Kinh tế

Bộ Công Thương đưa ra hàng loạt giải pháp chấm dứt tình trạng thiếu xăng dầu

Clip: Chờ đổ xăng lâu, sốt ruột anh khách vác dao rượt đuổi khiến nhân viên chạy té khói (Nguồn: Tuổi Trẻ Online)

Bộ Công Thương tiếp tục chỉ đạo các thương nhân đầu mối cung cấp đầy đủ xăng dầu cho thị trường, đồng thời kiểm tra, giám sát việc bảo đảm tổng nguồn xăng dầu tối thiểu.

Sáng nay (15/11), Dân Việt đưa tin, Bộ Công Thương đưa ra một số thông tin về thị trường xăng dầu, trong đó có nêu bối cảnh xung đột Nga và Ucraine, nguồn cung khan hiếm trên thế giới, xu hướng tăng trở lại của giá xăng dầu từ tháng 10…

Bộ Công Thương nêu, trong thời gian gần đây, thị trường xăng dầu trong nước có hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh xăng dầu, bán hàng cầm chừng ảnh hưởng đến việc đáp ứng nhu cầu xăng dầu cho thị trường.

Nguyên nhân khách quan, Bộ Công Thương cho biết có 6 nguyên nhân, trong đó do bối cảnh thế giới, xung đột Nga và Ucraine; sự hồi phục nhanh chóng của kinh tế Việt Nam khiến nhu cầu tăng cao.

Đặc biệt, nguồn sản xuất của 2 nhà máy xăng dầu là Nghi Sơn và Dung Quất 10 tháng năm 2022 chưa đảm bảo đúng kế hoạch đặt ra. "Kế hoạch đăng ký 10 tháng đầu năm 2022 là 9,87 triệu m3/tấn, nhưng thực tế 10 tháng qua mới chỉ đạt 9,7 triệu tấn…. còn trhieues 170.000 m3/ tấn xăng dầu các loại", Bộ Công Thương nêu.

Bộ Công Thương đưa ra hàng loạt giải pháp chấm dứt tình trạng thiếu xăng dầu
Một số cây xăng tại TP.HCM và Hà Nội vẫn đóng cửa vì hết xăng dầu. Ảnh minh họa: Internet

Về nguyên nhân chủ quan, Bộ Công Thương đưa ra 4 lý do, trong đó có nếu từ cuối năm 2021 đến nay, các chi phí kinh doanh xăng dầu thực tế (chi phí vận chuyển, premium…) tăng liên tục và tăng cao nhưng những chi phí này chưa được rà soát, điều chỉnh tăng và tính đúng, đủ khi tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu do Nhà nước điều hành nên chưa khuyến khích doanh nghiệp nhập xăng dầu để cung ứng cho thị trường trong nước.

Đặc biệt, có doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu bị Tổng cục Hải quan ngừng thông quan mặt hãng ăng dầu do không đáp ứng được điều kiện về việc kết nối dữ liệu điện tử theo quy định của Tổng cục Hải quan (áp dụng từ ngày 1/7/2022).

Bộ Công Thương cho biết khi giá xăng dầu tăng, tỷ giá USD/VNĐ tăng, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, khó tiếp cận nguồn ngoại tệ, nguồn tín dụng. Vì vậy, nguồn tài chính của doanh nghiệp đầu mối bị ảnh hưởng đến việc nhập khẩu xăng dầu.

"Các doanh nghiệp chỉ duy trì nhập lượng hàng đủ để cung cấp cho hệ thống phân phối trực thuộc của doanh nghiệp mình và duy trì hàng dự trữ tồn kho", Bộ Công Thương nêu.

Nguyên nhân chủ quan cuối cùng, Bộ Công Thương khẳng định do một số doanh nghiệp đầu mối phía Nam bị tước Giấy phép kinh doanh xăng dầu trong thời gian 1-1,5 tháng, dẫn đến ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu ở một số địa bàn.

Về giải pháp, theo Zing, Bộ Công Thương đưa ra hàng loạt giải pháp trong thời gian tới, trong đó cơ quan này cho rằng thời gian tới tình hình thế giới dự báo còn nhiều phức tạp, khó lường, nguồn cung xăng dầu sẽ còn tiếp tục khó khăn, do đó Bộ Công Thương sẽ tập trung vào các giải pháp đã được Thủ tướng chỉ đạo tại công điện mới đây.

Bộ Công Thương tiếp tục chỉ đạo các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu cung cấp đầy đủ xăng dầu cho thị trường trong nước, bảo đảm không để thiếu hụt xăng dầu, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế và tiêu dùng của xã hội. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát việc bảo đảm tổng nguồn xăng dầu tối thiểu của các thương nhân theo đúng quy định.

Bộ Công Thương đưa ra hàng loạt giải pháp chấm dứt tình trạng thiếu xăng dầu - 1
Người dân tại Hà Nội, TP.HCM phải vật vã đổ xăng dầu. Ảnh Dân Việt

Bên cạnh đó, bộ sẽ rà soát, đề xuất sửa đổi bổ sung Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu theo trình tự, thủ tục rút gọn đáp ứng yêu cầu thực tiễn và công tác quản lý nhà nước, hài hòa lợi ích của nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Định kỳ trước ngày 20 hàng tháng, cơ quan điều hành sẽ rà soát, tổng hợp, thống kê các chi phí liên quan đến kinh doanh xăng dầu và chủ động xem xét việc điều chỉnh theo quy định, bảo đảm sát với thực tiễn của thị trường, hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và thực hiện ngay để phục vụ kỳ điều hành giá ngày 21/11.

Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo các nhà máy sản xuất xăng dầu trong nước có biện pháp hỗ trợ việc giao hàng nhanh cho doanh nghiệp đặt mua theo hợp đồng đã ký, sử dụng nguồn hàng dự trữ để hỗ trợ cung ứng cho các đầu mối (không có hợp đồng dài hạn với nhà máy) bán hàng tại các khu vực thiếu cục bộ...

PN (Nguoiduatin.vn)




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/bo-cong-thuong-ua-ra-hang-loat-giai-phap-cham-dut-tinh-trang-thieu-xang-dau-a363480.html