Kinh tế

Biến tướng của tour giá rẻ là hoạt động kinh doanh trái phép, lừa đảo

Bộ VHTTDL thừa nhận việc xuất hiện tour giá rẻ, biến tướng với những cửa hàng hoạt động kinh doanh lừa đảo, làm ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả hoạt động du lịch.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) vừa gửi tới Quốc hội báo cáo về việc thực hiện Nghị quyết số 113/2015 của Quốc hội khóa XIII về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn. Báo cáo này đã nêu nhiều khó khăn và hạn chế của ngành văn hóa, thể thao và du lịch.

Theo Bộ VHTTDL, công tác quản lý chưa theo kịp với tốc độ tăng trưởng cao về khách quốc tế đến Việt Nam, do đó dẫn đến một số tồn tại trong công tác quản lý Nhà nước về du lịch.

“Thời gian qua, khách quốc tế đến Việt Nam tăng nhanh, tuy nhiên đã xuất hiện tour giá rẻ làm ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả hoạt động du lịch. Biến tướng của tour giá rẻ là sự tồn tại của những cửa hàng hoạt động kinh doanh trái phép mang tính lừa đảo”, báo cáo nêu.

Biến tướng của tour giá rẻ là hoạt động kinh doanh trái phép, lừa đảo
Thời gian gần đây, nhiều tour du lịch giá rẻ, tour 0 đồng bùng nổ tại các địa điểm du lịch của Việt Nam. Ảnh minh họa: Minh Hoàng.

Bộ này nhận định tour giá rẻ thường do người nước ngoài núp bóng điều hành và có sự tiếp tay, đồng lõa của công ty lữ hành và hướng dẫn viên Việt Nam làm ảnh hưởng đến chất lượng và hình ảnh du lịch Việt Nam.

Về công tác quản lý hướng dẫn viên còn lỏng lẻo, xuất hiện tình trạng hướng dẫn viên “chui”, sử dụng bằng cấp giả để làm thẻ hướng dẫn viên. Người nước ngoài hoạt động hướng dẫn du lịch trái phép, dẫn đến nội dung hướng dẫn không chính xác, gây quan ngại và bức xúc trong nhân dân. Vẫn còn tình trạng thiếu cục bộ hướng dẫn viên tại các điểm du lịch hấp dẫn, thu hút đông khách du lịch vào mùa cao điểm.

Việc bảo đảm an ninh, an toàn, vệ sinh môi trường vẫn còn nhiều thiếu sót, rác thải ô nhiễm, tai nạn ảnh hưởng đến an toàn của khách du lịch tại các điểm du lịch còn xảy ra, đặc biệt vào các dịp lễ hội, mùa cao điểm du lịch.

Nguồn nhân lực du lịch đến nay vẫn thiếu về số lượng, còn hạn chế về ngoại ngữ, tin học, kỹ năng ứng xử, kỹ năng mềm... Mặt khác, tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước về du lịch tại các địa phương có nhiều biến động, không ổn định, việc tách nhập chưa đồng bộ.

Cũng theo Bộ VHTTDL, Việt Nam vẫn là một trong những nước còn rất hạn chế trong chính sách miễn thị thực, tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho khách du lịch so với các nước trong khu vực là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của du lịch Việt Nam.

Việt Nam đã miễn thị thực nhập cảnh cho công dân mang hộ chiếu phổ thông từ 24 nước. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 07/2017 thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam cho công dân 40 nước, bổ sung thêm 6 nước.

Trong thời gian tới, Bộ VHTTDL cho rằng cần tiếp tục mở rộng diện miễn thị thực cho công dân các quốc gia là đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, thị trường khách trọng điểm. Tăng nguồn lực cho quảng bá, xúc tiến và hỗ trợ phát triển du lịch.

Việt Nam sẽ tập trung 4 dòng sản phẩm có thế mạnh và có khả năng khai thác là du lịch văn hóa, du lịch đô thị, du lịch biển và du lịch sinh thái. Đồng thời đầu tư nâng cấp, xây mới các cơ sở vật chất du lịch. Bộ này sẽ tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động lữ hành, hướng dẫn viên.

Theo Hiếu Công (Tri Thức Trực Tuyến)