Kinh tế

Bão giá nổi khắp nơi, thà ngồi im không làm gì còn hơn bị quật tả tơi

Sức nóng của việc tăng giá hàng hóa, nguyên liệu đang hiển hiện rõ rệt, khác biệt đáng kể với những con số thống kê khô khan được công bố hàng tháng. Hành vi tiêu dùng cũng đang thay đổi từng ngày trong cơn bão giá.

Trên công trường thi công một dự án đường dây truyền tải, bác đầu bếp già vừa nấu nướng xong bữa cơm trưa cho công nhân trong một chiếc lán được dựng lên tạm bợ. Chiếc bếp đơn sơ được đun bằng nguyên liệu là... củi khô. Một lựa chọn ‘chẳng đặng đừng’ vì đun bằng gas quá tốn kém trong bối cảnh giá gas tăng lên mạnh.

“Đun bằng bếp gas thì sao chịu nổi chi phí”, bác đầu bếp nói.

Giá gas, giá xăng dầu cùng nhiều loại nguyên vật liệu, hàng hóa thiết yếu khác tăng giá đã tác động đáng kể đến hành vi của tất cả người dân, doanh nghiệp. Tất cả đều được điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới, từ những cái nhỏ nhất.

Từ ngày 1/3, giá gas đã tăng tương đương 42.000 đồng một bình 12 kg so với tháng trước. Sau khi giảm vào đợt cuối năm 2021, bước sang 2022, giá gas lại vượt 500.000 đồng/bình 12kg.

Còn giá xăng, sau 6 lần tăng liên tiếp, cũng đã tiệm cận 30.000 đồng/lít, cao hơn khoảng 7.000 đồng/lít so với cuối năm 2021.

Bão giá nổi khắp nơi, thà ngồi im không làm gì còn hơn bị quật tả tơi
Giá xăng dầu đã tăng rất mạnh. Ảnh: Lương Bằng

Bà Hải Hiền, chủ một cửa hàng bán vật liệu xây dựng, lặng nhìn thông báo tăng giá sắt thép vừa nhận được. Từ đầu năm đến nay, chỉ riêng mặt hàng thép các loại, bà đã nhận được gần 10 lần thông báo tăng giá - con số khiến bà không khỏi choáng váng. Đó là chưa kể hàng loạt mặt hàng khác như xi măng, cát,... đều tăng mạnh.

Tính từ đầu năm đến nay, giá thép đã tăng tới 3 triệu đồng/tấn, đưa mỗi kg thép vượt 21.000 đồng. Trong khi đó, vào đầu năm 2021 giá thép chỉ ở mức 14.000-15.000 đồng/kg.

‘Cơn bão’ giá này khiến bà Hiền nhắc đến thời điểm 10 năm trước. Bà nói: "Năm nay làm ăn đúng như đợt 2012-2013. Năm 2012, giá thép là 9.250 đồng/kg, nhưng ra Giêng thì nhích dần lên. Đến lúc lên 12.000-13.000 đồng/kg là sốt ruột lắm rồi. Năm đó, tôi đi mua thép về bán thì các đại lý đều từ chối dù trong kho còn đầy hàng. Đợt vừa rồi tôi cũng đi mua thép ở một nhà phân phối lớn, họ cũng không xuất hàng. Họ bảo rằng dưới nhà máy không cấp hàng nên họ cũng không bán hàng cho đại lý".

“Đến khi giá thép tăng lên 21.040 đồng/kg thì họ mới gọi tôi đến lấy. Nhưng tôi trả lời giá tăng cao rồi không lấy nữa, vì trong năm tôi cũng lấy được một ít với giá 18.150 đồng/kg nên bán cầm chừng”, bà Hiền kể.

“Thực sự, giờ nếu nhập thép về bán thì cũng không một đồng lợi nhuận, mua bao nhiêu về bán bấy nhiêu. Bán sắt thép thì khách hàng cũng có thể lấy thêm xi măng, cát nên tôi lấy tiền công cước vận chuyển thôi. Còn bán riêng thép là không có lợi nhuận”, bà Hiền ngao ngán.

Trước tình hình giá thép tăng cao, những đại lý vật liệu xây dựng như bà Hiền cũng không mặn mà nhập hàng, bởi lẽ rủi ro là rất lớn.

“Trở lại năm 2012-2013, tôi lỗ gần 300 triệu đồng khi mua thép giá cao. Năm nay tôi không dám lấy hàng nữa vì sợ rằng lấy xong giá xuống. Khi đó, lời lãi không biết được bao nhiêu nhưng nếu mất sẽ rất nhiều. Tôi thực sự không dám mạo hiểm nữa. Bởi vì tôi sợ”, bà Hiền thẳng thắn.

Bão giá nổi khắp nơi, thà ngồi im không làm gì còn hơn bị quật tả tơi - 1
Giá thép liên tục tăng mạnh.

Giá xăng dầu, hàng thiết yếu, giá cả vật liệu xây dựng tăng cao cũng khiến không ít doanh nghiệp, nhà thầu phải ‘bỏ của chạy lấy người’.

Là đơn vị thi công nhiều dự án truyền tải, đại diện Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia cho biết ‘nhiều nhà thầu bỏ thầu’ nên phải đấu thầu lại

Vị này chia sẻ: "Tất cả gói thầu đều phải đấu thầu lại ít nhất lần thứ hai. Có nhiều gói thầu phải xem xét phê duyệt lại, cập nhật giá nguyên vật liệu, giá nhân công thời điểm sát nhất của địa phương. Một số gói thầu đấu đến lần thứ ba vẫn vượt dự toán. Cho nên, chúng tôi phải xin cơ chế để tập đoàn đồng ý chúng tôi duyệt lại giá gói thầu trên cơ sở giá chào của nhà thầu. Nhưng vẫn phải đảm bảo làm đúng quy định pháp luật.

“Hầu hết là do tăng giá nguyên vật liệu. Nguyên nhân nữa là chi phí nhân công”, đại diện đơn vị này nói.

Tiến độ nhiều dự án đầu tư công chắc chắn cũng đang bị ảnh hưởng nặng nề vì bão giá, thách thức tính hiệu quả của việc kích thích đầu tư công trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế.

Nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng đang lo ngại về ‘cơn bão giá’ có thể đẩy lạm phát của Việt Nam tăng cao. Hiệp hội DN Anh quốc tại Việt Nam khi phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) đã cảnh báo: Khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi, lạm phát sẽ là một vấn đề quan trọng cần được giải quyết. Dữ liệu các năm trước đây cho thấy, tỷ lệ lạm phát của Việt Nam thường cao hơn các quốc gia khác.

Hiệp hội này khuyến cáo, vấn đề đó cần được chú ý thường xuyên nhằm đảm bảo rằng, Việt Nam tránh không để tái diễn hiện tượng bong bóng tài sản, đẩy cao lạm phát từng diễn ra từ năm 2010-2012, qua đó giúp ổn định nền kinh tế vĩ mô và tạo điều kiện thuận lợi cho tăng trưởng bền vững.

Theo Hà Duy (VietNamNet)




https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/thi-truong/bao-gia-noi-len-tha-khong-lam-gi-con-hon-chiu-rui-ro-825312.html