xe kinh doanh hình thức này mà không đăng ký.

Ông Thể khẳng định, chính sách quản lý hoạt động vận tải đảm bảo sân chơi công bằng cho các doanh nghiệp trong nước, nước ngoài, nhất là giữa xe công nghệ và taxi truyền thống.

Nghị định sửa đổi, thay thế Nghị định 86/2014 sau 7 lần sửa đổi, trình Chính phủ thì hiện đã nhận được ý kiến đồng thuận cao. Theo đó, dự thảo Nghị định này sẽ quy định xe hợp đồng điện tử và taxi truyền thống đều phải gắn mào để lực lượng chức năng dễ nhận biết, quản lý phương tiện lưu thông trên đường.

Ngoài ra, xe công nghệ hay taxi cũng đều phải chịu quy định về thủ tục như nhau, chẳng hạn Grab hoạt động tại Việt Nam phải đăng ký, đăng kiểm, cũng như chịu trách nhiệm trực tiếp trước lái xe, hành khách... như taxi truyền thống. Ngược lại, taxi truyền thống cũng sẽ được gắn các thiết bị công nghệ phục vụ hành khách như xe hợp đồng điện tử.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể tin, khi Nghị định thay thế Nghị định 86 được ban hành thì Quyết định 24 sẽ hết hiệu lực. Lúc đó, cạnh tranh giữa xe công nghệ và taxi truyền thống là như nhau. "Xe hợp đồng điện tử hay taxi truyền thống cũng đều có điều kiện phục vụ, chịu quản lý về thủ tục như nhau. Nghĩa là Grab và taxi truyền thống hoạt động công bằng như nhau", ông Thể nói.

Trước đó, trong báo cáo gửi đến Quốc hội, Bộ trưởng Giao thông Nguyễn Văn Thể cũng cho biết, sau 2 năm thí điểm xe hợp đồng điện tử (Grab, Uber, Fastgo...) tại 4 tỉnh, thành phố đã có 14 đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng (13 doanh nghiệp Việt Nam và 1 nước ngoài), hơn 46.000 phương tiện tham gia ứng dụng hợp đồng điện tử.

Tư lệnh ngành giao thông nhận định sự cạnh tranh giữa kinh doanh vận tải theo hợp đồng điện tử và taxi đã phát sinh nhiều kiến nghị từ các đơn vị kinh doanh taxi truyền thống. Trong khi đó cơ quan quản lý Nhà nước thiếu công cụ điều hành do chưa có quy định pháp lý về loại hình xe chạy theo hợp đồng điện tử.

Mặt khác, một số đơn vị vận tải đã không chấp hành đúng các quy định khi không có phù hiệu xe hợp đồng; hợp đồng với đơn vị cung cấp phần mềm không phù hợp với quy định; không nộp thuế...

Theo Anh Minh (VnExpress.net)